Ngày 24/5/1900 tàu tuần dương bọc thép nổi tiếng Rạng Đông (tiếng Nga: Aurora) được hạ thủy và ba năm sau đó được đưa vào biên chế của hạm đội hải quân Đế quốc Nga.
Trải qua 120 năm, con tàu này là nhân chứng của bánh xe lịch
sử nước Nga qua ba chế độ xã hội: phong kiến, xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ
nghĩa. Ngày nay, đây là con tàu có lịch sử lâu năm nhất của Hải quân Nga còn hoạt
động.
Tên gọi Aurora được đặt theo tên một chiếc tàu khu trục của
Hải quân đế quốc Nga tham gia Chiến tranh Crimea 1854. Tàu được đóng tại Nhà
máy đóng tàu Baltic, dựa trên thiết kế nguyên mẫu của tàu tuần dương Talbot hiện
đại nhất của Hải quân Anh vào thời điểm đó. Chỉ riêng việc đóng tàu đã tiêu tốn
khoảng 6,4 triệu ruble.
Trải qua 120 năm, con tàu Rạng Đông là nhân chứng của
bánh xe lịch sử nước Nga qua ba chế độ xã hội: phong kiến, xã hội chủ nghĩa và
tư bản chủ nghĩa.
Tuy nhiên, chính quyền Sa hoàng cũng phải chấp nhận chi khoản
ngân sách lớn này bởi tình hình quốc tế lúc bấy giờ bắt đầu phức tạp. Đế quốc
Nga phải đối mặt với nguy cơ xung đột với đế quốc Anh và sau đó là mối đe dọa
ngày càng tăng từ nước Đức ở khu vực Baltic.
Về thông số kỹ-chiến thuật, tàu tuần dương Rạng Đông có chiều
dài 126,8 mét, rộng 16,8m và chiều cao thân tàu 6,4m, được trang bị 42 khẩu pháo
với 4 cỡ đạn khác nhau cùng ba hệ thống phóng ngư lôi. Tổng lượng giãn nước của
tàu là 7130 tấn, độ dày trung bình của lớp giáp là 63,5mm, riêng lớp giáp bảo vệ
trên boong và buồng lái có độ dày 152mm.
Chiến hạm Rạng Đông – biểu tượng của Cách mạng Tháng Mười Nga, neo đậu
trên sông Neva ở thành phố Saint Petersburg. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)
Tàu Rạng Đông có thể đạt vận tốc 19,2 hải lý/giờ (35,5km/h), tầm bắn
của pháo hạm 4000 hải lý (7,4km), một số khẩu pháo sau khi cải tiến có
tầm bắn được nâng lên 9,8km. Thủy thủ đoàn của tàu Rạng Đông gồm tổng
cộng 570 người, trong đó có 20 sỹ quan.
Trong các năm 1902-1903,
tàu Rạng Đông trải qua quá trình thử nghiệm. Mùa hè năm 1903, chiến hạm
này thực hiện chuyến hành trình kiểm tra đầu tiên sau khi được biên chế
vào lực lượng Hải quân Đế quốc Nga.
Nhân chứng của các cuộc chiến tranh
Sau
khi Nhật Bản tuyên chiến với Đế quốc Nga, tàu Rạng Đông cùng với một số
tàu cùng lớp này được tăng cường cho mặt trận phía Đông, biên chế thành
sư đoàn tàu chiến thứ hai của Hạm đội Thái Bình Dương.
Năm 1904,
trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở vùng Viễn Đông, tàu
Rạng Đông tham gia tập trận ở cảng Kronstadt. Sa hoàng Nicholas II lên
thăm tàu, nói chuyện với thủy thủ đoàn trước khi lên đường. Tháng
5/1905, tàu Rạng Đông tham gia tích cực vào trận chiến Tsushima với Hải
quân Nhật Bản trên biển Hoàng Hải ở ngoài khơi Triều Tiên.
Trong
quá trình chiến đấu, tàu Rạng Đông đã bắn tổng cộng hơn 1900 quả đạn
pháo các loại về phía tàu Nhật Bản. Trong những trận chạm trán đầu tiên,
biên đội tàu Nga chiếm ưu thế, đánh thiệt hại nặng một tàu khu trục
trinh sát của Hải quân Nhật Bản.
Tuy
nhiên, sau đó các biên đội tàu chiến của Hải quân Nhật Bản với ưu thế
về số lượng và hỏa lực đã tổ chức tấn công vu hồi nhằm vào các tàu hậu
cần của biên đội tàu Nga, khiến tuần dương Rạng Đông phải sử dụng một
mạn tàu làm nhiệm vụ che chắn, sức mạnh hỏa lực bị giảm đáng kể và chịu
thiệt hại nặng trong các đợt đấu pháo. Kết quả, hơn 80 người trong số
thành viên thủy thủ đoàn của tàu đã thiệt mạng hoặc bị thương.
Sau
trận hải chiến, tàu Rạng Đông ghé vào cảng Manila để sửa chữa và điều
trị cho các thủy thủ bị thương. Tháng 3/1906, tàu tuần dương lên đường
trở về Nga.
Trong các năm 1906-1912, tàu Rạng Đông thamg gia sứ
mạng ngoại giao và ghé thăm một số nước. Năm 1908, tàu Rạng Đông thực
hiện nỗ lực quốc tế cứu nạn những người còn sống sót sau thảm họa động
đất Messina ở Italy.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, chiến
hạm Rạng Đông thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển Baltic. Cuối năm
1916, tuần dương hạm đến thành phố Petrograd (ngày nay là Saint
Petersburg) để sửa chữa. Năm 1917, sau Cách mạng Tháng Hai, phần lớn
thủy thủ của chiến hạm Rạng Đông đã gia nhập Ủy ban cách mạng được thành
lập trên tàu do những người Bolsevik lãnh đạo.

