BOSNIA & HERZEGOVINANhiều người tin rằng năng lượng tại các ngọn đồi được phủ kín bởi cây cối ở Visoko có thể giúp họ chữa khỏi mọi bệnh tật.
Trong 15 năm qua, thị trấn Visoko ở Bosnia & Herzegovina trở thành một điểm du lịch hút khách nhờ những "kim tự tháp năng lượng" - những ngọn đồi phủ đầy cây cối. Một trong những ngọn đồi đó là Pljesevica cao 107m, còn có tên gọi khác là Kim tự tháp Mặt trăng. Ngọn đồi còn lại là Visocica, cao 219m hay Kim tự tháp Mặt trời. Nhiều người tin rằng đây thực sự là một phần của quần thể kim tự tháp lớn nhất thế giới được xây dựng, lớn hơn cả kim thự tháp Giza ở Ai Cập.
Pljesevica và Visocica được cho là hợp với một kim tự tháp thứ ba nằm trên những ngọn đồi gần đó thành một khu phức hợp nhân tạo cổ đại, tạo ra năng lượng khổng lồ. Đó cũng là lý do, các ngọn đồi có tên gọi là Kim tự tháp năng lượng. Những năng lượng này được đánh giá là năng lượng tác động tích cực đến cuộc sống con người.
Thông tin về năng lượng từ những kim tự tháp được Semir Sam Osmanagic, một nhà thám hiểm tự phong, công bố đầu tiên. Osmanagic không khẳng định năng lượng từ các kim tự tháp này có thể chữa lành bệnh tật cho mọi người, nhưng chỉ ra rất nhiều trường hợp khỏi bệnh cao huyết áp, tiểu đường và thậm chí là ung thư sau khi tới đây.
"Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, dễ thở. Tôi chỉ đơn giản cảm thấy mình như được tiếp thêm năng lượng ở đây", Dzenana Halepovic, một du khách 67 tuổi, bày tỏ khi đến thăm các đường hầm của kim tự tháp.
Quần thể kim tự tháp Visoko nhìn từ xa. Ảnh: Sound Healing Academy
Osmanagic tự nhận là người khám phá ra các kim tự tháp ở Visoko vào năm 2005. Từ đó, người đàn ông 60 tuổi này mua rất nhiều đất trong khu vực, đào những đường hầm bên dưới các ngọn đồi và xây dựng công viên kim tự tháp - thu vé vào cửa 6 USD một người. Đến nay, công trình đón hàng nghìn du khách mỗi năm này vẫn là chủ đề gây tranh cãi ở Bosnia & Herzegovina.
15 năm qua, Osmanagic xuất hiện nhiều trên truyền hình để nói về các nguồn năng lượng tích cực. Những câu chuyện của Osmanagic về các kim tự tháp được xây từ cách đây 12.000 năm bởi một nền văn minh đã mất, những bí mật nằm dưới lòng đất... thu hút hàng nghìn người theo dõi trên khắp thế giới. Điều này được thể hiện qua sự ủng hộ của người hâm mộ vào quỹ Kim tự tháp Mặt trời của Osmanagic ở Sarajevo trong 15 năm qua. Ông cũng trở thành một "ngôi sao" ở đất nước mình.
Đường hầm trong lòng các "kim tự tháp" của Osmanagic. Ảnh: Edinwiki/Wikimedia Commons
Năm 2006, một năm sau khi Osmanagic tuyên bố khám phá của mình, một nhóm các nhà khảo cổ bắt đầu lên tiếng. Họ cho rằng đây là một "trò lừa bịp độc ác" với những người tin vào giả thuyết của Osmanagic và vô nghĩa đối với khoa học chân chính. Một số nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà địa chất, khảo cổ học và khoa học trong nước chỉ ra rằng mọi thứ ở đây hoàn toàn hình thành do tự nhiên.
Nhà địa chất Robert Schoch của Đại học Boston (Mỹ) nói với tạp chí Smithsonian: "Những gì ông ấy (Osmanagic) tìm thấy thậm chí không phải là điều gì bất thường hay ngoạn mục từ quan điểm địa chất. Nó hoàn toàn đơn giản và chẳng có gì siêu nhiên".
Semir Sam Osmanagic (ảnh) từng nói trên AFP rằng các ngọn đồi được bao phủ bởi cây linh sam và thảm thực vật này không phải là thành quả của tự nhiên. Nó là công trình được xây dựng bởi một nền văn minh có "công nghệ vượt trội". Ảnh: Morten Hvaal/Smithsonian Magazine
Sự phản đối từ giới hàn lâm không làm Osmanagic nản lòng mà chỉ khiến tham vọng của ông thêm mạnh mẽ. Với sự giúp đỡ từ hàng trăm tình nguyện viên, cũng là các du khách quốc tế, Osmanagic tiến hành nhiều cuộc khai quật và phát hiện ra một mạng lưới đường hầm. Theo Osmanagic, mạng lưới này phát ra một năng lượng đặc biệt. Nhưng một lần nữa, "phát hiện" mới của nhà thám hiểm không được công nhận. Nhiều người cho rằng đó chỉ là tàn tích của một khu mỏ bị bỏ hoang.
Mùa thu năm nay, số lượng khách đến đây tăng vọt sau khi ngôi sao quần vợt người Serbia, Novak Djokovic đến thăm nó hai lần, vào tháng 7 và 10. Djokovic gọi nơi đây là "thiên đường trên trái đất". Hiện nay, khả năng những ngọn đồi có năng lượng tích cực chữa bệnh hay không vẫn còn là đề tài tranh cãi chưa đến hồi kết trong giới khoa học.
Anh Minh (Theo Odd)