Nếu các món từ cá sống với cách trình bày cầu kỳ, tỉ mỉ là nét nổi trội của xứ sở hoa anh đào thì với Hàn Quốc, đồ nướng từ lâu đã trở thành phong cách, tạo nên một xu hướng riêng cho ẩm thực nước này.
Không biết từ bao giờ, đồ nướng Hàn Quốc trở thành một “thương hiệu”, một xu hướng ẩm thực hấp dẫn thực khách khắp năm châu. Sự đặc biệt của đồ nướng theo phong cách Hàn Quốc nằm ngay từ cách thưởng thức: các loại thịt được bày sẵn giữa bàn ăn trên một chiếc vỉ nướng than. Tại nhà hàng, thực khách đặt vỉ lên bếp và đợi nóng già, dần dần cho thịt, cà chua với ngò, hành lá lên nướng...
Khi thưởng thức đồ nướng, bạn có thể đóng vai trò người “đi chợ”, chọn lựa và nấu món ăn cho riêng mình, vừa thưởng thức vừa nói chuyện.
Theo truyền thống, người Hàn Quốc thường nướng đồ ăn bằng than củi, vừa an toàn vừa giúp mang lại hương vị thơm ngon tự nhiên. Bây giờ đến Hàn Quốc, bạn vẫn có thể gặp một số loại lò nướng củi thời xưa được trưng bày trong các cửa hàng đồ cổ. Trong thời buổi hiện đại, mỗi gia đình trên đất nước này đều sắm riêng bếp gas du lịch hoặc bếp nướng bằng điện.
Các thành phố lớn đến vùng quê ở Hàn Quốc đều có nhiều nhà hàng chuyên về đồ nướng. Các nhà hàng này xây dựng lò nướng bằng gas ngay trên mỗi bàn. Tuy nhiên, người ta vẫn cho rằng đồ nướng bằng bếp củi than truyền thống vẫn mang hương vị ngon nhất.
Về tên gọi, thông thường các món nướng Hàn Quốc thương có hậu tố “gui” sau tên món ăn để dễ dàng phân biệt, ví dụ Deungshim-gui (thịt thăn nướng), Dak-gui (gà nướng), Galbi-gui (sườn nướng)… Tuy nhiên đã thành thói quen, nhiều nhà hàng chuyên đồ nướng không cần ghi như vậy, mà khi vào nhà hàng, khách chỉ cần gọi món theo thực phẩm là người phục vụ có thể hiểu được.
Sau đây là một số món nướng phổ biến tại Hàn Quốc.
1. Bulgogi (Thịt bò nướng)
|
Bulgogi - Bò nướng Hàn Quốc - Ảnh: limewedge.net |
Khi giới thiệu văn hóa ẩm thực ra thế giới, người Hàn Quốc vẫn hay nói một câu: “Koreans eat everything from the ox” (có thể hiểu rằng: Người Hàn Quốc ăn mọi món từ con bò). Điều đó đủ để thấy rằng các món từ bò đa dạng và quan trọng như thế nào trong đời sống người dân xứ Hàn.
Người Hàn sử dụng gần như toàn bộ các phần từ bò để làm thức ăn, tức là khi nhắc đến bò, không có nhiều thứ được coi là “rác” bỏ đi. Có lẽ vì thế, thịt bò ở Hàn Quốc khá đắt. Trong những ngày đặc biệt, dịp nghỉ lễ hay tổ chức lễ kỷ niệm, dù ăn ở nhà hay đến nhà hàng, người ta thường chọn món từ thịt bò để thưởng thức như một cách thể hiện.
Bulgogi là một trong những món nướng nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, được làm từ thịt thăn hoặc các phần quan trọng nhất từ con bò. Thịt được cắt thành những lát mỏng (dải mỏng) và ướp với gia vị trước khi bưng ra mâm.
Đối với Bulgogi, thịt phải được ướp ít nhất 4 giờ với dầu mè, xốt đậu nành, đường, tỏi, hành, gừng, rượu vang và hạt tiêu đen. Chính gia vị ướp trong bulgogi làm món ăn mềm, thơm ngon đậm đà và mang một sắc thái riêng mà ai cũng có thể cảm nhận được.
2. Galbi-gui (Sườn nướng)
|
Món Galbi-gui - Sườn nướng - Ảnh: www2.tbo.com |
Galbi-gui cũng là một trong những món phổ biến trong nhiều nhà hàng và được người Hàn Quốc rất ưu tiên. Xương sườn thịt bò được cắt ngắn, ướp qua đêm cùng hành tây, tỏi, đường, dầu mè và nước tương. Ngoài ra, để tạo sự đặc biệt riêng cho món nướng Galbi-gui, nhiều nhà hàng dùng thêm rượu gạo và các lát quả lê để tăng hương vị.
