TTO - Thượng Hải, Tô Châu và Hàng Châu định hình nên một khu có hình dạng kim tự tháp, gọi là "Venice Phương Đông", với ăm ắp các thành phố có niên đại hàng ngàn năm được tạo dựng quanh các phức hợp kênh đào nhân tạo.
Tại các thủy trấn đó, dân cư và du khách đi lại chủ yếu bằng thuyền, xuồng chèo tay, và đôi khi người chèo đò còn cất bài ca dân dã cho du khách thưởng thức.
Mời bạn đọc cùng chiêm ngưỡng "Trung Hoa bát tuyệt thủy trấn" lừng danh xứ này.
Nam Tầm (Hồ Châu, Chiết Giang)
Nam Tầm nằm cách Thượng Hải phồn hoa độ khoảng 70 dặm về hướng Tây song cũng lắm xô bồ.
Thủy trấn này hoàn toàn khác với những địa danh khác của Thượng Hải: từng tốp du khách nhỏ tìm tới đây ngoạn cảnh, khám phá, và kiến trúc tại Nam Tầm là sự giao thoa hết sức độc đáo của văn hóa Tây Dương và Trung Quốc truyền thống.
Nếu quý khách đi dọc theo các kênh đào cổ xưa thì tha hồ nhìn thấy cảnh dân tình chốn này chơi bài hoặc uống trà. Nam Tầm được tạo lập từ thời kỳ nhà Tống nằm trong khoảng giữa năm 1241 đến 1252.
Ngày nay, Nam Tầm được ngợi ca là "Thủ phủ cưới trên kênh", mặt nước ở đây liên tục chứng kiến cảnh các đám cưới sinh động với boong thuyền trang trí hoa đỏ và dây ruy-băng, cô dâu chú rể đứng ở mũi thuyền.
Đồng Lý (Ngô Giang, Tô Châu, Giang Tô)
Cách thành phố Tô Châu độ 30 phút đi bằng xe hơi, quý khách sẽ đặt chân đến một trong những thủy trấn nổi tiếng nhất Trung Quốc: Đồng Lý.
Nơi đây được ngợi ca bằng cái tên "Tiểu Venice" với các ngôi nhà cổ xây dựng trên bờ kênh. Bản thân thủy trấn này gồm có 7 tiểu đảo được chia tách bởi 15 con kênh và thông thương qua lại bởi hơn 40 cây cầu, thêm 5 hồ nước bao bọc chính thủy trấn Đồng Lý.
Đồng Lý có lịch sử tạo lập hơn 1.000 năm, và cây cầu cổ nhất trong trấn đã có từ thời kỳ nhà Tống, nó bắt đầu được xây dựng vào năm 960.
Đến với Đồng Lý, quý khách chớ nên bỏ qua cơ hội tham quan bảo tàng cưới (nơi trưng bày nhiều y phục cưới truyền thống Trung Quốc cùng những món đồ khác), cũng như ghé qua Viện châm cứu để thưởng thức những liệu pháp mát xa nhang (hương thắp) và mát xa nhiệt rất tốt cho sức khỏe.
Tây Đường (Gia Thiện, Chiết Giang)
Tây Đường nằm hoàn toàn tách biệt so với các thủy trấn xinh đẹp khác ngay tại một nơi gọi là "langpeng" (Lang Phường), với những tuyến phố dài trên mặt nước cho phép dân cư địa phương và du khách thoải mái đi lại dọc theo các dòng kênh xanh ngay cả vào mùa mưa.
Ngồi cả tiếng để đi xe từ Thượng Hải mới đến được Tây Đường, song nơi đây rất đáng đồng tiền bát gạo, một nơi ít hàng hóa thương mại chèo kéo, cảnh xưa cũ tự nhiên tha hồ cho quý khách chụp ảnh.
Du thuyền trên sông, du khách thưởng thức nhiều hoạt động sống thi vị như câu cá với ngư dân địa phương, ăn tối trên thuyền, viếng thăm bảo tàng tranh chạm khắc gỗ và xem nghệ thuật trang trí trên ngói. Tây Đường được tạo lập từ thời kỳ Chiến Quốc (năm 476 TCN đến năm 221 TCN).
Ô Trấn (Đồng Hương, Chiết Giang)
Ô Trấn nằm cách Thượng Hải khoảng 90 dặm, nằm dọc theo Đại Vận Hà, con kênh đào dài nhất thế giới với 1.800km, từng là một tuyến giao thương thủy huyết mạch liên kết giữa Hàng Châu và Bắc Kinh và ngược lại.
