Cao ốc có một lỗ hổng ngay giữa, tòa nhà hình búp măng... là những kiến trúc khác thường du khách có thể bắt gặp khi đến Hong Kong.
Tại Hong Kong, chuyên gia phong thủy rất có tiếng nói trong phát triển kiến trúc thành phố. Dưới đây là câu chuyện về một số cao ốc nổi bật du khách có thể nhìn thấy trong chuyến thăm hòn đảo này. Ảnh: Leungchopan.
Tòa nhà Repulse BayHong Kong có địa thế đẹp, sơn thủy hữu tình. Người dân ở đây tin rằng những cơn gió thổi ra bờ biển chính là rồng bay từ trên núi xuống uống nước và rồng tượng trưng cho sức mạnh, phú quý, may mắn. Do đó khi bay lượn, chúng sẽ tạo ra năng lượng tốt cho hòn đảo. Người Hong Kong cho rằng bất kỳ tòa nhà chọc trời nào chặn đường bay của rồng đều tạo ra hung khí. Để hóa giải, nhiều cao ốc thường chừa một khoảng trống - gọi là "long môn", để mời rồng bay qua. Ảnh: CNN.
Một trong những tòa nhà khiến nhiều du khách hiếu kỳ với "long môn" là chung cư cao cấp Repulse Bay nằm trên bờ nam của hòn đảo, nơi từng là khách sạn đầu tiên ở Hong Kong. Du khách sẽ nhìn thấy tòa nhà này trên đường ghé thăm vịnh Repulse, nổi bật với "long môn" rộng 16 m, cao 24 m, chiếm 8 tầng nhà. Ảnh: Repulse Bay.
Thực tế, lỗ hổng này tồn tại không vì lý do phong thủy hay cắt giảm chi phí. Chúng mở đường cho ánh sáng, giúp các tòa nhà hòa hợp với không gian xung quanh. Khi những tòa nhà chọc trời mọc lên ngày càng nhiều, thiết kế này ngày càng được nhân rộng ở Hong Kong để chia sẻ tầm nhìn và tạo khoảng trống cho các luồng gió lưu thông, theo CNN. Ảnh: PxHere.
Tòa nhà HSBCLà một thiết kế của công ty kiến trúc Anh Norman + Partners, tòa cao ốc này được xây dựng sau khi tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia. Ảnh: Bloomberg.
Vốn được đánh giá là kiến trúc có phong thủy đẹp bậc nhất Hong Kong, tòa nhà không có tầng trệt mà được xây cao khỏi mặt đất, tạo khoảng trống để hút cát khí vào bên trong. Bạn có thể cảm thấy những cơn gió mạnh khi đứng ở lối ra vào tòa nhà, nhưng không gian bên trong rất tĩnh lặng. Thang máy dẫn lên tầng một cũng được đặt theo một góc đặc biệt để ngăn năng lượng xấu thâm nhập tòa nhà. Ảnh: Eunice Lim.
Sau khi một tháp ngân hàng khác hoàn thành gần đó, phần kiến trúc như hai nòng pháo được dựng thêm trên nóc tòa HSBC như để phản lại vận khí xấu từ đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Foster + Partners.
Tháp Bank of ChinaLà thiết kế của kiến trúc sư I.M. Pei, tòa tháp có hình lăng trụ tam giác, lấy cảm hứng từ búp măng. Theo trường phái biểu hiện, nó chính là một trong những công trình thể hiện mạnh mẽ nhất kiến trúc hiện đại của Hong Kong. Tuy nhiên, tòa nhà nổi tiếng này lại bất tuân những quy tắc cơ bản về phong thủy. Các chuyên gia nhận định hình dáng lăng trụ tam giác như lưỡi dao chặn hết cát khí, và toát ra hung khí. Ảnh: Daniel Fung.
Sau khi bị dư luận chỉ trích vì thiết kế xấu, ban quản lý tòa nhà quyết định xây thêm một thác nước nhỏ, đặt đá phong thủy, trồng thêm cây cảnh xung quanh. Ảnh: Robin Hickmott.
Cheung Kong CentreVào những năm 90, tòa cao ốc Cheung Kong Centre mọc lên giữa tháp Bank of China và tòa nhà HSBC, do đó các nhà thiết kế phải hóa giải thế xấu. Để tránh "dao" và "đại bác" hai bên, các chuyên gia tư vấn thiết kế tòa nhà theo hình trụ vuông để chống lại năng lượng tiêu cực, tối đa hiệu quả không gian cho doanh nghiệp.
Bên ngoài tòa nhà phủ toàn bộ kính, thiết kế này được cho là sẽ đảm bảo cát khí luân chuyển đều xung quanh. Thậm chí chiều cao của công trình cũng bị giới hạn nghiêm ngặt để đảm bảo hài hòa với không gian. Ảnh: Pinterest.
Khu liên hợp Chính quyền Trung ương (The Central Government Complex)
Đây là trụ sở của chính quyền Hong Kong, từng được đặt tại quận Central của hòn đảo. Từ năm 2011, trụ sở chuyển đến một địa điểm mới tại Tamar gần bến cảng Central. Tòa nhà được thiết kế với khái niệm "mở cửa", cho thấy các nhà chức trách luôn chào đón những ý tưởng mới của người dân. Ảnh: Wpcpey.
Dù bạn tin vào phong thủy hay không, đây vẫn là một trong những bí mật được giữ kín nhất của người dân Hong Kong. Bạn có thể tìm hiểu thêm về những câu chuyện chưa biết của hòn đảo này qua tour tham quan phong thủy do Tổng cục Du lịch Hong Kong giới thiệu. Giá 460 HKD với người lớn (hơn 1,3 triệu đồng) và 410 HKD với trẻ từ 6-16 tuổi (hơn 1,2 triệu đồng). Miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Ảnh: AFP.
Phạm Huyền