VnMedia - Singapore vốn là một địa điểm du lịch hấp dẫn được nhiều người lựa chọn. Khi tới đó, bạn đã bao giờ ngắm đất nước này từ một trong những tòa nhà chọc trời tại trung tâm tài chính - kinh tế của Singapore như quảng trường Marina?
Từ tầng 21 hoặc 22 hay 23, 24 của tòa nhà số 1 Marina Boulevard - thủ
phủ Microsoft châu Á, một mặt chúng ta có thể nhìn thấy vịnh Marina,
khách sạn huyền thoại Marina Bay Sands, vườn Garden by the Bay với những
siêu cây nổi tiếng và những con đường xanh mát mắt dựng trên nền đất
lấn biển; một mặt có thể nhìn thấy nhà hát “Sầu Riêng” nổi tiếng, bảo
tàng mỹ thuật với hình hoa sen cách điệu. Ngay dưới chân tòa nhà, từ đó
ra đến vịnh Marina, bao gồm cả khách sạn Marina Bay Sands, liên tục từ
30 năm trước, chính phủ Singapore đã và đang tiếp tục công cuộc lấn
biển. Hiện nay chúng ta có thể chứng kiến sức người mạnh mẽ ra sao khi
đã tạo ra cả một quần thể kỳ vĩ và nên thơ đến vậy.
Khách sạn Marina Bay Sands từ lâu đã quen thuộc với tất cả cư dân trên
thế giới bởi khối kiến trúc đẹp cả về mỹ thuật và phong thủy. Tòa nhà
này rất cao, xấp xỉ 60 tầng nhưng vì khối kiến trúc vừa mang tính lịch
sử với hình con thuyền lớn - tượng trưng cho mảnh đất Singapore trước
đây sống bởi nghề biển và luôn là cảng biển của khu vực Đông Nam Á; vừa
mang tầm hiện đại này được xây trải dài trên 3 khối nhà nên chiều cao
chỉ có lợi thế mang lại tầm nhìn đẹp cho khách tham quan Marina Bay
Sands chứ không hề tạo cảm giác chọc trời và làm hỏng mỹ thuật cảnh quan
toàn khu vực vịnh.
Ở một góc khác, chúng ta có thể thấy quần thể tài chính và kinh tế của
Singapore - những tòa nhà chọc trời thể hiện sự hiện đại của đất nước
giàu có bậc nhất Đông Nam Á này. Dù đất đai đắt đỏ gần như nhất hành
tinh, nhưng ở mọi góc độ, ta thấy mọi nơi, trên mái cũng như dưới nhà,
các khối nhà luôn dành không gian cho nước, cho cây. Cây xanh hiện diện
mọi nơi mọi chỗ, trong và ngoài các tòa nhà, ở mọi độ cao… Tòa nhà trong
hình là một trong những tòa “chọc trời” có tuổi đời lâu đời nhất ở
Singapore. Tòa nhà cổ kính này được thiết kế có bể bơi kèm cây xanh ở
mọi không gian các tầng nhà (tòa Ascott).
Tòa nhà màu nâu này đạt độ cao giới hạn của chính phủ Singapore. Vì quốc
gia 5 triệu dân này khá nhỏ về diện tích, sân bay ở cùng thủ đô, nên
các tòa nhà ở đây bị giới hạn về độ cao để đảm bảo an toàn bay và cũng
là để đảm bảo an toàn cho cư dân và không gian đất. Tòa nhà này có 80
tầng, sâu dưới đất là nhà ga MRT. MRT được chính phủ hỗ trợ để đi đến
mọi nút mọi điểm quan trọng của đất nước.
Nói về giao thông, chúng ta có thể ngỡ ngàng khi không bao giờ gặp xe
ken kín trên đường như mọi quốc gia châu Á khác. Lý do chính để đường
lúc nào cũng sạch, cũng vắng là bởi hệ thống giao thông công cộng bao
gồm xe bus và MRT luôn sẵn sàng. Chính phủ Singapore coi rằng kẹt xe làm
giảm sự thịnh vượng của nền kinh tế nên hỗ trợ mọi hình thức để giảm
kẹt xe bằng các đòn bẩy. Giao thông công cộng: Các chuyến MRT trước 7am
đều được miễn phí cho mọi người dân. Ít xe, và người dân Singapore có hệ
thống đường MRT rất tốt, hệ đường bộ nối các tầng hầm các tòa nhà tiện
lợi đi cùng các tiện ích của khối nhà như khu bách hóa, bán lẻ, chợ luôn
ở tập trung tại các khối nhà nên hầu như trên đường, hiếm xe cộ và
người qua lại
Các loại xe ở Singapore nếu là cá nhân, đều bị đóng phí đi trên đường,
phí đặc biệt cao vào các khung cao điểm. Khi mua xe, người dân Singapore
phải đóng thuế xe nhập khẩu, khoảng 150% giá trị xe. Ngoài ra, phải mua
thuế đường bộ tầm 40 ngàn - 100 ngàn đô la tùy cỡ xe và độ mới của xe
cho 10 năm chạy đường bộ. Chính bởi vì giao thông công cộng quá tiện lợi
và rẻ, kèm những loại thuế khá nặng cho xe riêng này, nên trong tâm lý
người Singapore, việc sở hữu xe là việc không quá cần thiết. Xe riêng
nếu có chỉ là xe rất xịn như BMW, Audi… và cực kỳ mới. Chính phủ Sing
thu phí rất cao cho các dòng xe cũ trên 10 năm.
Không chỉ tại các khu tài chính, văn phòng mà ngay cả các chung cư tại
Singapore cũng được thiết kế cao tầng. Chỉ có điều, tòa nhà nào cũng nỗ
lực đưa cây xanh vào các khối nhà, vậy nên dù đất có chật, nhưng
Singapore chẳng bao giờ tắc đường và luôn xanh.
Phạm Lê (bài, ảnh)