Từ TP Thanh Hóa, sau một ngày vượt qua hơn 300 km đường đèo dốc, chúng tôi có mặt tại thị xã Sầm Nưa, thủ phủ của tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Sau khi xuống các bản làng heo hút, khó khăn của tỉnh để ghi nhận những hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ xứ Thanh trên đất bạn, chúng tôi có trọn một buổi chiều để đi chợ Sầm Nưa.
Thị xã bé nhỏ và bình dị này nằm yên bình trong thung lũng Sầm Nưa được bao bọc bởi lớp lớp lô nhô những núi là núi. Vì nằm gọn trong thung lũng, nên Sầm Nưa là một vùng tiểu khí hậu đặc biệt với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong một ngày. Buổi sáng ở đây thường có mưa lay phay với cái lạnh se se; buổi trưa nắng lên chói lóa, khoảng quá trưa thường có những cơn mưa giông chợt đến, chợt đi ào ạt; về chiều, tiết trời lại mát mẻ với cái nắng vàng ươm; còn đêm xuống, muốn ra đường, người ta phải khoác thêm tấm áo ấm cho đỡ lạnh, và khi ngủ thì phải đắp chăn bông…
Ở Sầm Nưa không có chợ xanh, chợ cóc như vẫn thường thấy ở các thành phố, thị xã của VN, mà mọi giao dịch kinh tế hầu hết đều diễn ra ở một khu chợ được bố trí nằm dọc theo hai bên bờ dòng Nậm Xam, với một bên chuyên bán hàng tổng hợp và một bên chuyên bán lương thực, thực phẩm.
Tôi được Pinh Chulakhon - nữ sinh viên người Lào (hiện đang học đại học ở VN mới về thăm nhà) dẫn đi thăm chợ và làm phiên dịch. Ấn tượng nhất với tôi chính là sự thật thà chân chất cực kỳ đáng quý của người dân Lào bình dị và mến khách…
"Tôi nói thách, sao... không trả giá?"
Chợ Sầm Nưa không có nhiều hàng hóa như tôi tưởng, chủ yếu là các sản phẩm thủ công truyền thống của người Lào, còn lại là hàng nhập từ Thái Lan, Trung Quốc và VN. Vì đây là tỉnh có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng nhất của Lào, với những sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao, nên nếu đi chợ Sầm Nưa mà không thăm quan các sạp hàng bán đồ thổ cẩm thì quả là một thiếu sót. Pinh dẫn tôi vào một sạp hàng chuyên bán đồ thổ cẩm lớn nhất chợ Sầm Nưa và không quên giới thiệu về nghề dệt thổ cẩm gia truyền. Pinh bảo, hầu hết những phụ nữ nổi tiếng của Lào, đặc biệt là những người dẫn chương trình trên Đài truyền hình Lào đều mua vải thổ cẩm ở Sầm Nưa về may váy áo truyền thống. "Thổ cẩm Sầm Nưa cũng nổi tiếng không kém gì lụa Hà Đông của VN đâu nhé", Pinh nói thêm.
Khách hàng thích thú với những gian hàng chuyên bán đồ thổ cẩm ở chợ Sầm Nưa
|
Cầm một tấm chăn thổ cẩm được dệt khá cầu kỳ, tôi nhờ Pinh hỏi giá. Bà chủ sạp hàng tên Malina cho biết giá mỗi chiếc chăn là 45 ngàn kíp. Nhẩm tính chỉ khoảng trên 100 ngàn đồng, tôi mua liền mấy tấm để làm quà. Bà chủ vừa gấp chăn cho vào túi vừa hỏi Pinh gì đó, rồi cả hai cùng cười. Ping bảo, chị ấy hỏi sao anh không trả giá, đây là giá nói thách thôi. Người VN hay nói thách mà… Tôi cười bảo giá thế này là hợp lý rồi, nhưng cuối cùng bà chủ cũng tự... bớt cho tôi với giá 40 ngàn kíp một tấm…
Kế đến, tôi nhờ Pinh dẫn sang khu chuyên bán đồ bạc. Bạc là loại trang sức không thể thiếu của mỗi người dân Lào, vì vậy các cửa hàng chuyên kinh doanh đồ bạc làm ăn rất phát đạt. Tôi mua một đồng bạc cổ to bằng lòng bàn tay với giá 100 ngàn kíp (250 ngàn đồng). Pinh hỏi: Anh mua để làm sưu tập à? Tôi cười bảo mua để cạo gió. Sợ Pinh không hiểu, tôi ra dấu cạo cạo vào cổ. Thấy thế người đàn ông bán hàng tên là Khansay Xayavong lắc đầu xua tay và vẫy vẫy tôi quay trở lại. Khansay giải thích với Pinh một lúc. Pinh ồ lên rồi bảo tôi lấy đồng bạc ra trả