Dân trí - Không ngạc nhiên khi người dân một số địa phương bắt đầu cảm thấy “thất vọng” với những vị khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Một số khách du lịch có lối cư xử khá kì lạ khi chen chúc ở khu vực triển lãm nghệ thuật, chụp ảnh tự sướng ở khắp nơi và xả rác ngay cả ở chỗ đội gác Hoàng Gia.
Venice, Italy
Người dân thành phố Venice đang nói rằng du lịch, bao gồm cả tàu du lịch, phải chịu trách nhiệm về việc gia tăng ô nhiễm của thành phố và Ủy ban di sản thế giới UNESCO cũng bày tỏ quan ngại về những tác động của du lịch lên nhiều di tích lịch sử ở Venice.
Venice dã áp dụng nhiều chính sách nghiêm khắc đối với du lịch như phạt xả rác, không mặc áo phông nơi công cộng, cài khóa tình yêu và viết lên cây hoặc các tòa nhà. Thành phố thậm chí còn hạn chế việc mở thêm các khách sạn mới.
Dubrovnik, Croatia
Theo thị trưởng thành phố Dubrovnik, nơi đây đã tang 10% số lượng khách du lịch vào năm 2015 sau bộ phim “ Trò chơi vương quyền” được quay tại đây. Hiện nay, thành phố vẫn chưa tìm ra cách giải quyết cho số lượng du khách tràn ngập đổ về dây. Vào tháng Tám năm 2017, thị trưởng thành phố đã tuyên bố kế hoạch hạn chế du khách đến với Dubrovnik, chỉ cho phép đón lượng khách từ 4.000 đến 8.000 người mỗi ngày trong 2 năm tới.
Reykjavik, Iceland
Reykjavik, Iceland, là một địa chỉ du lịch nổi tiếng thế nhưng cả đất nước này đang bị quá tải khách du lịch trong vài năm trở lại đây. Vào năm 2015, 1,26 triệu người đã đến Iceland, so sánh với dân số xấp xỉ 330.000 người của cả quốc gia. Năm 2016, chỉ tính riêng số lượng khách đến từ nước Mỹ đã đông hơn số dân của đất nước.
Một chính khách người Iceland gần đây đã phàn nàn về số lượng du khách, so sánh Iceland với Disneyland. Trong khi du lịch đã tạo ra sự thúc đẩy tăng trưởng về kinh tế sau khủng hoảng, nhưng lại gây ra nhiều tác động xấu lên cơ sở hạ tầng và đẩy giá cả trong nước tăng cao.
Cozumel, Mexico
Cozumel là hòn đảo xinh đẹp của Mexico được bao quanh bởi biển Caribbean. Đây cũng là nơi nổi tiếng thứ hai trên thế giới đón tiếp các tàu biển du lịch, theo BBC.
Các dải san hô bao quanh đảo đã bị phá hủy bởi tàu và những người lặn biển. Các rạn san hô còn lại vẫn đang tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự ô nhiễm xả ra từ các loại tàu biển nặng.
Barcelona, Tây Ban Nha
Người dân địa phương ở Barcelona không ngại ngần bày tỏ thái độ của mình đối với khách du lịch. Đầu năm nay, một cuộc biểu tình phản đối du lịch trở nên căng thẳng khi những người tham gia biểu tình tấn công 1 chiếc xe bus và khách sạn.
Các điểm thăm quan nổi tiếng đã thay đổi nhiều điều luật. La Boqueria, một khu chợ lớn vào năm 2015, đã cấm các nhóm du khách đông hơn 15 người. Trước khi có lệnh cấm này, các nhóm du khách đông người thường bị chặn lại khi chụp ảnh vì gây cản trở đến việc mua bán trong chợ, tờ Telegraph cho biết.
New York, Mỹ
Thành phố New York đã là điểm đến hấp dẫn khách du lịch từ rất lâu và số lượng khách đến đây vẫn tiếp tục tăng lên. Tờ thời báo New York đầu năm nay đã tổng kết rằng, thành phố hiện nay có 113 nghìn phòng khách sạn, con số này dự kiến sẽ tăng lên thành 137 nghìn vào năm 2019.
