LĐO - Từ ngôi đền Lotus của Ấn Độ giống như một giấc mơ đến cây cầu Helix xoắn ốc của Singapore,... đều trở thành những kỳ quan kiến trúc.
9 kỳ quan kiến trúc mà CNN thống kê đều được các kiến trúc sư lấy cảm hứng từ thiên nhiên, sử dụng phương pháp và vật liệu xây dựng hiện đại
Sân vận động Bắc Kinh (Trung Quốc): Cũng gọi là “Tổ chim“. Hình dáng chiếc tổ chim thể hiện sự vững chãi và độc đáo. Cách “đan, thắt” những vật liệu kết cấu như cách đan một chiếc giỏ mây cùng với sự cố vấn nghệ thuật của nghệ sĩ Ngải Vị Vị, các kiến trúc sư phương Tây này đã thổi hồn vào sân vận động khiến nó uyển chuyển và mềm mại.
Đền Hoa sen (New Delhi, Ấn Độ): Là một Đền thờ Bahá'í. Tòa nhà bao gồm 27 “cánh hoa” bằng đá cẩm thạch, được bố trí thành các nhóm 3 thành 9 cạnh với 9 cửa mở ra một sảnh trung tâm với chiều cao của hơn 40 mét và sức chứa 2.500 người. Công trình đã được công nhận là một kiệt tác thế kỷ 20.
Công trình Atomium (Brussels, Bỉ): Có chiều 103m. Atomium có hình dạng là các khối hình quả cầu kết cấu giống như tinh thể, rỗng ở trong, mỗi quả có đường kính 18m, các quả cầu ở xung quanh kết nối với mặt cầu ở trung tâm bằng các đường ống hình trụ có cầu thang dành cho người đi bộ ở trong dài 35m. Các cửa sổ ở quả cầu trên đỉnh cho phép nhìn bao quát toàn cảnh của Brussel.
Cầu Helix (Singapore): Là cầu đi bộ đôi nối trung tâm Marina với nam Marina trong khu vực Vịnh Marina.
Sagrada Familia (Barcelona, Tây Ban Nha): Vương cung thánh đường Nhà thờ ngoại hiệu Thánh Gia. Nhà thờ này được khởi công xây dựng từ năm 1882 và cho đến nay, trải qua hơn một thế kỷ, vẫn chưa hoàn thành. Dự định vào năm 2026, một trăm năm sau ngày mất của Gaudí, di sản thế giới của UNESCO (từ năm 1984) sẽ được hoàn thành.
Aldar Headquarters (Abu Dhabi): Tòa nhà chọc trời hình tròn lạ thường cực kỳ độc đáo có một không hai trên thế giới. Aldar được bầu chọn là “Thiết kế tương lai tuyệt vời nhất” năm 2013.
Đài Bắc 101 (Đài Loan, Trung Quốc): Tòa nhà chọc trời Đài Bắc 101 từng được gọi là Trung tâm Tài chính Thế giới Đài Bắc. Năm 2011, tòa nhà được trao tặng giấy chứng nhận bạch kim LEED, giải thưởng cao nhất theo hệ thống xếp hạng LEED, và trở thành tòa nhà xanh cao nhất và lớn nhất trên thế giới.
Tòa nhà lập phương (Rotterdam, Hà Lan): Là một trong những biểu tượng của thành phố Rotterdam, do kiến trúc sư Piet Blom thiết kế để giải quyết tình trạng mật độ dân số quá cao khiến không gian đi bộ trên mặt đất ngày càng thu hẹp.
Tòa nhà Quả dưa chuột 30 St Mary Axe (London, Anh): Cao 180m, được thiết kế với rất nhiều yếu tố kiến trúc hiện đại để tiết kiệm năng lượng. Khoảng trống giữa các tầng được thiết kế để tạo thành hệ thống thông gió tự nhiên.
G.M