TTO - Những người phụ nữ nghèo thường bị dụ dỗ, lợi dụng bán đi mái tóc của mình với khoản tiền ít ỏi. Số tóc này được làm thành những bộ tóc giả bồng bềnh, phục vụ nhu cầu làm đẹp của nhiều người giàu có.
Tóc giả được xếp vào nhóm phụ kiện làm đẹp của những cô gái thời thượng. Nó cũng là món đồ phần nào giúp lấy lại tự tin ở những người bệnh ung thư bị rụng tóc, người bị hói, hoặc đơn giản là phục trang trong ngành thời trang, điện ảnh.
Ngày nay, chẳng khó khăn để sở hữu một bộ tóc giả ưng ý. Bạn chỉ cần bỏ ra số tiền tương xứng là tha hồ chọn lựa, từ màu vàng óng ả xoăn tự nhiên kiểu châu Âu, nâu trầm suôn mượt kiểu Hàn Quốc, tóc bob kiêu kỳ hay xù mì gợi cảm. Tất cả đều có thể tìm thấy ở salon làm đẹp hoặc phụ kiện thời trang khắp thế giới.
Thế nhưng, bạn đã bao giờ tự hỏi nguồn gốc của những bộ tóc giả óng mượt ấy là từ đâu mà có? và chúng được làm ra như thế nào?
Từ mái đầu phụ nữ nghèo đến bàn trang điểm những quý cô thời thượng
Nguồn tóc nguyên liệu để sản xuất ra những bộ tóc giả và tóc nối thời trang đến từ đâu? Câu trả lời là: ở khắp mọi nơi, nhưng đa số có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ, nơi buôn bán tóc là ngành kinh doanh mang đến những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Ảnh: Allison Joyce
Những người phụ nữ nghèo tại Ấn Độ, Trung Quốc và một số quốc gia ở khu vực Đông Âu, thường bị một số đối tượng dụ dỗ, lợi dụng bán đi mái tóc của mình chỉ để nhận được một khoản tiền ít ỏi.
Cá biệt có những trường hợp đáng lên án như chồng ép buộc vợ phải bán tóc, thậm chí trẻ em tại các khu ổ chuột còn bị những đối tượng xấu lừa gạt cắt tóc để đổi lấy đồ chơi.
Ở Ấn Độ từng xảy ra sự việc một nhóm đối tượng chuyên cưỡng chế phụ nữ và cướp đi mái tóc của họ.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn là nhiều đền thờ ở phía nam Ấn Độ đang gặt hái những khoản lợi nhuận khổng lồ lên tới hàng triệu USD từ tóc của những tín đồ đến hành lễ.
Điều đáng nói là đa số tín đồ thực hiện nghi lễ "hiến tặng" mái tóc của mình cho các vị thần là những người nghèo và họ không hề hay biết phần "lễ vật" của mình sẽ đi đến đâu.
Nhiều người trong số những người phụ nữ này không hề biết rằng mái tóc mà họ "hiến dâng" cho các vị thần nhằm cầu mong sức khoẻ, bình an cho chồng con của mình đang được bán cho các hãng thời trang cao cấp ở châu Âu và trở thành những bộ tóc giả đắt tiền.
Ở trung tâm của cuộc tranh cãi là ngôi đền Venkateswara tọa lạc tại thị trấn Tirumala, phía nam bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Đây là một trong những ngôi đền "giàu có" nhất thế giới khi xét đến các khoản đóng góp nhận được, và là một trong những địa điểm được rất nhiều du khách và các tín đồ hành hương đến thăm.
Tính trung bình, đền Venkateswara tiếp đón từ 50.000 - 100.000 người mỗi ngày, trong đó có hàng chục nghìn người đến thực hiện nghi lễ xuống tóc dâng lên các vị thần để tỏ lòng thành kính.
Vì sao các tín đồ lại cắt tóc dâng các vị thần?
Venkateswara là một trong số rất nhiều ngôi đền ở Ấn Độ thờ thần Vishnu, một trong những vị thần trong tín ngưỡng của người Hindu, được tôn kính như là Đấng tối cao, và là chúa tể của sáng tạo, người cai quản quá khứ, hiện tại và tương lai.
