Las Vegas từ lâu đã được biết đến như một thiên đường ăn chơi, giải trí với những sòng bạc nổi tiếng. Nhưng từ sau khi bị suy thoái kinh tế vào năm 2008, tại đây đã xuất hiện thêm một tầng lớp “người nghèo thời đại”.
Las Vegas, bang Nevada. Cuối đại lộ
Strip, tuyến đường của những sòng bài huyền thoại, nhiều máy bay tư nhân
hạ cánh và nghỉ lại trên bãi đỗ của phi trường. Xa xa kia là chiếc máy
bay của Britney Spears, rồi kia nữa là chiếc của Céline Dion và những
chiếc khác của những nhân vật nổi tiếng thế giới, giàu có, sang trọng.
Thế nhưng cũng chỉ cách đó vài bước chân là lối vào của một thế giới
khác.
Phải phê ma túy mới chịu nổi khổ cực
Thế giới khác? Ông John, 57 tuổi, đến từ
bang Florida, biết rõ điều đó: Ông làm trong một cửa hàng tạp hóa của
một trạm xăng, bảy ngày một tuần, không nghỉ ngày nào, từ 23 giờ đến 7
giờ sáng hôm sau. Và để có thể thức đêm suốt như thế, ông thích phê ma
túy đá hơn là uống cà phê. Buổi sáng tan ca, mệt rã rời, ông chui xuống
sâu gần 2 m bên dưới lòng đất để ngủ, trong một đường hầm thoát nước
chạy quanh co bên dưới sân bay và đổ ra phía sau một trong những khu nhà
hàng, khách sạn lớn nhất của khu vực này. Mùi nhựa đường và nhiều mùi
hỗn tạp đặc quánh khác đưa ông vào giấc ngủ ban ngày. Phía đầu ông là
vài chai nước uống, còn phía đằng chân là một bình chứa nước tiểu được
đặt cẩn thận xa tầm chân với.
Ông John cho
biết góc này của ông là “khá tiện nghi” và “đắc địa” rồi đó, bởi từ đây
ông có thể đi bộ cùng các tài xế xe tải đến nơi tắm giặt cách đó non một
cây số, nơi đây không xa lối vào đường hầm nên không thiếu ánh sáng mặt
trời, tấm nệm ông nằm khá dày, nơi ở biệt lập, yên tĩnh. Sống tại đây,
ông không phải trả tiền điện và nếu như có mưa giông, bão tố thì ông có
thể ngồi nhìn bức tường nước ào xuống từ phía xa chứ không đến nỗi phải
bị cuốn trôi như mấy lũ chuột. Song dù sao đi nữa, ông John cũng hy vọng
có được một cuộc sống khác tốt đẹp hơn chứ không phải như tình cảnh
hiện nay.
“Thành phố của sự lừa phỉnh”
Hoàn cảnh của ông John không phải là
hiếm gặp trong cái TP lấp lánh ánh đèn đêm này, nơi mà người ta dễ bị
rơi vào ảo tưởng. Chỉ cần mở mắt ra là thấy được họ ngay, những con
người lang bạt. Họ đi ăn xin trước đài phun nước Bellagio, như anh Scott
đây, một cựu binh trẻ và vợ anh - chị Lisa, họ đứng đợi bên vỉa hè để
mong kiếm được đủ tiền mua vé xe trở về New York.
Và còn rất nhiều người hoàn cảnh như anh
chị đây đang ngửa tay trước các trung tâm thương mại. Họ chiếm các bãi
đậu xe để chợp mắt, vất vưởng trên những con đường vắng, theo chân các
du khách nhặt nhạnh vỏ lon mà khách vứt bỏ để bán kiếm tiền… Las Vegas
giờ được mệnh danh là “TP của sự lừa phỉnh”, một TP khắc nghiệt. Dân
nhập cư ở đây thường đã rất nghèo rồi, nay họ luôn nghĩ phải làm sao
kiếm được một số tiền để trở về cố hương. Nhưng trên thực tế là họ không
thể vì họ đã mất tất cả và không biết làm cách nào để trở về nhà.
Viện Brookings chỉ ra rằng sự bần cùng
tại Las Vegas không còn “đi nước kiệu” nữa mà đang “phi nước đại”: Năm
2011, tức ba năm sau khi bắt đầu suy thoái, có đến 13,5% cư dân nội thị
sống dưới mức nghèo khổ. Và trong những khu phố tồi tàn, cứ 10 người thì
có sáu người sống dưới mức nghèo khổ. Những điều này, các công ty du
lịch luôn kín tiếng trước mặt du khách.
Hội đoàn từ thiện mở rộng vòng tay
Trong quá khứ, bên trong Las Vegas là
những Sky Vue, Mobile Home Park, Shady Acres hay Oasis Trailer Park. Đó
là những khu vực rộng lớn, nơi mà những người rất nghèo có thể sống một
cách tạm ổn. Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã bóp chết nhiều khu vui chơi
nhưng cũng không cho các khu đất rộng lớn đó cơ hội để có một cuộc sống
thứ hai. Cư dân nơi đó thì đơn giản là họ bị đẩy ra đường, mất tất cả,
mất hết.
Đứng trước tình hình thiếu hụt các khoản
hỗ trợ của chính phủ dành cho người nghèo, rất nhiều những người tình
nguyện và các tổ chức hội đoàn đã vào cuộc và hoạt động mỗi ngày, như tổ
chức cứu trợ công giáo, hội chữ thập đỏ, hội cựu chiến binh… Đã có
nhiều chương trình hành động được triển khai và thu được kết quả tốt
đẹp. Như một mạnh thường quân, ông Ronald C. Moore, đã thành lập “Những
ngôi nhà cho giới trẻ” (Homes for Youth), mỗi năm đã cưu mang được vài
chục thanh thiếu niên bị đẩy ra khỏi các căn nhà mở, bị rơi vào ma túy
và rất dễ sa ngã trước nhiều thói hư tật xấu khác ngoài đường phố. Ông
nói: “Bọn trẻ đang lớn luôn bị tiêm nhiễm đủ mọi chuyện xấu xa của một
cuộc sống vô gia cư trên đường phố Las Vegas”. Nhưng để được nhận vào
đây, mỗi cá nhân phải cam kết là sẽ tự sửa mình hoặc rất thiết tha muốn
tự sửa mình để học tập hoặc đi làm.
Theo PLO.vn/ Paris Match