Lúc còn ở Việt Nam tôi đã nghe nhiều về địa danh Phôn Sa Vẳn - thị xã của tỉnh Xiêng Khoảng - một mảnh đất nổi tiếng trong chiến tranh và có phong cảnh đẹp như tranh vẽ. Nhưng khi được chứng kiến tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẽ đẹp tự nhiên quyến rũ của mảnh đất này.
Nằm giữa thung lũng có diện tích khoảng 4.500km2 bao quanh là những quả đồi bát úp được phủ giống cỏ tự nhiên xanh mướt chạy dài hút tầm mắt, Phôn Sa Vẳn để lại cho du khách những ấn tượng khó quên.
Điểm dễ cảm nhận là khí hậu ở đây mát mẽ lạ thường. Tháng 7, một ngày có đủ bốn mùa. Buổi tối trời se lạnh nhưng buổi sáng có rất nhiều sương làm cho thành phố đã đẹp lại càng thêm huyền bí. Buổi trưa sương tan nhìn những áng mây trắng bồng bềnh bay nhởn nhơ trên những đồi cỏ mơn mởn tạo nên một vẽ đẹp mê hoặc say đắm, thỉnh thoảng lại gặp một đàn bò lang thang giữa thảo nguyên đem lại một cảm giác thanh bình.
Thị xã này được mới được xây dựng sau năm 1975 gần Cánh Đồng Chum (cách thị xã cũ vài chục km). Trong chiến tranh mảnh đất này là chiến trường ác liệt, chịu nhiều bom đạn nhất trong cả nước Lào. Nhằm tạo một nét riêng ghi dấu ấn một thời lửa đạn, người dân Phôn Sa Vẳn đã tận dụng nhiều vỏ đạn bom để làm vật trang trí.
Dưới bàn tay của họ những vũ khí “chết chóc” năm xưa nay cũng trở thành những vật dụng thân thiện, gần gủi có ích phục vụ đời sống con người. Vỏ bom được làm cổng cho tiệm cà phê, được làm lò nướng trong các nhà bếp lớn rất công dụng và ấn tượng.
Thậm chí trong khách sạn Dook Khun giữa thị xã vỏ các loại bom đạn được dùng làm cột nhà, làm bồn trồng hoa, dĩa đựng nến, chiếc gạt tàn thuốc những tấm biển báo cho đến vật dụng trang trí rất bắt mắt thu hút được nhiều khách tham quan.
Mặc dầu thị xã đang trong quá trình đô thị hóa nhưng vẫn giữ được bản sắc tự nhiên. Bên cạnh những khách sạn sang trọng đủ tiện nghi, những vũ trường khá hiện đại cho lớp trẻ, những tuyến phố thương mại mới mở, Phôn Sa Vẳn vẫn giữ được những nét đẹp tự nhiên vốn có.
Đó là những rừng thông mơ mộng bạt ngàn khắp thảo nguyên, những hàng rào bằng gỗ mảnh dẻ chạy xen giữa quả đồi thơ khiến mảnh đất này như ngoại thành những thành phố nổi tiếng của châu Âu. Cùng với đó là những ngôi nhà gỗ kiến trúc theo văn hóa Lào, những cánh đồng lúa nước, lúa nương và đàn gia súc trên những đồng cỏ mênh mông.
Bên cạnh phong cảnh tự nhiên, văn hóa ẩm thực Phôn Sa Vẳn cũng giữ được những đặc sản truyền thống như lúa nương thơm và dẻo, đặc sản chim én có một không hai, thịt bò vừa mềm vừa ngọt, rau quả đều mang một hương vị đặc trưng khác biệt so với những vùng miền khác.
Đặc biệt Xiêng Khoảng nói chung và Phon Sa Vẳn nói riêng có loại nấm thông đỏ - một loài thực vật cực kỳ quí hiếm, vỏ thân và lá chứa hoạt chất taxol dùng để chữa bệnh ung thư. Người dân mua về để chế biến món ăn, bào chế thuốc, ngâm rượu chữa được nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư.
Loaị đặc sản quý hiếm này muốn mua phải đặt trước hoặc tìm người thân quen vì người dân tìm được bao nhiêu người Nhật mua bấy nhiêu. Giá trên thị trường 1kg khoảng 600.000-700.000 kíp (xấp xỉ 80USD).
Những nét riêng ấy của Phôn Sa Vẳn đã thu hút được nhiều khách du lịch, với khoảng 2 triệu khách mỗi năm.
Bà Sophie Marceau, khách du lịch Hà Lan nói với chúng tôi: “Phong cảnh và khí hậu của Phôn Sa Vẳn giống như một thị trấn của châu Âu. Trong quá trình đô thị hóa mà địa phương này vẫn giữ được cảnh quan, môi trường tự nhiên là rất đáng quý.”
Còn ông Jack Wilshere (khách du lịch Mỹ) thì cho rằng người Phôn Sa Vẳn nói riêng, người Lào nói chung rất thân thiện, đặc sản của vùng quê này thật tuyệt vời.
Để bảo tồn và phát triển nét độc đáo của “một miền đất châu Âu" trong lòng nước Lào, ông Minkhamden Bouasom, Phó Giám đốc Sở Thông tin Văn hóa Lào cho đây là sự cố gắng rất lớn của chính quyền địa phương.
Trong quy hoạch chung của đất nước, Phôn Sa Vẳn sẽ là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng nên tất cả những gì Phon Sa Vẳn có hôm nay đều được giữ gìn, tôn tạo. Vì đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Xiêng Khoảng mà của chung đất nước Triệu Voi - một mảnh đất gắn liền với lịch sử đất nước có cảnh quan đẹp, thanh bình./.
Nguồn : Vietnam+