Mùa mưa hàng năm, hàng loạt con đường trên đảo Christmas (Australia) hạn chế phương tiện để đàn cua khổng lồ di cư.
Đảo Christmas thuộc lãnh thổ của Australia nằm ngoài khơi Ấn Độ Dương. Hòn đảo được đánh giá tựa một thiên đường nhiệt đới với địa hình đa dạng như thác nước, rừng cây, bờ biển… Tuy nhiên, điều khiến hòn đảo nổi tiếng là cuộc di cư khổng lồ của loài cua đỏ, một hiện tượng tự nhiên mà du khách và các nhà khoa học đánh giá là đáng kinh ngạc. Ảnh: Who Magazine.
Thời điểm cuối tháng 10 đánh dấu mùa mưa bắt đầu trên hòn đảo, cũng là mùa sinh sản của gần 50 triệu con cua đỏ bắt đầu. Hành trình cua từ rừng sâu ra bờ biển để đẻ trứng có thể kéo dài 18 ngày. Đàn cua như những “dòng suối đỏ” bao phủ bề mặt hòn đảo, chảy qua mọi chướng ngại vật chúng gặp phải trên đường đi. Ảnh: Max Orchard.
Chính quyền và người dân đảo Christmas tìm mọi cách để tránh làm hại những con cua. Họ xây dựng hầm và cầu vượt bắc qua đường cao tốc để bảo đảm đàn cua được an toàn. Cua đỏ là một loài chủ chốt, đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái của hòn đảo. Cuộc sống của động thực vật và cả con người tại đây sẽ bị đảo lộn nếu loài cua này biến mất. Ảnh: Jamal Wahidullah.
Trong thời kỳ di cư cao điểm, một số con đường trên đảo bị đóng cửa hoặc hạn chế các phương tiện để dành đường cho đàn cua. Việc giết hại hoặc ăn cua trên đảo bị cấm, một số người địa phương cho rằng chúng khá nhạt nhẽo và không phù hợp để ăn. Zainal Abdul Majid, người dân trên đảo, kể lại: "Mỗi khi mùa mưa đến, chúng tôi luôn phải đóng kín mọi cánh cửa để tránh những con cua tràn vào nhà”. Ảnh: Lazerhorse.
Khách du lịch ví cảnh tượng hàng triệu con cua băng qua đường như những tấm thảm màu đỏ biết di chuyển. Margaret Watts, nhà khoa học Australia đến hòn đảo hàng năm để du lịch và nghiên cứu, cảm thấy cuộc di cư này rất hấp dẫn. Cô thắc mắc về cách những con cua sống trong rừng biết khi nào có thủy triều thích hợp để tìm đến bờ biển. Margaret cho biết những con cua bị nghiền nát trên đường bốc ra thứ mùi khá tệ. Cũng giống như Zainal, cô phải đóng kín cửa để tránh phiền toái vì những con cua tìm kiếm thức ăn hoặc chết trong nhà mình. Ảnh: Christmas Island.
Thời kỳ sinh sản của cua đỏ liên hệ mật thiết với chu kỳ mặt trăng và thủy triều. Sau khi đào hang ở bờ biển, cua đực sẽ giao phối và trở về đảo trước. Những con cua cái ở lại bãi biển ấp trứng khoảng hai tuần rồi mới quay lại rừng rậm. Ảnh: Justin Gilligan.
Cua con có độ dài chỉ khoảng 5 mm. Những quả trứng nở thành hàng triệu ấu trùng cua ngay sau khi tiếp xúc với nước biển, một phần trong số đó trở thành thức ăn cho cá. Loài cá mập voi khổng lồ thường tới hòn đảo để tìm thức ăn mùa cua sinh sản. Vì vậy, đối với Zainal Abdul Majid và người dân đảo Christmas, sự xuất hiện của những con cua còn báo hiệu thời điểm lý tưởng để đi câu cá. Ảnh: Chris Bray.
Chỉ sau 2-3 ngày, những đàn cua con cũng tìm đường trở về đất liền như cha mẹ của chúng. Những con cua mất từ 3 đến 4 năm để đến tuổi giao phối, và hành trình tìm ra biển lại tiếp diễn như một vòng tuần hoàn của tự nhiên. Ảnh: Parks Australia.
Ngoài cuộc di cư của những con cua, khách du lịch đến đảo Christmas còn có nhiều lựa chọn tham quan khác. Với 63% diện tích là rừng cây, nơi này đem đến cho khách du lịch những chuyến trekking đường rừng với địa hình từ dễ đến khó, phù hợp với nhiều mức độ thử thách mà du khách mong muốn. Ảnh: Aussie Specialist.
Bãi biển Dolly là một dải cát trắng được đóng khung bởi rừng dừa trên cạn. Những hồ nước nông bao quanh bởi đá ở bờ biển thích hợp với những hoạt động lặn ống thở, bơi lội của khách du lịch. Ảnh: Aussie Specialist.
Rạn san hô hẹp bao quanh đảo là nơi sinh sống của 88 loài san hô khác nhau và 600 loài cá. Lặn biển là điều phải làm với khách du lịch mỗi lần đến đảo vì sự phong phú của động thực vật dưới nước. Những cảnh tượng ngoạn mục chỉ cách bờ biển vài mét. Flying Fish Cove là địa điểm nổi tiếng và dễ tiếp cận hơn cả, phù hợp để lặn với ống thở và bình khí. Ảnh: Aussie Specialist.