Câu lạc bộ thủy thủ trên tàu Rạng Đông. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)
Tối 7/11/1917 (tức ngày 25/10 theo lịch
cũ của Nga) khẩu pháo lớn trước mũi của tuần dương hạm Rạng Đông khai
hỏa vào phía mặt chính diện của Cung điện Mùa Đông. Sức mạnh của loạt
đạn pháo hiệu từ chiến hạm khiến tinh thần binh lính canh gác tại đây
suy sụp, trở thành hiệu lệnh cho cuộc tấn công rung chuyển Đế quốc Nga.
Rạng sáng ngày 8/11 các lực lượng công nhân vũ trang, chiến sĩ đồn trú
tại Petrograd, các thủy thủ của Hạm đội Baltic đã chiếm được Cung điện
Mùa Đông.
Cũng ngay trong thời điểm đó, Ðại hội các Xô-viết
toàn Nga lần thứ II khai mạc. Ðại hội thông qua lời kêu gọi “Gửi công
nhân, binh lính và nông dân” do V.I.Lênin dự thảo. Cùng với thành công
của Cách mạng Tháng Mười Nga, chiến hạm Rạng Đông trở thành biểu tượng
lịch sử của nước Nga Xô-viết.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, tuần dương Rạng Đông và thủy thủ đoàn đã tích cực tham gia phòng thủ Leningrad (Saint Petersburg) chống lại quân phátxít Đức.
Trong chiến tranh thế
giới lần thứ 2, tuần dương Rạng Đông và thủy thủ đoàn đã tích cực tham
gia phòng thủ Leningrad (Saint Petersburg) chống lại quân phátxít Đức.
Ban đầu, tuần dương hạm Rạng Đông được điều động làm nhiệm vụ phòng
không bảo vệ cảng Kronstadt. Sau đó, khi quân phát-xít áp sát Leningrad,
các khẩu pháo được tháo dỡ khỏi tàu Rạng Đông để sử dụng tại các điểm
phòng thủ quanh thành phố.
Thủy của tàu cùng với quân số của
hạm đội Baltic được biên chế thành 6 lữ đoàn hải quân đánh bộ tham gia
phòng ngự, chống lại vòng vây của quân đội Đức quốc xã. Tàu Rạng Đông
được neo đậu tại cảng và trở thành mục tiêu pháo kích, ném bom của không
quân Đức.
Biểu tượng vĩnh cửu của Cách mạng Tháng Mười
Sau
chiến tranh, tàu Rạng Đông được trục vớt và khôi phục, sửa chữa. Từ năm
1957 tàu Rạng Đông trở thành bảo tàng nổi trên sông Neva thuộc chi
nhánh bảo tàng quân sự hải quân trung ương.
Sau khi Liên Xô tan
rã, tàu Rạng Đông trở thành di sản văn hóa của Liên bang Nga, một trong
những địa điểm tham quan nổi tiếng của thành phố Saint Petersburg và
tiếp tục là một biểu tượng không thể thay thế của Cách mạng Tháng Mười.

Quân phục chiến đấu tiêu chuẩn của thủy thủ tàu Rạng Đông thời Liên Xô. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)
Tính từ năm 1956 đến nay đã có hơn 28
triệu lượt khách đến thăm tàu Rạng Đông. Nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ
thuật, điện ảnh đã được sáng tác để tôn vinh con tàu này qua các thời kỳ
lịch sử. Hình ảnh tàu Rạng Đông cũng từng được khắc hoạ trên tem bưu
chính của nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm 2010 tàu được loại
biên khỏi thành phần Hạm đội hải quân Nga. Tuy nhiên, tháng 7/2012 nhóm
các đại biểu của Hội đồng lập pháp thành phố Saint Petersburg đã gửi
thư lên Tổng thống Nga Vladimir Putin khẩn thiết đề nghị trả lại cho tàu
Rạng Đông quy chế là tàu chiến số 1 của Hải quân Nga và duy trì thành
phần thủy thủ đoàn quân sự của tàu.
Ngày nay, ngoài sứ mạng của một bảo tàng lịch sử quân sự, tàu Rạng Đông vẫn là nơi trú đóng của một đơn vị hải quân Nga có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc con tàu và thực hiện các nghi lễ của quân đội và nhà nước.
Không lâu sau khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng
Sergey Shoigu công bố kế hoạch tu bổ toàn bộ tàu tuần dương Rạng Đông và
đưa tàu này trở lại hoạt động.
Trong các năm 2014-2016, tàu
Rạng Đông được thay thế các phụ kiện bên ngoài, dây cáp điện, máy bơm,
hệ thống chữa cháy và máy phát điện diesel. Tàu Rạng Đông cũng được lắp
đặt thiết bị định vị, thiết bị liên lạc và vô tuyến hoàn toàn mới. Ước
tính tổng chi phí sửa chữa cho con tàu này lên tới 840 triệu ruble
(năm 2016).
Ngày nay, ngoài sứ mạng của một bảo tàng lịch sử quân
sự, tàu Rạng Đông vẫn là nơi trú đóng của một đơn vị hải quân Nga có
nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc con tàu và thực hiện các nghi lễ của quân đội
và nhà nước.
Đơn vị này vẫn được biên chế theo quân số thường
trực, dưới quyền chỉ huy của một Đại tá Hải quân. Cho đến nay, ở tuổi
120, tuần dương hạm Rạng Đông là tàu chiến có lịch sử lâu năm nhất của
Hải quân Nga còn hoạt động.
Chiến hạm Rạng Đông là điểm tham quan nổi tiếng của thành phố bên bờ sông Neva. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)
Theo TTXVN