Machu Picchu, Cusco, Peru
Ngôi làng Inca cổ đại của Machu Picchu thu hút hàng ngàn du khách đến thăm quan mỗi ngày, hơn nhiều lần con số 2.500 mà Peru và UNESCO đã đặt ra trong năm 2011. Số lượng đông đảo du khách đã đặt nơi đây vào tình trạng nguy hiểm, gây ra những tác động nghiêm trọng.
Các kế hoạch về việc yêu cầu khách du lịch phải thuê người hướng dẫn và tuân thủ theo những tuyến đường cố định đang được đặt ra và sẽ đưa vào áp dụng trong năm 2019.
Santorini, Hy Lạp
Santorini là một hòn đảo xinh đẹp ngoài khơi của Hy Lạp và nó thường đầy ắp du khách vào mùa hè. Chính vì điều này, hòn đảo đã áp đặt số lượng khách tối đa từ tàu biển là 8.000 khách mỗi ngày. Theo Conde Nast Traveler, đã có 760.000 người đến từ 636 tàu biển đổ bộ lên Santorini vào năm 2015, trong khi toàn bộ hòn đảo chỉ có dân số hơn 15.000 người.
Rome, Ý
Rome là một thành phố nổi tiếng với các tàn tích cổ xưa nhưng rất nhiều du khách không biết cách tôn trọng lịch sử một cách đúng đắn. Ví dụ mới nhất về việc di sản bị hủy hoại xảy ra vào tháng Tám năm 2017 khi một du khách người Ecuado đã bị bắt quả tang đang khắc tên anh ta lên Đấu trường La Mã. Anh chàng này đã bị đối mặt với án phạt 23.000 đôla vì đã phá hoại di tích lịch sử này.
Prague, Cộng hòa Séc
Prague là một thành phố nổi tiếng với những khách du lịch thích tiệc tùng bởi những quán bar sôi động và giá bia rẻ. Nhưng cũng chính điều này đã khiến chính quyền thành phố phải áp đặt một quy định về thời gian yên tĩnh trong đêm, bắt đầu từ 10 giờ tối.
Đảo Lớn Major Cay, Bahamas
Những chú lợn bơi đáng yêu của Đảo lớn Major Cay đang giảm dần về số lượng vì các du khách thích cho chúng ăn trên bãi biển, khiến chúng ăn phải quá nhiều cát. Những du khách này thậm chí còn cho chúng uống bia, rượu rum và còn thử cưỡi chúng. Các chủ nuôi lợn hiện đang nỗ lực làm việc với chính quyền thành phố để có cách xử lý vấn đề này.
Amsterdam, Hà Lan
Amsterdam từ lâu đã là điểm phổ biến cho các du khách thích tiệc tùng, nhưng giám đốc tiếp thị của Amsterdam, ông Frans van der Avert, nói với Travel Weekly, "Rất nhiều thành phố lịch sử nhỏ hơn ở châu Âu đang bị khách làm hỏng." Theo ông, chính các trang web cho thuê nhà nghỉ như Airbnb, đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến thành phố. Để đối phó lại với sự gia tăng về du lịch, thành phố đã đưa ra một hạn chế với Airbnb, không cho phép nhiều hơn 4 người thuê cùng 1 địa điểm và không thể thuê một căn hộ nhiều hơn 60 ngày trong năm.
Cuba
Theo tờ thời báo New York, con số kỷ lục 3,5 triệu du khách vào năm ngoái đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực đối với người dân địa phương, những người không thể trả tiền cho các mặt hàng cơ bản đã tăng vọt về giá cả khi các khách sạn đổ xô vào mua để phục vụ khách. Chính phủ Cuba đã áp đặt mức giá trần đối với nhu cầu thiết yếu để giữ mức giá phải chăng cho người dân địa phương.
Hữu Nguyên