Nhân xem video clip về 7 kỳ quan Phật giáo Thế giới, xin được này tôn vinh những ngôi chùa Phật giáo đẹp nhất thế giới mà tôi đã có duyên viếng thăm.
Đầu tiên phải đến thăm Myanmar, xứ sở của Phật giáo và những
ngôi chùa vàng với 90% dân số theo đạo Phật. Chùa Đá Vàng, hay còn gọi là chùa
Kyaikhtiyo ở bang Mon là kỳ quan có một không hai trên thế giới, là một trong
những ngôi chùa cổ nhất và nổi tiếng nhất ở Myanmar, là di sản văn hoá thế giới.
Người ta nói rằng chùa được xây dựng trong thời gian Đức Phật còn sống, trên
2.500 năm trước. Nơi đây có một tảng đá thiêng, được bao bọc bởi những lá vàng
dát mỏng, nằm cheo leo trên bờ một vách đá, được neo giữ chỉ bởi một sợi tóc của
Đức Phật. Ngôi chùa được xây dựng trên tảng đá hình quả trứng to lớn đó trên độ
cao 1100 m so với mặt biển. Đến ngôi chùa này là cả một chặng đường gian nan,
nhưng xứng đáng để hành hương và chiêm ngắm.
Chùa Shwedagon (chùa Vàng) ở Yangon là chùa tháp lớn nhất và đẹp nhất Myanmar, được hình thành từ 2500 năm trước và được các triều đạo phong kiến tu bổ, mở rộng dần. Chùa Shewdagon tọa lạc trên một quả đồi cao, rộng. Quần thể chùa vàng Shwedagon ở Yangon bao gồm hàng ngàn đơn thể chùa bao quanh toà bảo tháp trung tâm, trong đó có 72 ngôi chùa bằng đá quí có thờ tượng Phật bên trong. Bảo tháp trung tâm là một tuyệt tác nghệ thuật được phủ kín bởi gần 10 ngàn lá vàng với tổng khối lượng hơn nửa tấn. Trên đỉnh tháp là lá cờ nheo được làm hoàn toàn bằng vàng khảm kín với hơn 5 ngàn viên kim cương và hơn 2 ngàn viên đá quí. Đỉnh tháp treo tất cả một ngàn cái chuông vàng và gần năm trăm cái chuông bạc. Dưới ánh sáng ban ngày cũng như ánh đèn về đêm, ngôi chùa vàng luôn rực rỡ sắc vàng lấp lánh. Ngoài ra Yangoon còn có chùa Phật nằm, chùa Phật ngọc, chùa tóc Phật, chùa răng Phật, v.v.. rất độc đáo.
Tiếp đến là thăm Thái Lan, với 95% dân số theo đạo Phật, là một trong những quốc gia Phật giáo lớn nhất thế giới. Ta đi lên phía bắc Thái thăm Wat Rong Khun, ngôi chùa trắng cách Chiang Rai khoảng 15 km về phía Tây nam. Wat Rong Khun là một ngôi chùa đặc biệt nổi tiếng ở Thái Lan. Wat Rong Khun là một ngôi chùa duy nhất toàn màu trắng, sử dụng các mảnh thủy tinh trong thạch cao, lấp lánh trong ánh mặt trời. Màu trắng biểu thị sự thanh tịnh của Đức Phật, trong khi thủy tinh tượng trưng cho sự khôn ngoan của Đức Phật và Phật Pháp, giáo lý nhà Phật. Wat Rong Khun được thiết kế bởi Chalermchai Kositpipat, một nghệ sĩ nổi tiếng của Thái Lan. Khu chùa có chín tòa nhà bao gồm một chính điện, một phòng để cất giữ xá lợi của Phật giáo, thiền đường, khu nhà ở và một phòng trưng bày nghệ thuật. Cuối thế kỷ 20, việc xây dựng Wat Rong Khun bị tạm dừng do thiếu vốn. Chalermchai Kositpipat, một nghệ sĩ tại Chiang Rai, quyết định xây dựng với chi phí của mình. Cấu trúc của ngôi chùa có ý nghĩa sâu sắc và khuyến khích người ta suy nghĩ về giáo lý Phật giáo. Cây cầu luân hồi nối chính điện với các tòa nhà chính biểu thị sự tái sinh vào một kiếp không còn đau khổ. Nó tượng trưng cho con đường đến hạnh phúc bằng cách vượt qua những cám dỗ của thế gian như tham lam và dục vọng. Ở phía trước của cây cầu là một cái hồ tròn với hàng trăm cánh tay vươn lên tượng trưng cho mong muốn của con người. Sau khi vượt qua cây cầu, người ta đến cổng thiên đường được bảo vệ bởi hai sinh vật khổng lồ. Chính điện là một tòa nhà màu trắng với những mảnh kính phản quang trong thạch cao. Chính điện trang trí công phu cho thấy đặc trưng thiết kế kiểu Thái Bắc cổ điển như mái nhà ba tầng và con rắn Naga cách điệu. Trong khi các bức tranh tường của nhiều ngôi chùa cũ miêu tả những câu chuyện Phật giáo, các bức tường của ngôi chùa trắng miêu tả những câu chuyện hiện đại với Batman, Spiderman và Elvis, nhân vật phản diện và các siêu anh hùng từ phim ảnh và truyện tranh và thậm chí cả phi thuyền không gian. Trên bức tường phía sau chính điện là một bức tranh tường vàng của Đức Phật.
