Dân Paris “chính hiệu” có thể chẳng bao giờ leo lên tháp Eiffel nhưng hiếm ai chưa từng một lần nghỉ chân tại vườn Luxembourg.
Vườn và lâu đài Luxembourg được xây dựng từ năm 1612 theo lệnh của Hoàng hậu Marie de Médicis, vợ vua Henri đệ tứ. Đến đầu thế kỷ 19, công trình được kiến trúc sư Jean-François-Thérèse Chalgrin trùng tu và hầu hết những thay đổi được giữ cho đến ngày nay. Lâu đài Luxembourg khoác lên mình đủ mọi gam màu của lịch sử Pháp: từ chỗ ở của gia đình hoàng gia, trở thành… nhà giam khi Cách mạng Pháp nổ ra (1789), qua nhiều lần đổi chủ lại được trưng dụng làm tổng hành dinh của Không quân Đức Quốc xã vào Thế chiến thứ hai và sau đó là tòa nhà Thượng viện Pháp. Nhiều thập niên qua tuy trở thành công viên công cộng nhưng vườn Luxembourg vẫn thuộc sở hữu của Thượng viện.
Dân Paris thư giãn trong vườn Luxembourg - Ảnh: Lan Chi
|
Với khuôn viên 23 ha, vườn Luxembourg là “điểm xanh” lý tưởng ngay trong nội ô của thủ đô nước Pháp, tập trung nhiều loại thực vật điển hình của miền ôn đới như sồi, thông, tùng... Tọa lạc tại quận 6 của Paris, cách không xa khu phố học thuật Quartier Latin, nên vườn Luxembourg không bao giờ vắng bóng học sinh, sinh viên. Nơi đây có đầy đủ yếu tố để được giới học trò “kết thân”: rộng rãi, thoáng đãng và nhất là... vào cửa miễn phí. Dân Paris vào vườn Luxembourg có thể chỉ đơn giản để đọc một quyển sách hay tận hưởng chút ánh nắng hiếm hoi của tiết trời vừa chuyển từ đông sang xuân. Thậm chí, có những người mỗi ngày trên đường về nhà luôn dành thời gian ghé ngang đây “ngắm mây bay, nghe lá kêu xào xạc” để quên đi một Paris đông đúc, ồn ào. “Bài bản” hơn, vườn Luxembourg có những hội cờ vua, bài bridge (một trò chơi giành cho 4 người với bài 52 lá khá phổ biến ở phương Tây) mà thành viên chủ yếu thường là những bậc cao niên đã về hưu. Các “vận động viên” nghiệp dư có thể chạy bộ trong vườn hoặc chơi bóng rổ, tennis ở những khu vực riêng biệt. Còn những ai yêu thích nghệ thuật cứ việc tản bộ ngắm các tác phẩm điêu khắc nằm rải rác trong vườn hoặc ra ngoài thưởng thức triển lãm nhiếp ảnh với các tác phẩm được để dọc hàng rào bao quanh. Ngoài ra, trong khuôn viên vườn còn có Bảo tàng Luxembourg chuyên trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại.
Một trong những nét riêng của vườn Luxembourg chính là lâu đài, hiện là tòa nhà Thượng viện Pháp. Bên trong công trình kiến trúc cổ kính này, các ông nghị say sưa bàn chuyện lập pháp, phía ngoài, “trẻ em Paris” vô tư chạy nhảy cười đùa, vọc nước, vọc cát. Nhờ vườn Luxembourg, trụ sở Thượng viện Pháp có thể được xem là chốn nghị trường thân thiện nhất thế giới.
Nguồn : Thanh Niên