Trước chuyến đi Bali (Indonesia), tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết Ăn, cầu nguyện, yêu của Elizabeth Gilbert và xem lại bộ phim cùng tên do Julia Roberts đóng chính, như một cách để nhớ tên các điểm đến và chuẩn bị tinh thần. Cảnh sắc tươi đẹp và bình yên của thị trấn nhỏ xinh Ubud đã truyền cảm hứng cho nhiều người phụ nữ như tôi, từ khắp thế giới, tìm đến Bali để tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống.
Người dân và du khách xếp hàng chờ đến lượt thực hiện nghi thức tắm nước suối thiêng ở đền Tirta Empul.
Xứ sở mến khách
Khi du lịch quốc tế mở cửa lại, Bali là một điểm đến được nhiều người Việt Nam yêu thích. Có đường bay thẳng, chính sách nhập cảnh dễ dàng, vô số hình ảnh check-in tuyệt đẹp phủ sóng trên mạng xã hội... Không ngoa khi khẳng định “Bali có mọi thứ bạn cần”: biển xanh hay núi cao, phố xá hay làng mạc, sang trọng hay bình dân, mạo hiểm hay thư giãn, đền đài cổ trang nghiêm hay câu lạc bộ đêm sôi động, điều này góp phần lý giải vì sao nơi này từng đón tới hơn 6 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm (trước Covid-19)... Thậm chí, “khó khăn” nho nhỏ đầu tiên tôi gặp phải chính là đặt phòng ở Ubud, bởi thật không dễ quyết định trước gần 6.200 nơi lưu trú mà đa phần là kiến trúc xanh giữa thiên nhiên với mức giá hấp dẫn.
Nếu không mua tour trọn gói của các công ty lữ hành thì thuê ô-tô có lái là hình thức lý tưởng nhất cho những nhóm nhỏ du khách. Từ chia sẻ của người bạn đi trước, tôi vào một diễn đàn kinh nghiệm du lịch Bali để đọc đánh giá về các tài xế bản địa. Đội ngũ tài xế du lịch của nước bạn rất chuyên nghiệp và nhiệt tình, ngay từ việc chủ động giới thiệu bản thân và dịch vụ tới du khách Việt Nam bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt (qua Google dịch). Tài khoản tên Kadek Puri khiến tôi chú ý bởi một bức ảnh người tài xế Bali mặc áo phông mầu đỏ có ngôi sao vàng trước ngực, bên cạnh những du khách Việt.
Qua cuộc trò chuyện trực tuyến, anh kể mình bắt đầu làm tài xế chuyên đưa đón khách tham quan từ năm 2012, ban đầu chủ yếu là khách Âu-Mỹ và Indonesia. Thế rồi dần dần, khi khách Việt du lịch tự túc Bali đông hơn, Kadek gặp ngày càng nhiều người Việt và họ tiếp tục giới thiệu anh cho những người khác. Có lần, một vị khách Việt Nam đã tặng Kadek chiếc áo cờ đỏ sao vàng. Lần khác, có người mang cho anh hộp bánh đậu xanh... Kadek nhận được nhiều lời khen ngợi là chu đáo, dễ thương, nhưng chính anh cũng bày tỏ sự ấn tượng và yêu quý con người, đất nước Việt Nam.
Khi được Kadek đưa đi tham quan nhiều nơi ở Bali, đặc biệt là hành trình đến Ubud, chúng tôi thấy thật đúng đắn khi đã thuê một tài xế bản địa. Ở đây, phương tiện lưu thông phía bên trái, ngược với Việt Nam, và đường sá thì đa phần nhỏ xíu, ngoằn ngoèo. Kadek không chỉ lái xe mà còn giống một hướng dẫn viên, một người bạn, hỗ trợ thiết kế lịch trình phù hợp, đưa đến các quán ăn ngon, thông báo những điều cần chú ý, thậm chí kiên nhẫn bấm cho chúng tôi cả chục tấm ảnh “sống ảo” đến khi ưng ý mới thôi... Tôi hỏi Kadek nếu ngày nào anh cũng có khách đặt, trùng lịch thì anh phải bỏ lỡ nhiều đoàn nhỉ? Anh chàng gốc Bali có làn da rám nắng đặc trưng vui vẻ nói: “Ồ không đâu, vì tôi không làm việc một mình. Tôi có một đội để chia sẻ khách, hỗ trợ nhau theo từng khu vực”. Không cần đặt cọc trước, không đòi tiền tip, Kadek giúp chuyến đi của chúng tôi thêm dễ chịu và đáng nhớ.
Kadek Puri (đứng giữa), tài xế người Bali rất nhiệt tình và dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam.
Đam mê trải nghiệm văn hóa nên chúng tôi dành thời gian ở Ubud nhiều hơn những nơi khác. Khác biệt với thủ phủ Denpasar hiện đại và náo nhiệt, cũng không có những bờ biển dài xanh trong màu ngọc như ở phía đông Bali, phố cổ Ubud tựa một khu vườn khổng lồ ngập tràn cây cối tốt tươi, phủ bóng lên các tòa nhà cũ kỹ, trầm mặc và yên bình. Dạo quanh Ubud, bất kỳ góc nào cũng sạch sẽ và bài trí hài hòa, toàn mỹ như hình ảnh trên một tấm bưu thiếp vậy.