Ở thủ đô Bangkok, Wat Arun hay là Chùa Bình Minh nằm trên bờ tây sông Chao Phraya, Thonburi, là một trong những biểu tượng du lịch của Bangkok với kiến trúc Thái Lan đậm nét. Chùa được xây bằng gạch và được phủ bên ngoài bằng sứ Trung Quốc nhiều màu sắc. Đặc biệt, khi đứng tại ban công cao nhất của chùa, bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh sông Chao Phraya và Bangkok từ cầu Rama I đến Hoàng cung.
Wat Pho là ngôi chùa lớn nhất và cổ nhất ở Bangkok với diện tích 80.000 m2, có hơn một ngàn ảnh Phật và có bức tượng Đức Phật ngồi tựa. Tượng này được tạc như một phần của đợt phục dựng thời vua Rama III. Bức tượng Phật này dài 46 m và cao 15 m, được trang trí bọc vàng trên thân tượng và ngọc mẫu trên đôi mắt và bàn chân. Trên bàn chân trang trí 108 cảnh điềm lành theo phong cách Trung Hoa và Ấn Độ.
Tiếp đến là đất nước Nepal, quê hương của Đức Phật, mặc dù chỉ có 8% dân số theo đạo Phật. Ở Nepal, có 2 chùa Hòa bình Thế giới tại Pokhara và Lumbini được xây dựng bởi các nhà sư Phật giáo từ tổ chức Nipponzan Myohoji Nhật Bản. Ở Pokhara, ngôi chùa Hòa Bình Thế giới nằm trên đỉnh núi, có góc nhìn tuyệt đẹp xuống cả thành phố rực rỡ sắc màu bên dưới cùng với hồ Fewa xanh biếc và nhất là góc nhìn tuyệt đẹp qua dãy Himalaya. Là thông điệp cho hòa bình, những ngôi chùa này nằm trong số 100 Ngôi chùa Hòa bình Thế giới đều được xây dựng bởi Phật giáo tự Nipponzan-Myōhōji của Nhật Bản.
Tiếp theo là đất nước mặt trời mọc, Nhật Bản, với khoảng 80% dân số theo đạo Phật. Chùa Asakusa Kannon hay còn gọi là Sensoji là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất hiện nay của Tokyo, xây dựng vào thế kỷ 7, sau khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản. Theo truyền thuyết cổ xưa, có hai anh em khi đang đánh cá trên sông Sumida-gawa đã tìm thấy một tượng phật quan âm (Kannon) vướng vào trong lưới của mình. Mặc dù nhiều lần thả tượng Phật về với dòng sông nhưng bức tượng vẫn quay trở lại với họ. Vị trưởng lão trong làng nhận ra được sự linh thiêng của bức tượng nên đã hiến một phần ngôi nhà của mình lập nên ngôi đền nhỏ thờ Phật Quan Âm, chính là Sensoji ngày nay. Chính điện lớn của chùa Asakusa Kannon là Điện Quan Âm (Kannondo). Chính điện cũ được xây dựng lại vào năm 1649 và được công nhận là di sản quốc gia.
