Những di sản công nghiệp hơn 150 năm trước ở tỉnh Kagoshima (Nhật Bản) được lưu giữ để trở thành Di sản văn hoá thế giới hiện nay.
Vùng đất Kagoshima miền Nam của Nhật Bản những năm 1850 là nơi đầu tiên tại Nhật hứng chịu sự tấn công của phương Tây. Thuở đó, Nhật Bản vẫn còn dưới sự thống trị của Mạc phủ Tokugawa.
Ba di sản công nghiệp thời Minh Trị
Lãnh chúa Shimazu Nariakira (1809-1858) của vùng Satsuma là một người chịu ảnh hưởng nền văn hoá, giáo dục Tây học. Ông mê đắm những sáng chế của phương Tây: Đồng hồ, nhạc cụ, kính viễn vọng, kính hiển vi, vũ khí... Khi xem bản đồ thế giới, lãnh chúa Shimazu Nariakira là một trong những người tiên phong nhận ra rằng, Nhật Bản là một quốc gia nhỏ bé, khi đấu với nước lớn sẽ bại, chẳng còn cách gì khác ngoài việc phải làm mạnh quốc gia mình trước, từ đó ông đã chú trọng phát triển công nghiệp, quân bị.
Lò than Terayama xếp từ đá của những vụ phun trào núi lửa.
Vào năm 2015, khi UNESCO công nhận 23 điểm thuộc Cải cách Công nghiệp Minh Trị tại Nhật Bản: Sắt thép, Đóng tàu và Khai mỏ là Di sản văn hoá thế giới, vùng Kagoshima đã có ba trong 23 điểm của cụm di sản đó.
Ba điểm di sản tại Kagoshima là: Lò than Terayama, kênh dẫn nước Sekiyoshi và lò phản xạ Shuseikan. Đây là ba điểm quan trọng đánh dấu sự phát sinh nền công nghiệp cận đại của Nhật Bản với các nhà máy công nghiệp Shuseikan dưới sự lèo lái của lãnh chúa Shimazu Nariakira (gia tộc Satsuma).
Lò than Terayama được xây dựng vào năm 1858 để chế tạo than trắng (một loại than củi cháy rất mạnh) để làm nhiệt liệu cho lò phản xạ. Thời đó chưa có bê tông để xây dựng như bây giờ, lò than được tạo thành bằng các khối đá gồ ghề xếp lên nhau. Điểm đặc biệt là đá để làm nên lò than chính là đá được hình thành từ những vụ phun trào núi lửa nên độ chịu nhiệt của đá rất cao.
Nhìn rêu xanh phủ kín khu vực cống của kênh dẫn nước Sekiyoshi, ít ai nghĩ đây từng là nơi cung cấp thuỷ lực cho các nhà máy công nghiệp đầu tiên của Nhật Bản.
Những không gian hoang sơ bao trùm di sản
Khi du khách đến thăm lò than Terayama, sẽ thấy điều thú vị là di sản này nằm tách biệt trong khu rừng được bảo tồn nguyên trạng. Ở đó nay vẫn có suối róc rách mỗi ngày, có heo rừng chạy và cả những cây cổ thụ già toả bóng mát lạnh dọc đường đi.
Cùng với lò than, không gian của kênh dẫn nước Sekiyoshi còn hoang sơ hơn. Kênh dẫn nước Sekiyoshi được xây dựng để tạo thuỷ lực cho các nhà máy công nghiệp Shuseikan. Nước được lấy từ thượng nguồn sông Inari qua khoảng 7km để đến nhà máy công nghiệp. Ngày nay, cống của kênh dẫn nước là điểm đến của rất nhiều nhà nghiên cứu, học sinh các vùng lẫn du khách bởi nó là minh chứng cho lịch sử công nghiệp Nhật Bản.
Từ vườn Senganen, nhìn qua bên kia là vịnh Kinko và núi lửa đang hoạt động Sakurajima.
Nằm trong khuôn viên vườn Senganen, di tích lò phản xạ để nung sắt chế tạo súng đại bác không mang dáng vẻ hoang sơ, gần với thiên nhiên như lò than và kênh dẫn nước. Thế nhưng, ngay tại phần nền còn lại của lò phản xạ, người xem có thể cảm nhận được kỹ thuật lắp ráp đá của vùng Satsuma khi xây dựng lò phản xạ từ năm 1857.
Có lẽ lãnh chúa Shimazu ý thức rất rõ tầm quan trọng của lò phản xạ nên đã chọn đặt nó ngay trong vườn Senganen của gia tộc mình. Vườn Senganen cũng là điểm đến đặc trưng cho du khách khi du lịch tỉnh Kagoshima. Khu vườn rộng, thanh bình với cảnh sắc hùng vĩ là vịnh Kinko và ngọn núi lửa Sakurajima vẫn đang hoạt động.
Ngay trong vườn Senganen ngày nay ngoài những di tích kiến trúc của gia tộc Satsuma còn có rất nhiều nhà hàng, quán cà phê, gian hàng bán hàng lưu niệm... Để ở đó, bên tách cà phê, du khách có thể ngắm những cột khói trắng trời của núi lửa Sakurajima – một niềm tự hào của tỉnh Kagoshima.
Trang Dương
Ảnh: Trọng Lực