Ngoài sườn bò, món Galbi-gui cũng được “biến thể” khi dùng với sườn heo.
3. Broiled Eel (Lươn nướng)
|
Lươn nướng Broiled Eel - Ảnh: LifeinKorea |
Ở Hàn Quốc, cá nước ngọt không mấy được ưa chuộng. Dường như trên tất cả bàn ăn ngày thường hay trong các bàn tiệc dịp lễ tết người ta không thấy hoặc rất ít khi thấy xuất hiện món ăn từ cá nước ngọt. Điều này cũng bắt nguồn từ địa lý giáp biển, truyền thống sử dụng cá biển từ xa xưa. Và với những người vốn quen dùng hải sản, cá nước ngọt dường như trở nên nhạt nhẽo và đơn điệu.
Thế nhưng, với đồ nướng thì không gì là không thể. Lươn nướng đã trở thành món ăn cao cấp trong thực đơn của nhiều nhà hàng sang trọng. Món này được dùng nhiều vào mùa hè, khi vị mát và chất bổ của con lươn tốt cho sức khỏe hơn cả.
Lươn được thái lát mỏng theo chiều dài thân. Trước khi bưng ra cho thực khách, đầu bếp nhà hàng ngâm thịt lươn với dầu mè, nước tương và đường trong một khoảng thời gian nhất định.
4. Saengseon-gui (Hải sản nướng)
Các loại cá biển phổ biến là cá hồng, cá thu, cá trích và cá bơn. Người Hàn Quốc sử dụng toàn bộ con cá để nướng (cả đầu cá) và nướng với các gia vị đơn giản như muối, xì dầu, xốt tiêu. Ngoài ra, món mực nướng (ojingeo-gui) - mực tươi và mực khô nướng - cũng rất phổ biến.
Taehap-gui (sò nướng) cũng thường thấy trong các nhà hàng hải sản. Sò được mở ra và nêm với hạt mè, muối, khi thưởng thức sẽ được trang trí với hành lá thái nhỏ, hạt mè, hạt tiêu đen.
4. Dak-gui (Gà nướng)
Dak-gui (hay còn gọi Tongdak-gui) là món gà nướng Hàn Quốc. Trong tiếng Hàn “tong” có nghĩa là toàn bộ, tức là nướng toàn bộ con gà, không phân biệt phần đầu, cánh, chân, thịt.
Gà cũng được chặt thành từng miếng có kích thước vừa phải, mỏng và tẩm ướp gia vị. Tuy nhiên, khi chặt gà, đầu bếp không quan tâm đến việc bỏ xương. Do vậy, khi thưởng thức Dak-gui, bạn cần chú ý với những miếng xương gà nhỏ lẫn trong thịt. Đó có lẽ cũng là điều thú vị riêng của món nướng này.
5. Yang Gobchang-gui (dồi heo và dạ dày heo nướng)
Dồi và dạ dày heo cũng là nguyên liệu đặc biệt tốt dành cho món nướng ở Hàn Quốc. Mỗi miếng dồi và dạ dày được cắt nhỏ 5cm, trộn với hỗn hợp dầu cùng nước xốt hạt tiêu đỏ. Khi nướng món này cũng rất cần hai thứ gia vị là tỏi và hành.
Ngày nay, đồ nướng không chỉ là món ăn của riêng những người con xứ sở kim chi. Vượt qua ranh giới ẩm thực quốc gia, đồ nướng Hàn Quốc đã du nhập tới nhiều vùng đất khắp nơi trên thế giới.
Ở Việt Nam, mỗi dịp cuối tuần muốn “tụ tập”, giới trẻ vẫn rủ nhau tới thưởng thức tại các hàng quán đồ nướng vỉa hè. Một vài con phố đã nổi danh nhờ đó như phố Xã Đàn, Ngọc Khánh, Quán Thánh, Mã Mây… (Hà Nội), ở Sài Gòn có đường Hải Thượng Lãn Ông, Lạc Long Quân, Lê Văn Sĩ… Ngoài ra, nhiều nhà hàng mang thương hiệu đồ nướng Hàn Quốc, nơi có các người đầu bếp đến từ xứ sở kim chi cũng rất phát triển. |
Nguồn : Tuổi trẻ