Đã nhiều năm xa Moskva, nhưng tôi vẫn giữ lại ấn tượng thu vàng rực rỡ trên hai bờ sông Moskva. Trong mắt tôi, hiếm nơi nào mùa thu rực rỡ đến thế, như có bàn tay thần tiên dát vàng lên những hàng cây ven sông, ven hồ, trên những khu vườn, trên những lối đi.
Thu quyến rũ, không chỉ với người nước ngoài. Dân Nga như cũng háo hức chờ đợi mùa thu đến trên đất nước họ. Những ngày này, họ thường vào các khu rừng hay đi dọc các triền sông, theo từng lối mòn nho nhỏ. Trên chiếc cầu bắc qua sông Moskva hướng về Tây - Nam thành phố, ngày nghỉ, tôi nhập vào mọi người trong cảm giác nôn nao, chờ đợi, nhìn về đôi bờ sông cây lá đang chuyển màu như khúc nhạc đầu trước khi chuyển vào giai điệu vàng xôn xao, rực rỡ. Gió đầu thu rười rượi lướt qua mặt sông. Ven lối vào khu rừng Izmailovsk, nhiều bạn trẻ ngửa mình dưới những tán cây, nghe gió vi vút trên những cành cây, rừng cây xao xác và tiếng cười rúc rích đâu đó lẫn vào tiếng chim. Và thật lạ, một chú sóc hồn nhiên từ sau ghế ngồi, nhảy ngay lên vai tôi, hít ngửi vào cổ, vào má rồi vô tư nhảy xuống nhặt những mẫu bánh mì rây rắc trên lối đi. Trước khi lẫn vào cây sồi gần nhất, chú sóc xám còn ngoảnh lại, như muốn từ biệt những cậu bé ném bánh cho chú ăn. Tôi chợt nhớ tác phẩm “Mùa thu vàng” của họa sĩ Nga nổi tiếng
Đường đến Quảng trường thành phố.
Đường về ngoại ô.
Levitan. Vẫn biết ông có biệt tài vẽ tranh mùa thu, và xưa nay tôi vẫn ngưỡng mộ, biết ơn ông đã phô hết vẻ đẹp thu vàng nước Nga trên những kiệt tác của mình. Nhưng thú thực, bức tranh thiên nhiên đang hiển hiện trên đôi bờ nhánh sông Moskva, hay trên ngọn đồi mang tên Lenin, có sức quyến rũ hơn nhiều. Tôi thầm nghĩ, không một họa sĩ nào đủ tài năng để thể hiện hết vẻ đẹp nguyên sơ bằng chính thiên nhiên tự thể hiện mình.
Cổ kính nước Nga.
Đi dọc chân thành Kremlin đổ ra đại lộ Trechekovski, tôi chợt nhìn thấy những ổ khóa đủ các kiểu dáng, kích cỡ móc vào lan can chiếc cầu bắc qua nhánh sông Moskva trên đường đến trung tâm thành phố. Đây là một trong những đại lộ đẹp nhất của thủ đô nước Nga. Những chiếc khóa của đôi bạn trẻ trong ngày thành hôn, biểu tượng của lòng sắt son chung thủy. Những ổ khóa lẻ tẻ gắn vào lan can chiếc cầu, ngày một nhiều hơn. Thành phố nhận ra nét đẹp trong đời sống văn hóa của tuổi trẻ, đã tạo nên “cây” Tình Yêu. Từ trên những cành cây đó, vô vàn những ổ khóa có khắc tên đôi lứa. Mùa thu cũng là dịp nở rộ đám cưới của những cặp uyên ương. Nhiều cặp vợ chồng đến đây, nhớ lại một thời mặc váy trắng, choàng khăn voan hồng, nhớ lại giây phút thiêng liêng đặt chân vào nhà thờ Chính Thống giáo, nói lời thề nguyền chung thủy trọn đời. Họ nắm tay nhau đi dọc hàng cây, họ chụp cho nhau những bức ảnh kỷ niệm nơi họ đã đến. Thoạt đầu chỉ là một cây, nhưng đến nay, dọc bờ sông, trên chiếc cầu được các bạn trẻ gọi là cầu Tình Yêu, đã hiện lên một hàng cây xum xuê khóa. Thì ra, tuổi trẻ bao giờ cũng tìm được tiếng nói riêng, cách thể hiện riêng của mình. Đó là một nét đẹp trẻ trung trong một thành phố cổ kính, nên thơ. Lần này trở lại Moskva, mùa thu hình như chỉ mới đang chuyển màu. Thật tiếc nuối và cũng thật may mắn. Nếu ở thêm, dù chỉ một tuần nữa thôi, khi những hàng cây ngang dọc thành phố, những khu vườn huyền bí bao quanh tường thành cổ kính Kremlin đã khoác đầy đủ sắc màu lộng lẫy, lấp lánh ánh vàng, e khó lòng rời xa thành phố này với đôi chân nhẹ nhàng.
Khuôn viên nhà thờ Chính Thống Nga.
Trước thềm nhà.
Mùa thu ở nước Nga thật lạ. Buổi sáng, trời chợt mưa, chợt nắng. Nhưng ngay cả khi cơn mưa lắc rắc trên mặt cầu, thì một góc nào đó của chân trời vẫn rực lên một vầng nắng nhẹ, khiến rừng cây ngả hẳn sang vàng, óng ả như thể bất chợt thu đã ùa ập đến, rồi bất chợt chuyển vàng sang một khu vườn khác. Ngước nhìn lên khoảng trời lây phây những hạt mưa bụi trước mặt, tôi thầm nghĩ, mặt trời xứ sở Bạch Dương này đang chiều lòng khao khát mùa thu của người, hay đang như con trẻ, chơi trò âm u, đuổi bắt với ai. Và thêm một điều lạ nữa: Trong thành phố, thu đi chậm rãi, như còn đôi chút luyến tiếc một chút nắng hạ, một ít xanh trên vạt cỏ, và trên những cây thông già, vẫn nguyên một màu xanh. Nhưng về ngoại ô, nơi có những dacha (nhà nghỉ cuối tuần) yên ả nép bên con suối róc rách chảy, me mé chân đồi ven lối mòn thôn dã, đất trời như đã thực sự vào thu. Một màu vàng óng ả chạy suốt con kênh. Và khu rừng gần đâu đó, nhuốm một màu thu…
Chớm thu.
Nghĩ về ngước Nga, những sắc màu rực rỡ, những nụ cười thân thiện hiện trên gương mặt mỗi người đi qua, những chàng trai cô gái tình cờ gặp gỡ ở một góc phố, một quảng trường nào đó, lặng lẽ giữ lại trong trái tim tôi những kỷ niệm khó quên như thể mỗi khi nhớ đến những gì trong trẻo, ấm áp nhất của cuộc đời.
Nguồn : Báo Ảnh Đất Mũi