lại với lời giải thích: Khansay tưởng tôi mua đồng bạc để làm kỷ niệm chứ không biết là mua để cạo gió trị cảm, vì vậy mới bán đồng bạc này. Khansay không chắc đây là đồng bạc với 100% bạc nguyên chất, vì vậy sợ mang tiếng lừa đảo nên không bán nữa. Khansay bảo nếu muốn mua bạc một trăm phần trăm thì mình chỉ có bạc thỏi thôi. Cái này không chặt ra được, bạc cổ mà, giá đắt lắm… Khansay vui vẻ trả lại tiền cho tôi và luôn miệng nói câu xin lỗi, đồng thời hứa sáng mai sẽ mang đồng bạc hoa xòe bằng bạc nguyên chất đang cất ở nhà ra bán cho tôi để cạo gió, trị cảm…
Những món lạ và độc
Tôi thực sự "choáng" khi được Pinh dẫn sang bên phía bờ đông dòng Nậm Xam để đi chợ chuyên bán thức ăn ở Sầm Nưa. Choáng là bởi lần đầu tiên được chứng kiến những món ăn lạ và "độc" của người Lào được bày bán ở đây. Xen kẽ những sạp hàng bán thịt, lòng trâu, lòng bò và cả một dãy dài những măng là măng, là những món chuột khô, nhái xanh, bọ cánh cứng và các loài côn trùng na ná như bọ xít… Nhìn những con chuột khô nhăn nheo, nằm còng queo trên bàn, nói thật tôi hơi sờ sợ vì cái mùi lạ lạ của chuột xen lẫn mùi cá suối, mùi lòng bò... Tôi càng choáng hơn khi thấy những người đàn ông Lào đi xe Hummer, xe Lexus láng coóng bước xuống mua từng xâu chuột khô và nhái xanh cho vào xe mang về nhà... Thấy bộ dạng ngạc nhiên của tôi, Pinh cười bảo: "Đặc sản đấy. Ăn ngon lắm. Nhưng phải biết cách làm. Ở đây nếu là khách quý mới được mời ăn thịt chuột khô và nhái hầm măng. Chuột khô mà nướng lên uống bia thì còn ngon hơn mực nướng anh à"… Tôi cười, không tin lắm vào cái sự ngon của Pinh, nhưng thú thực tôi không đủ can đảm thử "nhắm" món này cho thỏa sự tò mò…
Những món đặc sản chuột khô và nhái xanh được bày bán rất nhiều ở chợ Sầm Nưa
|
Ở chợ Sầm Nưa có cả một dãy chuyên bán các loại xương thú rừng để nấu cao. Những người bán hàng ở đây giới thiệu có đủ các loại xương từ hổ, báo, ngựa bạch, mèo rừng, xương khỉ... và đặc biệt còn có cả mật gấu khô, ngà voi, sừng hươu và sừng tê giác (!). Nhưng có một điều lạ là không hề có người dân Lào nào kinh doanh những món hàng "độc" này. Hầu hết các chủ buôn đều là người từ VN sang. Họ ăn mặc như người Lào và nói tiếng Lào như gió. Khách hàng mua xương để nấu cao chủ yếu là những người từ VN, Trung Quốc sang, còn người Lào thì hình như cũng không ham hố những món hàng để bào chế ra các loại "biệt dược" này. Tôi cầm một mảnh sừng tê giác khoảng 2 lạng, hỏi ông chủ bán hàng giá bao nhiêu. Ông chủ tỏ ra ngờ nghệch lôi máy tính ra bấm bấm, xong giơ cho tôi xem con số là 9 triệu kíp (khoảng 20 triệu đồng). Tôi nghiêng đi nghiêng lại, nói bừa là cái này không phải sừng tê giác, đồng thời yêu cầu được xem chiếc sừng khác. Bất ngờ vị chủ cửa hàng "người Lào" này "bắn" ra một tràng tiếng Việt, với thổ âm của vùng Thọ Xuân, Thanh Hóa đặc sệt, quảng cáo về món hàng "độc" này. Anh ta bảo, cái này ở Lào bây giờ cũng rất hiếm, để lấy được hàng, anh ta phải lặn lội sang tận Miến Điện mới mua được (!). Tôi và Pinh cùng phì cười bỏ đi, liền bị vị chủ cửa hàng này chửi rủa với những lời lẽ rất thiếu văn hóa, khiến tôi cảm thấy thật xấu hổ với Pinh…
Pinh bảo: "Ngày trước đi chợ Sầm Nưa không bao giờ phải trả giá, vì ai cũng thật thà, bán mua đúng giá, nhưng những năm gần đây có nhiều người VN, Trung Quốc sang làm ăn buôn bán nên người Lào cũng dần "học" được cách nói thách và trả giá khi mua hàng. Kể cũng... vui anh nhỉ". Tôi cười, chẳng biết phải nói sao trước cái sự hồn nhiên của cô gái Lào tốt bụng…
Nguồn : TN