Dân trí - Một bé gái 3 tuổi đã được tôn vinh thành “nữ thần sống” mới nhất ở Nepal. Cô bé sẽ được người dân thờ phụng như một vị thần, nhận được sự tôn trọng từ người Hindu và Phật giáo ở quốc gia này.
Trishna Shakya, bé gái 3 tuổi đã thực hiện một nghi lễ tôn giáo và tới ở tại một cung điện thuộc trung tâm thủ đô của Nepal. Đây cũng là nơi cô bé sẽ sinh sống cho tới tuổi dậy thì. Cô bé là một trong 4 người cuối cùng từ dòng họ Shakya đảm nhận vai trò “nữ thần sống”, hay còn được gọi là "Kumari". Tại đây, Trishna sẽ được những người giám hộ được chỉ định chăm sóc.
"Kumari" là một thuật ngữ ở Nepal dùng để chỉ các “trinh nữ”. Họ được coi là nữ thần sống, nhận sự thờ phụng và tôn trọng của cả người Hindu và người theo Phật giáo ở quốc gia này. Lịch sử tuyển chọn "Kumari" diễn ra rất khắt khe, theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Các “trinh nữ” phải vượt qua nhiều bài kiểm tra về khả năng giữ bình tĩnh và sự can đảm.
Cô bé Trishna Shakya 3 tuổi thành "nữ thần sống" mới nhất của Nepal
Người Nepal tin rằng, "Kumari" là người đại diện cho dân chúng để kết nối với thần linh, cầu xin những điều tốt lành. Theo truyền thống, "Kumari" được lựa chọn từ các bé gái 3-5 tuổi, thuộc dòng tộc Shakya. Và đặc biệt, “nữ thần sống” phải có lá số tử vi không xung khắc với Quốc vương đang trị vì.
Quay trở lại với câu chuyện của cô bé 3 tuổi Trishna, ông Bijaya Ratna Shakya, cha cô bé xúc động cho biết: “Con gái tôi đã trở thành Kumari. Cô ấy không phải là con gái chúng tôi, mà là nữ thần của cả đất nước. Tôi hạnh phúc nhưng đồng thời cảm thấy đau lòng”. Theo quy đinh từ truyền thống, các Kumari chỉ được rời khỏi cung điện 13 lần trong năm vào những dịp đặc biệt.
“Theo truyền thống, khi các nữ thần sống tới tuổi 12, chúng ta bắt đầu phải tìm kiếm người mới, đảm bảo nữ thần phù hợp và mang lại may mắn cho đất nước. Và cuối cùng, chúng ta đã tìm được Kumari mới”, ông Gautam Shakya, một linh mục trong ban hội thẩm cho hay.
Hàng trăm tín đồ có mặt trong buổi lễ nghi thức để tận mắt nhìn thấy “nữ thần sống”, người mặc chiếc váy màu đỏ và che phủ bằng hoa trang trí. Trước khi “nữ thần” rời khỏi gia đình ở Kathmandu, người dân xếp hàng để gửi tặng socola, trứng, các món đồ ngọt và trái cây. Không bao lâu sau khi Trishna tới cung điện, người tiền nhiệm Matina Shakya 12 tuổi bắt đầu rời khỏi trong sự ủng hộ của người dân.
Cuộc sống lạ lùng tách biệt của những “nữ thần sống”
Rời gia đình từ khi còn rất nhỏ, Kumari tới sống biệt lập trong cung điện cùng những người bảo hộ đặc biệt. Tại đây, “nữ thần sống” phải luôn mặc đồ màu đỏ, mang những món trang sức được lưu truyền từ đời trước, ngồi trên ngai trạm trổ ở khu điện thờ.
“Nữ thần” sẽ xuất hiện hai lần ngắn ngủi trong ngày để người dân được chiêm ngưỡng. Kumari có thể rời khỏi cung điện vào dịp đặc biệt, nhưng không được phép về thăm gia đình. Trong quá trình di chuyển, “nữ thần sống” không chạm chân xuống đất và luôn có người bế.
Trước kia, các Kumari sống trong cung điện không được đến trường, phải ở gần như biệt lập. Kể từ năm 2008, Tòa án Nepal đưa ra quy định nên để “nữ thần” được tiếp cận với giáo dục, nên hiện nay, họ được dạy học ngay trong cung điện.
Đến tuổi dạy thì, Kumari sẽ quay lại cuộc sống của người bình thường. Đến lúc này, các cô gái sẽ đối diện với cú sốc tâm lý khi không có kỹ năng giao tiếp trước đó. Ngày nay, số lượng gia đình cho con gái thi tuyển Kumari ngày càng giảm. Các nhà hoạt động quyền trẻ em cũng lên tiếng chỉ trích truyền thống này, bởi họ cho rằng, điều này tước đi tuổi thơ của nhiều em bé vô tội.
Hoàng Hà