Theo truyền thuyết, thần Vishnu từng bị mất một mảng da đầu. Một nàng công chúa đã cắt một phần mái tóc của mình và sử dụng sức mạnh huyền diệu cấy nó vào da đầu của thần Vishnu. Vị thần đã rất cảm động về sự hy sinh của bà và tuyên bố rằng tất cả những tín đồ phải dâng lên mái tóc cho ngài để trao trả cho vị công chúa.
Một phiên bản khác cho rằng thần Vishnu đã từng vay một khoản tiền lớn để tổ chức đám cưới của mình với nữ thần Lakshmi, nhưng không thể trả nợ. Do đó những tín đồ của thần Vishnu đã giúp trả hết nợ bằng cách dâng tặng mái tóc cho ngài.
Ảnh: Tirumalatirupatiyatra
Kinh doanh sinh lời từ sự thành tâm của tin đồ sùng đạo
Trước đây, tóc của các tín đồ hành hương sau khi thực hiện xong nghi lễ sẽ được thả xuống sông. Nhưng ngày nay chúng được bán cho các nhà buôn tóc giả ở các nước phương Tây thông qua các cuộc đấu giá thu về khoản tiền từ 3 - 6 triệu USD mỗi năm.
Hàng ngày, trong khu vực ngôi đền có khoảng 500 - 600 thợ cắt tóc làm việc liên tục để thực hiện nghi lễ xuống tóc cho 20.000 người. Những chiếc giỏ lớn đựng đầy tóc sẽ được thu thập mỗi sáu giờ một lần và được xếp đống trong một kho hàng rộng rãi.
Ảnh: Tirumalatirupatiyatra
Sau khi thu thập tóc sẽ được chuyển đến khu vực để xử lý, người ta gỡ tóc rối bằng tay một cách cẩn thận và phân loại theo chiều dài, chất lượng và màu sắc. Sau đó, tóc đã phân loại sẽ được rửa sạch, chải mượt và phơi khô dưới ánh mặt trời.
Tóc phụ nữ Ấn Độ thường được đánh giá cao bởi chúng được nuôi lâu, dày mượt và hầu hết chưa bao giờ sử dụng thuốc nhuộm hoặc màu nhân tạo. Một số bộ tóc chưa bao giờ được cắt tỉa, được gọi là "tóc trinh nữ" và được đánh giá rất cao.
Những bộ tóc dài trên 45cm được xếp vào nhóm đắt nhất, với giá khoảng 300 - 450 USD/kg, cá biệt có trường hợp có thể bán với giá 800 USD/kg. Những sợi tóc ngắn hơn được sử dụng để làm nệm hoặc chiết xuất ra các axit amin.
Phần lớn tóc ở Ấn Độ được mua bởi Great Lengths International, một tập đoàn sản xuất tóc giả có trụ sở tại Italy. Great Lengths bán các sản phẩm tóc giả và tóc nối từ tóc con người tới 60 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 40.000 salon.
Tại một salon ở trung tâm thủ đô London (Anh), chi phí cho một bộ tóc giả cao cấp của Great Lengths có giá dao động từ 1.200 -1.500 USD, và sử dụng được sáu tháng.
Những người nổi tiếng tại Hollywood như Jennifer Lopez, Tyra Banks, Paris Hilton và Beyoncé là những khách hàng thường xuyên của hãng này.
Ảnh: Chandrashekhar Basumatary/Flickr
Đại diện chính quyền địa phương thì khẳng định việc buôn bán tóc của những người hành hương dùng để phục vụ cho các mục đích từ thiện. Số tiền thu được từ việc bán tóc sẽ được chi cho các hoạt động vì cộng đồng như nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Tuy nhiên, đến nay chưa có ai xác thực được những khoản thu từ việc bán tóc và những người phụ nữ nghèo vẫn không hề hay biết những mái tóc mình nâng niu, nuôi dưỡng từ nhỏ trở thành những món trang sức đắt tiền của những người giàu có.
Những lọn tóc được "chu du" khắp nơi trên thế giới nhưng những chủ nhân thực sự của chúng vẫn phải ngày ngày sống trong cảnh nghèo đói và phải cần đến những lời cầu nguyện với thần linh để có cuộc sống tốt hơn.
Đền Venkateswara chỉ là một trong nhiều ngôi đền phía nam Ấn Độ tham gia vào hoạt động kinh doanh này. Tổng cộng, các đền thờ của Ấn Độ thu được số tiền trên 100 triệu USD mỗi năm từ việc kinh doanh tóc siêu lợi nhuận này.
MINH HẢI