Trải dài hàng ngàn mét, men theo triền đồi với hàng ngàn cái chum đá cổ to, nhỏ đủ cỡ nằm rải rác. Không ai rõ chúng được làm ra như thế nào, nằm ở đó từ bao giờ và được dùng vào việc gì. Đó là Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng.
Cái tên “cánh đồng Chum Xiêng Khoảng” vừa lạ, vừa quen với nhiều người Việt Nam. Nó đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của hai dân tộc Việt - Lào thì nhiều người đã biết. Nhưng nó còn mang trong mình những bí ẩn của một nền văn hoá, một thế giới tâm linh mà cho đến bây giờ vẫn còn nhiều tranh cãi về xuất xứ.
Cánh đồng chum Xiêng Khoảng có khoảng 52 địa điểm với khoảng hơn 2.000 cái chum lớn nhỏ. Tập trung chủ yếu ở 3 bản: bản Ang, Lắt Sén và Bản Sua. Trong đó, Bản Ang được chú ý nhất bởi có số lượng chum hơn 334 chiếc, chum đá lớn nhỏ đã được tìm thấy ở đây. Cái lớn nhất có đường kính 2,5 m và cao tới 2,57 m, nặng đến hàng tấn. Cái nhỏ nhất chỉ cỡ một người ôm. Đa phần những chiếc chum không có nắp với đủ dạng vuông tròn, không cái nào giống cái nào.
Xiêng Khoảng là một tỉnh nằm ở đông bắc Lào, nơi bắt đầu của dãy Trường Sơn, biên giới giữa 2 nước Lào - Việt Nam. Diện tích 15.880 km2. Dân số 262.000 người (năm 2004). Mật độ trung bình 17 người/km2. Độ cao 1200m so với mực nước biển. Khí hậu mát mẻ, có nhiều núi cao. Xiêng Khoảng có 7 huyện. Các dân tộc Thái, Hmông, Dao…và một ít người Việt sinh sống. Nông nghiệp chủ yếu lúa nước, lúa nương, chăn nuôi gia súc... Thời kỳ nước Lào trung lập Vàng Pao đã từng là tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng.
Cánh đồng Chum (tiếng Lào là Thoong hảy hín) nằm trên cao nguyên thuộc tỉnh Xiêng Khoảng. Có niên đại 2500 - 3000 năm. Cách Phonesavanh từ 25 - 30km. Cánh đồng Chum với nhiều huyền thoại, cho đến bây giờ người ta vẫn chưa rõ nguồn gốc của nó.
Năm 1930 bà Madelene Colani - một nhà khảo cổ người Pháp đã đến Cánh đồng Chum này. Trong công trình nghiên cứu Mégalithes du Haut - Laos, bà Colani viết: “Tuổi của 334 cái chum này vào khoảng 2.500 -3.000 năm. Đây không phải là những chum ủ rượu vì không thấy dấu vết nào có thể chứng minh”. Đến khi phát hiện những nồi đất đựng sọ và xương người có nắp đậy cẩn thận được chôn xung quanh những chum này, Colani khẳng định: “Chum là vật đựng tất cả những di vật (quần áo, đồ dùng, rìu, nỏ, cung, kiếm) của người Puôn (một trong 3 bộ tộc Lào cổ) sau khi chết đúng theo phong tục của bộ tộc này”.
Cánh đồng chum là nơi khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới. Thời kỳ chiến tranh 1964 - 1973 quân đội Mỹ đã rải xuống mảnh đất này hàng ngàn tấn bom, mìn. Cho đến bây giờ có những du khách không đi theo chỉ dẫn vẫn có thể bị sát thương. Trung bình người dân vùng này phải chịu 350 tấn bom/người. Nhiều nhất là bom tấn có sức công phá lớn, trên cánh đồng chum hiện vẫn còn những hố bom có đường kính gần 10m, sâu trên 4m. Tiếp theo là bom bi quả ổi, loại gây sát thương nguy hiểm nhất đối với con người. Các loại mìn sát thương khác nữa cho đến bây giờ vẫn chưa tháo gỡ dược hết...
Đến với Cánh đồng Chum ở Xiêng Khoảng, bạn, tôi và tất cả mọi người sẽ có dịp đắm chìm trong những chiếc chum khổng lồ mà không một nơi nào có thể có được. Tận hưởng bầu không khí nơi cao nguyên Xiêng Khoảng mát mẻ, trong lành và thoải mái...
Dự kiến đến năm 2015, Lào sẽ đệ trình UNESCO công nhận Cánh đồng Chum là di sản văn hoá thế giới. Nhưng từ lâu Cánh đồng Chum đã trở thành một địa danh văn hoá, lịch sử và một điểm du lịch nổi tiếng khắp thế giới của đất nước Triệu voi. Ước tính mỗi năm Cánh đồng Chum thu hút khoảng 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó, du khách quốc tế chiếm tới hơn 60%.
Xiêng Khoảng xưa cũng là một trong những chiến trường khốc liệt và Cánh đồng Chum một thời trở thành chiến trường thí điểm học thuyết “Lào hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Trên mảnh đất này, có khoảng 12.000 quân tình nguyện Việt Nam đã nằm xuống mãi mãi. Nhìn Cánh đồng Chum yên bình, nên thơ bây giờ ít ai ngờ những năm chiến tranh, mảnh đất này đã hứng hơn 3 triệu tấn bom đạn các loại. Năm 2004, Bộ Văn hoá - Thông tin Lào phối hợp với tổ chức MAG rà soát trên Cánh đồng Chum phá huỷ được 127 quả bom và tìm thấy 31.814 mảnh bom các loại. Hiện nay trên Cánh đồng Chum vẫn còn bắt gặp những biển báo mang dòng chữ “MAG” ghi dấu nơi đây từng có bom mìn.
Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Xiêng Khoảng cho biết, hiện nay 52 điểm Cánh đồng Chum chỉ mới đưa vào khai thác du lịch 3 điểm. 49 điểm còn lại giao cho nhân dân trong vùng giữ gìn, bảo tồn, quản lý. |
Một số hình ảnh Cánh đồng Chum:
Hoang sơ nhưng lại đầy huyền bí Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.
Nguồn : Dantri