Ấn tượng đầu tiên của tôi về Angkor, về Campuchia là nụ cười Bayon trên bìa một cuốn sách. Sau một tuần lang thang ở Angkor, ấn tượng để lại trong tôi không phải là Angkor Wat hùng vĩ, cũng không phải Ta Prohm kỳ bí, mà vẫn là nụ cười Bayon bí ẩn.
Ngay từ khi mới tìm hiểu về Campuchia, về Angkor cho chuyến đi “bụi” tới đất nước chùa tháp, tôi đã bị ám ảnh bởi nụ cười Bayon trên trang bìa cuốn sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet. Khi sang đến nơi, tôi đã ôm về gần chục cuốn sách viết về Angkor, mà gần nửa số đó cũng có nụ cười Bayon trên trang bìa. Vì tôi quá ấn tượng với nụ cười Bayon chăng? Nhưng chẳng riêng sách, nụ cười Bayon xuất hiện ở mọi nơi, mọi thứ giới thiệu về kỳ quan Angkor.
Bayon nằm ở trung tâm quần thể Angkor Thom - kinh đô cuối cùng của đế chế Angkor. Khởi đầu, ngôi đền có 54 tháp lớn nhỏ, nhưng nay chỉ còn 37 tháp tương đối nguyên vẹn. Trên mỗi tháp đều có những khuôn mặt khổng lồ tạc vào đá nhìn ra bốn hướng. Những gương mặt mang nụ cười bí ẩn đã khiến cho Bayon trở thành một trong những đền tháp ấn tượng nhất và nhiều cảm xúc nhất của Angkor.
Thế nhưng nhìn từ xa thì Bayon lại không đẹp bằng các đền tháp khác, bởi không có những ngọn tháp cao vút kiêu hãnh vươn lên trên nền trời xanh. Nhưng càng đến gần, những gương mặt khổng lồ tạc trên đá càng hiển hiện rõ hơn với những nét chạm khắc tinh tế, sống động và cực kỳ có hồn. Vẻ bí ẩn hút hồn của những nụ cười Bayon khiến tôi lao qua khoảng sân trước ngổn ngang gạch đá đổ nát, bỏ qua 11.000 bức phù điêu đá chạy dài đến 1.200m dọc hành lang ở hai tầng dưới, diễn tả những trận chiến oai hùng của Vua Jayavarman VII với quân Chiêm Thành, những cung điện tráng lệ, cảnh sinh hoạt của người dân... để leo thẳng lên tầng ba, nơi có những khuôn mặt ngàn năm vẫn nở nụ cười bí ẩn.
Dù đã xem nhiều bức ảnh về Bayon, nhưng tôi vẫn choáng ngợp trước tầng tầng lớp lớp những nụ cười Bayon hiện ra trước mắt. Những khuôn mặt chữ điền phúc hậu với đôi môi dày, ánh mắt khép hờ từ bi, nở nụ cười khi hiền từ, lúc u uẩn, như ẩn giấu điều gì mơ hồ sâu thẳm bên trong. 148 gương mặt với 148 nụ cười. Gương mặt nào cũng có thần thái, cảm xúc riêng, chẳng hề giống nhau.
Bước chân tôi như lạc trong mê cung của những nụ cười. Những gương mặt thần nhìn xuống tôi với ánh mắt hiền từ. Tôi ngẩng đầu chiêm ngưỡng một kỳ quan, đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc đá cổ xưa, cố đếm cho đủ 148 gương mặt trên 37 ngọn tháp còn lại, cố tìm ra hai gương mặt có nụ cười giống nhau. Nhưng vô ích. Những gương mặt Bayon vẫn nở nụ cười hiền từ với kẻ đang làm một việc ngốc nghếch như tôi. Bởi từ ngàn năm nay, nụ cười Bayon vẫn là một bí ẩn ngay cả với các nhà khoa học. Có nhiều giả thuyết về những gương mặt này, người thì cho là khuôn mặt của Quan âm Bồ tát (Avakilotesvara, còn gọi là Loksvara), người thì chứng minh đó là chân dung của Vua Jayavarman VII - người đã xây nên thành phố vĩ đại Angkor Thom, người thì lại kết luận đó là kết hợp của chân dung Bồ tát và Vua Jayavarman VII. Có người lại nghĩ đó là hình tượng thần Vishnu kết hợp với Vua Jayavarman VII.
Giữa trời trưa nắng, tôi lang thang giữa những nụ cười Bayon, rồi dò dẫm bước vào bóng tối của những dãy hành lang hẹp sâu hun hút. Hành lang vắng tanh chỉ có mình tôi. Bước chân bỗng trở nên rón rén. Đến khi vừa kịp thấy sờ sợ, thì đã ra đến cuối hành lang, lại thả mình xuống bậc thềm đá chan hòa nắng, được bao bọc giữa những ánh mắt nhân hậu và nụ cười hiền từ. Cứ thế, tôi chơi trò cút bắt của riêng mình với Bayon huyền bí. Và Bayon cũng chơi trò cút bắt lại với tôi.
Lạc trong mê cung của những nụ cười, tôi đã không thể tìm ra góc chụp giống như bức ảnh đã đưa tôi đến với Bayon trên bìa cuốn sách Lonely Planet. Chịu thua trong trò cút bắt với Bayon, tôi ngồi trên bậc thềm đá đầy nắng, đọc lại những dòng giới thiệu về Bayon của Henri Marshall - người quản thủ khu Angkor - trích trong cuốn Cẩm nang khảo cổ về các đền ở Angkor: “...Đặc biệt vào những đêm trăng, người ta có cảm tưởng như đang viếng một ngôi đền thuộc một thế giới khác...” và mơ màng về ánh trăng đêm huyền ảo tỏa rạng những nụ cười Bayon bí ẩn.
Nguồn : Thanh Niên