Nếu tự túc du lịch một đất nước nào, bạn cũng nên chọn đến vào những ngày đẹp nhất về thời tiết ở đó.
Ngoài ra, nếu có tìm hiểu trước để đến vào những dịp lễ hay những hội hè diễn ra thì du khách sẽ có cơ hội hiểu thêm về văn hóa của người bản xứ. Brunei là một nước nhỏ nhưng có khá nhiều điểm khác biệt đáng chú ý ngoài sự giàu có từ nguồn dầu thô đem lại cho vương quốc này.
- Vui lòng giới thiệu về lễ hội Hari Raya và một vài lễ hội khác của Brunei mà du khách không nên bỏ qua khi đến đây?
- Hari Raya là lễ hội lớn nhất trong năm của người Brunei và thường diễn ra sau tháng chay Ramadan. Hari Raya, tương tự như tết Nguyên đán của người Việt, diễn ra trong bốn ngày. Ngày thứ nhất dành cho gia đình sum họp; mọi người tập trung về nhà ông bà, cùng ăn uống trò chuyện vui vẻ. Ngày thứ hai gọi là ngày mở cửa; mọi người tiếp khách và đi thăm bạn bè. Nhà nào cũng chuẩn bị thật nhiều món ăn truyền thống ngon miệng đãi khách. Cũng bắt đầu từ ngày thứ hai, hoàng cung Brunei mở cửa cho dân chúng và du khách vào tham quan.
Hàng năm ở Brunei cũng có khá nhiều lễ hội diễn ra, hầu hết đều mang đậm màu sắc của Hồi giáo. Một vài lễ hội có thể kể như:
|
Thánh đường Sultan Omar Hj Hj Saifuddien. |
His Majesty the Sultan’s Birthday: Đây được xem như ngày lễ quốc gia của Brunei mừng sinh nhật quốc vương đang trị vì, nên sẽ có sự thay đổi khi vương quốc có vua mới. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch quốc gia. Đến ngày này, cả vương quốc sẽ tràn ngập nhiều hoạt động và lễ hội. Bắt đầu với một khối lượng người đông đảo cùng cầu nguyện trong cả nước cầu cho đức vua đương triều những điều tốt đẹp và may mắn nhất.
Thường vào ngày lễ này nhà vua cho mở cửa hoàng cung để có thể gặp gỡ trò chuyện cùng với người dân trong toàn quốc, sau đó tại hoàng cung của vua sẽ có một buổi lễ tổ chức tại cung điện Istana Nurul Iman.
National Day (ngày Quốc khánh): Ngày 23 tháng 02 hàng năm. Mỗi năm, để mừng ngày quốc lễ sẽ có một lễ hội với một chủ đề mỗi năm mỗi khác. Đây là ngày mà toàn thể hoàng gia, vương tộc gặp gỡ dân chúng. Toàn dân có dịp tham gia các sự kiện, hoạt động vui chơi văn hóa. Đặc biệt, sự kiện diễn ra hàng năm là lễ nâng cờ ở quảng trường thủ đô. Hay một buổi lễ được gọi là lễ tạ ơn tại thánh đường Hồi giáo Sultan Omar Hj Hj Saifuddien. Đây được xem như là biểu tượng cho truyền thống của người dân và vương quốc Brunei.
- Cung điện hoàng gia Brunei có mở cửa cho du khách tham quan hay không?
- Trong ngày thứ hai của lễ hội Hari Raya, hoàng cung Brunei sẽ mở cửa trong ba ngày để đón tiếp mọi người vào thăm. Khách thăm sẽ được vinh dự diện kiến đức vua, hoàng hậu cùng các thành viên trong hoàng gia. Đây là cơ hội duy nhất trong năm khách được vào cung cũng như gặp gỡ và nhận quà lưu niệm do quốc vương Brunei trao tặng (một thỏi sôcôla có dấu ấn của hoàng gia hoặc 5 đô la Brunei - BND - nếu là trẻ em).
|
Cung điện Istana Nurul Iman ở vương quốc Brunei. |
- Thời tiết ở Brunei ra sao? Nếu tôi định đi du lịch ở Brunei thì nên đi vào mùa nào thì tốt nhất? Tôi cần đem trang phục ra sao khi đến đây? Ở đây có được mặc các bộ đồ mỏng và thoải mái không?
- Thời tiết ở Brunei tương đối dễ chịu. Brunei không có mùa mưa và mùa khô rõ ràng. Nhiệt độ trung bình từ 24°C đến 31°C. Mùa thu với lễ hội Hari Raya là thời điểm hấp dẫn hơn hết. Đến Brunei vào mùa này, bạn sẽ được hoà trong không khí thiêng liêng của lễ hội, được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc tuyệt đẹp, thưởng thức những món ăn độc đáo của người Brunei, được tìm hiểu về một nền văn hóa giàu bản sắc Brunei một cách rõ nét nhất.
Brunei là quốc gia của các cung điện, đền đài cổ, gắn liền với Hồi giáo. Chính vì thế, khi đến đây bạn nên tôn trọng phong cách ăn mặc của người địa phương. Ăn mặc thoải mái trong những ngày trời nóng nhìn chung vẫn được chấp nhận, song khi đến thăm những nơi thờ cúng thì nên lưu ý hơn.
- Brunei tuy là một quốc gia sát biển song theo tôi được biết là người dân của đất nước này không làm ngư nghiệp. Xin lý giải giúp tôi vì sao lại như vậy?
- Đất nước Brunei nằm lọt thỏm giữa đảo Borneo của Malaysia và nhìn ra biển Đông. Nhìn tổng thể về lịch sử có thể nhận thấy rằng nền văn hóa của Brunei chịu ảnh hưởng khá nhiều của văn hoá sông nước. Điển hình là ngôi làng nước Kampung Ayer của Brunei có lịch sử hơn 600 năm tuổi và cũng là ngôi làng nước lớn nhất thế giới. Lịch sử ngôi làng nước này gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Brunei, vì dân cư đầu tiên của Brunei là những người sống trên vùng sông nước này. Chính vì thế không thể khẳng định người dân Brunei không làm ngư nghiệp.
Minh chứng một cách rõ nét là theo thống kê năm 2005, tăng trưởng GDP của Brunei là 9 tỉ đô la Mỹ, trong đó các ngành có tốc độ tăng trưởng cao là nông lâm ngư nghiệp, khoáng sản, xây dựng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc. Tuy nhiên nền kinh tế Brunei thịnh vượng chủ yếu dựa vào nguồn lợi dầu mỏ và khí đốt được khai thác và xuất khẩu hàng năm.
Ước tính thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt chiếm 80% tổng thu nhập của cả nền kinh tế và khoảng 90% thu nhập xuất khẩu. Chính vì thế, chúng ta thường bỏ quên ngành ngư nghiệp khi nhắc Brunei. Đó cũng là điều dễ hiếu khi mà ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt với lợi nhuận cao đã thu hút hầu hết người dân tìm việc tại khu vực này và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Brunei.
Tại làng nước Kampung Ayer, hằng ngày, công chức thường đón taxi nước vào đất liền làm việc, một số khác làm dịch vụ kinh doanh taxi nước và số người già còn lại mới làm công việc đánh bắt cá.
Nguồn : SGT