ẤN ĐỘ Thimmamma Marrimanu được kỷ lục Guinness công nhận cây đa có tán lớn nhất thế giới, với diện tích bao phủ gần 20.000 m2.
So với những điểm đến khác ở ấn Độ, bang Andhra Pradesh có thể không được xếp hạng cao trên bản đồ du lịch. Tuy nhiên, đây lại là bang đón nhiều khách nội địa nhất, với 120 triệu lượt mỗi năm. Phần lớn trong số họ hành hương đến Tirupati, thành phố có những ngôi đền linh thiêng.
Ngoài những ngôi đền như Lepakshi hay Lakshmi Narasimha tại thị trấn Kadiri, người dân còn đổ xô đến một thung lũng cách đó 25 km về phía đông nam. Nơi có một kỳ quan thiên nhiên đang giữ danh hiệu kỷ lục Guinness thế giới. Đó là Thimmamma Marrimanu - cây đa có tán rộng nhất thế giới - bao phủ khoảng 20.000 m2.
Từ xa, nhiều du khách dễ nhầm tưởng cây đa Thimmamma Marrimanu là một khu rừng nhỏ. Ảnh: Famous places in India.
Người Ấn Độ giáo tin rằng một người phụ nữ tên Thimmamma đã thực hiện sati (tập tục góa phụ tự thiêu chết theo chồng) vào năm 1433 tại đúng nơi cây đa mọc lên. Theo truyền thuyết, chồng cô mắc bệnh phong và qua đời. Người vợ đã thể hiện tình yêu vĩnh cửu và thác theo chồng.
Người dân tin rằng, Thimmamma biến thành một cây đa và trở thành nữ thần. Nhiều người cũng tin cây có sức mạnh thần bí, có thể ban phước lành cho những đôi vợ chồng hiếm muộn. Nếu một đôi vợ chồng buộc một dải lụa màu hoa nghệ tây lên cây, nữ thần sẽ ban phước cho họ sớm có con trong một năm,theo Anil Kumar, hướng dẫn viên du lịch tại Thimmamma Marrimanu.
Người dân thường chạm vào cây để cầu nguyện với niềm tin cây sẽ đem lại sự may mắn, khai sáng tâm hồn, trí tuệ và sức khỏe. Ảnh: Chris Griffiths/BBC.
Những tín đồ phải tháo giày trước khi đặt chân vào vùng đất thiêng quanh cây đa này. Sau khi đi qua một con đường nhỏ bụi bặm dẫn đến giữa lòng cây đa, các tín đồ sẽ cúi đầu cầu nguyện thần bò Nandi - người canh cổng lăng mộ tưởng nhớ Thimmamma và đấng Shiva - vị thần của sự hủy diệt và tái sinh. Tiếp theo, họ đến thăm một ngôi đền nhỏ. Tại đây, bạn sẽ được phục vụ dừa và gia vị.
Trước khi đến gần ngôi đền chính, du khách sẽ được một nhà sư ban phước lành với một ngọn nến thắp trước mặt. Sau đó, khách sẽ được hướng dẫn viên kể cho nghe câu chuyện về sự hy sinh của nữ thần. Họ đi vòng quanh lăng mộ năm lần từ bên phải - tượng trưng cho con đường đúng đắn trong cuộc đời.
Nơi đặt lăng mộ được tin là nơi Thimmamma đã bước lên giàn thiêu cùng chồng. Năm 2001, một cuộc khai quật ở khu vực này đã phát hiện ra những chiếc vòng cổ cũ và đồ trang sức ở khu vực trung tâm cây đa. Điều đó củng cố thêm niềm tin để chính quyền ở Tirupati xây dựng một ngôi đền ở ngay đấy. Quần thể đền thờ tại Thimmamma Marrimanu là công trình mới, bổ sung cho địa điểm này và mới chỉ được xây dựng cách đây khoảng 10 năm.
Theo Sở lâm nghiệp địa phương, đây cũng là cây đa già nhất nước, với 660 năm tuổi và có hơn 4.000 rễ. Ảnh: BBC.
Ngoài truyền thuyết địa phương về cây đa có tán rộng nhất thế giới, người dân còn nói ở ngôi đền màu trắng dưới chân núi, nằm đối diện với lối vào chính của nơi này, là đền thờ Shiva. Đây là nơi người dân thực hiện các nghi lễ xin xá tội.
Mỗi năm, trong suốt 4 ngày của lễ hội Maha - Shivaratri (lễ hội tôn vinh đấng Shiva, năm nay diễn ra vào ngày 21/2), người dân lại đứng dưới tán cây để thực hiện những nghi lễ cầu nguyện. Mọi người cho rằng, việc chạm vào cây sẽ truyền cho họ năng lượng tích cực, tốt cho cơ thể, trí tuệ và tâm hồn. Nhiều người đứng ôm rễ chính của cây, thường tối đa 10 phút một lần và tụng kinh, đọc lời cầu nguyện.
Ngày nay, số lượng du khách đến Thimmamma Marrimanu ngày một đông, khiến chính quyền lo ngại điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Đám đông, đặc biệt là những người xuất hiện trong lễ hội hàng năm, được cho là nguyên nhân chính làm hỏng gốc, rễ cây. Công nhân từ sở lâm nghiệp địa phương thường xuyên đến đây để chăm sóc cây, tạo một lối đi nhỏ dảnh riêng cho khách hành hương, đổ thêm đất nuôi cây...
Anh Minh (Theo BBC)