Chùa Kinkakuji hay còn gọi là chùa Vàng ban đầu là một khu nhà nghỉ của tướng quân Ashikaga, tổng tư lệnh dưới thời Muromachi. Sau khi ông chết, ngôi nhà trở thành một ngôi chùa được dát toàn vàng lá. Ngôi chùa này nổi tiếng tới mức được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy tại các trường học trên khắp nước Nhật và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Năm 1950 một nhà sư đã đốt cháy toàn bộ chùa cùng với 6 di sản văn hóa quan trọng trong chùa. Năm 1955 chùa được xây dựng lại nhưng cũng từ đó chùa không còn được coi là Quốc bảo nữa. Diện mạo hiện nay của chùa Vàng có từ năm 1955 và được dát lại vàng trong lần phục chế năm 1987. Kinkaku-ji Temple được thiết kế để trông giống như trời và đất vươn ra chạm vào nhau. Nét đặc trưng nhất về sự tinh xảo và cầu kỳ của Chùa Vàng là một vị thế rất ấn tượng giữa những tán xanh của lá và ánh sáng tinh khiết phản chiếu của hồ nước tĩnh lặng. Bức tranh được vẽ nên từ ý tưởng về sự tồn tại giữa chốn thiên đường và trần thế. Sự hài hòa của ngôi chùa cùng với bóng nước thực hư làm nên một Kinkakuji – viễn cảnh nổi tiếng nhất của Kyoto. Kinkakuji là một cấu trúc ấn tượng được xây dựng trong một cái hồ lớn. Tầng đầu tiên của Kinkakuji được xây dựng theo phong cách Shinden sử dụng cho các tòa nhà cung điện trong thời kỳ Heian với trụ cột làm bằng gỗ tự nhiên, tường thạch cao màu trắng tạo nên sự tương phản nhưng lại làm nên nét hài hòa cho 2 tầng trên được dát vàng. Tượng Phật Shaka và Yoshimitsu được lưu trữ ở tầng đầu tiên. Tầng thứ hai được xây dựng theo phong cách Bukke được sử dụng làm nhà ở của samurai, bên ngoài được bao phủ hoàn toàn bằng những lá vàng mỏng. Bên trong là Bồ Tát Kannon, ngồi bao quanh bởi các bức tượng của 4 vị vua trên thiên đình. Cuối cùng, tầng thứ ba và cao nhất được xây dựng theo phong cách của một ngôi chùa Zen Trung Quốc, được mạ vàng bên trong và ngoài, và trên đỉnh mái là một con phượng hoàng được đúc bằng vàng. Toàn bộ ngôi chùa ngoại trừ tầng trệt đều được bọc bằng những lá vàng nguyên chất, khiến cho ngôi chùa có giá trị lớn. Chùa vàng cũng chính là một biểu tượng có giá trị về tinh thần, đã từng là một Shariden (Chùa Xá lị) – di tích của Phật giáo.
Đến với Campuchia, đất nước của Phật giáo (95% dân số) thăm Angkor Wat -
biểu tượng của đất nước và là đỉnh cao của kiến trúc Khơme cổ. Angkor
Wat là một quần thể đền đài và là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới.
Ban đầu nó được xây dựng như một đền thờ Ấn Độ giáo và dần dần chuyển
thành công trình Phật giáo vào cuối thế kỷ 12. Angkor Wat thờ thần
Vishnu. Angkok Wat trở thành biểu tượng của đất nước Campuchia, xuất
hiện trên quốc kỳ. Với chu vi 5,6km, rộng 162 ha, Angkor Wat có năm
tháp, tháp cao nhất là 65m. Du khách có dịp chinh phục những ngọn tháp
cao ngất ngưởng này bằng tám cầu thang với những bậc thang đá nhỏ hẹp
dốc ngược lên trời, đã bị sứt mẻ qua gần chục thế kỷ.
Đến với đất nước triệu voi, Lào, với 98% dân số theo đạo Phật để thăm That Luang, biểu tượng của đất nước Lào. Là một tòa lâu đài tráng lệ, đồ sộ nằm ở trung tâm kinh thành với tháp nhọn vàng rực rỡ kiêu hãnh vươn lên giữa bầu trời xanh yên ả của Vientian, Chùa That Luang được xây dựng vào khoảng năm 236 Phật lịch, tức năm 307 trước Công nguyên. Tới thế kỷ XVI, đức Vua của Vương quốc Lan Xang quyết định dời kinh đô của đất nước Triệu Voi từ Luang Prabang về Viêng Chăn. Và That Luang được tu bổ lại xây bọc thêm ngôi tháp cũ bằng một tháp mới to, đẹp hơn và kiến trúc ấy giữ nguyên cho đến ngày nay. Kiến trúc của ngôi chùa tiêu biểu cho những nét văn hóa Lào. Tương truyền, That Luang là một trong số ít những ngôi chùa của đạo Phật trên thế giới được lưu giữ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mầu Ni khi người nhập cõi Niết Bàn. Thạt Luông gồm tháp chính cao 45 thước, bao quanh là các tháp phụ, sơn thếp vàng.
Hoài Vân