Nằm ở khu vực Vịnh Shark cách Denham (Australia) khoảng 45km về phía tây nam là một bãi biển nổi danh thế giới khi được bao phủ toàn bộ bởi vỏ sò thay vì cát như thường thấy.
Bãi biển Vỏ Sò trải dài hơn 110km, bao phủ bởi một lớp vỏ sò dày tới 10m. Đây là vỏ của Fragum erugatum, một loại nhuyễn thể thuộc họ Cardiidae phân bố chủ yếu tại vùng biển ngoài khơi bang Western, Australia.
Vịnh Shark được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới từ năm 1991, nhờ vào sự đa dạng các loài sinh vật biển độc đáo, trong đó có nhiều loài quý hiếm và đặc hữu bao gồm bò biển, cá heo mũi chai Ấn Độ Dương, cá voi và cá mập voi…
Nước biển trong khu vực vịnh Shark có độ mặn cao gấp đôi so với các vùng biển khác, do chịu ảnh hưởng của địa hình và khí hậu của khu vực.
Độ mặn cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của loài sò Fragum erugatum. Số lượng của chúng không ngừng gia tăng một cách không kiểm soát, do các loài ăn thịt trong đó có loài động vật ăn sò đã không thể thích nghi với môi trường sống này.
Khi những con sò chết đi, vỏ của chúng sẽ trôi dạt vào bờ, và quá trình này diễn ra trong hàng nghìn năm đã khiến bãi biển hoàn toàn được phủ kín bởi vỏ sò như hiện nay.
Vỏ sò nhiều đến mức chúng kết dính với nhau tạo thành một loại đá vôi đặc biệt gọi là coquina, được khai thác làm vật liệu xây dựng cho đến khi tổ chức UNESCO bảo vệ vào năm 1991.
Ngày nay, vỏ sò vẫn được người Australia sử dụng trong chế biến thức ăn gia súc, gia cầm vì lượng canxi rất dồi dào, hoặc được dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm bán cho du khách.
Bãi biển Vỏ Sò cũng là điểm đến du lịch thu hút khách ở Australia. Du khách được khuyến cáo nên cẩn thận nếu muốn dạo bước bằng chân trần trên bãi biển, vì những mảnh vỡ vỏ sò có thể làm đau chân.
Tuy nhiên, với nhiều người, việc được dạo bước trên lớp vỏ sò lạo xạo dưới chân, bên cạnh là đại dương xanh thẳm mang lại trải nghiệm rất khác biệt.