Năm 2013, một kế hoạch trùng tu nhiều năm, tiêu tốn khá nhiều tiền đã kết thúc tại thủy thành Ô Trấn có niên đại 1.300 năm tuổi.
Hàng năm, có khoảng 1,5 triệu du khách đổ về Ô Trấn tham quan các kiến trúc cổ kính được bảo tồn nguyên vẹn, trong khi vẫn thoải mái nghỉ ngơi ở những resort 5 sao sang trọng vào cuối ngày tham quan.
Khoảng một nửa nhà cửa ở Ô Trấn vẫn còn mang bóng dáng quá khứ, trong khi nửa kia là canh tân hoặc trùng tu mới.
Chu Gia Giác (Thanh Phố, Thượng Hải)
Chu Gia Giác là một trong những thủy trấn được bảo tồn tốt nhất tại Thanh Phố ở Thượng Hải. Trấn này được tạo lập từ cách đây 1.700 năm, và ở vào thời hoàng kim, nơi này là vựa gạo của Thượng Hải.
Đến với Chu Gia Giác, du khách có cơ hội mục kỉnh một trong những vườn cảnh lớn nhất ở miền Nam Trung Hoa: vườn Majia và hơn 1 vạn nhà cửa cổ kính được xây dựng trong 2 triều đại Minh, Thanh (1368 tới 1911).
Tuy vậy, giới sử gia cũng chỉ trích nói rằng việc xây dựng khu phức hợp giải trí và đại siêu thị tại Chu Gia Giác vào năm 2012 đã đe dọa đến các giá trị lịch sử lâu đời và văn hóa giàu bản sắc ở đây.
Thất Bảo (Mẫn Hàng, Thượng Hải)
Nằm cách nội đô Thượng Hải chỉ độ 10 dặm là một điểm đến lý thú vào mỗi dịp cuối tuần của người Trung Quốc. Nhà cửa cũng như đền chùa tại Thất Bảo đã được xây dựng vào đầu thập niên năm 900.
Gọi tên là Thất Bảo vì cổ trấn này đang tồn tại 7 thứ bảo vật trân quý gồm tượng Phật bằng sắt, 1 quả chuông đồng, 1 bản kinh hoa sen Phật bằng vàng, 1 cây Đinh Tán 1.000 năm tuổi, 1 đôi đũa ngọc bích, 1 cây búa ngọc bích và 1 con gà trống vàng.
Ngoài ra, quý khách cũng có thể thưởng thức nghệ thuật múa bóng (sự kết hợp giữa bóng con rối và hình người trên màn hình), hoặc thăm thú bảo tàng đá dế để cùng trầm trồ trước những cuộc đấu sinh tử.
Lư Thực (Ngô Trung, Tô Châu, Giang Tô)
Trấn này nằm cách thành phố Tô Châu khoảng 10 dặm đường. 2.500 năm lịch sử đã trôi qua tại Lư Thực, tên cũ của trấn này là Puli trước khi phát triển thành một thủy trấn thịnh vượng như ngày nay.
Puli thực ra là nơi ẩn dật của nhà thơ Lu Guimeng (còn gọi là Luwang). Vì ông sống an trí ở trấn nên nơi này mang tên ông là Pu-Li Trấn. Lư Thực nổi tiếng là "cầu trấn", nhiều cây cầu được xây dựng xuyên suốt các triều đại phong kiến, khiến cho Lư Thực được mệnh danh là "Bảo tàng cầu cổ Trung Hoa".
Cùng với những cây cầu cổ xưa, nhiều nhà cửa cổ kính cũng như những nhà cửa xây mới, tất cả đã làm nên nét đẹp liêu trai cho Lư Thực.
Chu Trang (Côn Sơn, Tô Châu, Giang Tô)
Đây là thủy trấn có hoạt động thương mại hóa nổi tiếng nhất Trung Quốc, trấn nằm ở khoảng giữa Thượng Hải và Tô Châu.
Chu Trang được tạo dựng cách đây hơn 900 năm, nơi đây có sự hiện diện của khoảng 60 cây cầu vòm và 100 sân vườn cảnh.
Gần đây, có một kiến trúc kiểu cổ xưa gọi là đền Quan Phụ được xây dựng vào năm 1987, ngọn tháp này là nơi có thể ngắm cảnh toàn cảnh cổ trấn Chu Trang.
Ngoài ra nơi đây có đền thờ đạo Lão được xây dựng trong khoảng thời gian 1086 và 1093, nó là đền thờ Lão giáo nổi tiếng nhất Chu Trang.