Từ những gallery đầy mầu sắc dọc phố, những cánh cổng nhà chạm trổ công phu, khung cửa thơ mộng của quán cà-phê, thậm chí một chiếc xe đẩy bán kem dừa vỉa hè cũng đẹp. Cây lớn, cây nhỏ, dây leo, hoa trồng trong chậu... chi chít hai bên đường. Con phố Nyuh Bojog, sát cạnh Rừng khỉ Ubud, tập trung nhiều biệt thự cổ điển đặc trưng kiến trúc Bali với mỗi nhà một cánh cổng đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Mải ngắm nghía, lơ đễnh, tôi suýt đi nhầm vào một tư gia do tòa nhà trông giống hệt một ngôi đền lộng lẫy, với chiếc cổng được chạm khắc tỉ mỉ, tinh tế từng chi tiết.
Nghệ thuật điêu khắc tượng ở Ubud đặc biệt phát triển, nhất là tượng đá. Tôi đã chụp ảnh đến “cháy máy” vì quá mê mẩn những pho tượng tuyệt đẹp đủ kích cỡ và hiện diện khắp nơi, tượng nữ thần sang trọng uyển chuyển, tượng thần khỉ Hanuman oai hùng, tượng chiến binh, tượng tu sĩ, tượng quỷ thần... Cung điện Hoàng gia Ubud thì xứng đáng là tuyệt tác đỉnh cao của kiến trúc, tôn giáo và nghệ thuật cổ xưa. Dù du khách chỉ được vào tham quan một phần nhỏ, chúng tôi vẫn ngỡ như được du hành thời gian trở về hàng trăm năm trước ở nơi những con người cao quý nhất xứ sở này từng ngự trị.
Du lịch “chữa lành”
Ở Ubud chưa đầy 3 ngày, tôi đã hiểu tại sao nhân vật Liz trong truyện và phim “Ăn, cầu nguyện, yêu” sau những biến cố cuộc đời đã dành tới 4 tháng sống ở Bali, cụ thể là một ngôi làng nhỏ thuộc Ubud. Chỉ cần một buổi tinh mơ tản bộ trên đường mòn Campuhan Ridge Walk xanh tươi như cổ tích, hay là đạp xe xuyên qua những thửa ruộng bậc thang nghiêng nghiêng bóng dừa, hít căng lồng ngực thứ không khí trong lành, bạn sẽ thấy tâm hồn dường như được thanh lọc. Mọi phiền lo, toan tính, dằn vặt... bỗng tan biến.
Chỉ còn lại bình yên, tĩnh lặng, biết ơn. Các lớp yoga, thiền, xoa bóp bấm huyệt, trị liệu bằng âm nhạc, bằng hội họa... diễn ra hằng ngày, hằng giờ, với chi phí không hề đắt đỏ. Các spa ở Ubud lôi cuốn du khách bằng những địa điểm đẹp như mơ: hướng ra ruộng bậc thang trập trùng xanh ngát, cạnh suối chảy, kề thác reo. Trải nghiệm hòa quyện các yếu tố y học cổ truyền, tôn giáo và dược liệu thiên nhiên tạo nên sự thư giãn tuyệt vời.
Khuôn viên một homestay nhỏ ở Ubud, nhiều cây xanh và đậm chất nghệ thuật.
Không cần phải là một tín đồ Ấn Độ giáo, du khách vẫn có thể tìm đến những ngôi đền thiêng để tham quan, cầu nguyện. Đền Tirta Empul, tiếng địa phương là “suối nước thánh”, chính xác là một nơi phải đến nếu muốn tìm hiểu văn hóa nguyên bản của Bali. Theo tài liệu lịch sử, ngôi đền có từ thế kỷ 12, được xây dựng bao quanh một dòng suối ngầm chưa từng cạn nước ở làng Manukaya. Bước vào đền, tất cả mọi người đều phải quấn sarong, nếu muốn xuống tắm dưới hồ thì phải thay một bộ sarong khác nữa, cùng nghi thức cầu nguyện trang trọng tới các vị thần.
Người Bali tin rằng được tắm gội dưới dòng nước này sẽ rửa sạch mọi tội lỗi, làm sạch cả cơ thể và tâm hồn. Nhìn hàng người dài như bất tận, bao gồm cả cư dân bản xứ và những du khách Âu, Á, Phi... lần lượt thực hiện nghi lễ tắm nước thiêng, tôi cũng có niềm tin như vậy. Có tới hàng chục đền thờ công cộng khác ở khắp Ubud, với thảm cỏ xanh mượt và những gốc hoa sứ già trắng muốt, ngát thơm. Thi thoảng lại thấy một nhóm phụ nữ mặc trang phục truyền thống sặc sỡ, đội những mâm lễ vật trên đầu, di chuyển nhẹ nhàng tiến vào đền.
Là điểm du lịch được ưa chuộng ở Đông Nam Á, nhưng bản sắc Bali không dễ dàng bị cuốn trôi bởi thương mại hóa, đô thị hóa. Kể cả khi những đoàn khách tìm đến đông tới mức gây tắc đường, con người ở nơi đó vẫn cứ bình thường với mọi sinh hoạt thường nhật của mình. Khu phố cà-phê và chợ nghệ thuật Ubud hầu như không hoạt động trước 9 giờ sáng, bởi chủ nhân của chúng cũng cần những khoảnh khắc thư thái bắt đầu ngày mới, cầu nguyện, dâng tấm lòng thành của mình tới các vị thần linh. Còn khi họ đã mở cửa, hãy tin tôi, bạn cũng sẽ lạc lối đến quên đường về, trong một thế giới muôn màu của đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, tranh, tượng, vải vóc, nhạc cụ, điêu khắc sáng tạo... Một Bali sống động độc đáo, một Ubud dịu dàng yêu thương đã đi vào trái tim tôi một cách tự nhiên, và sẽ còn ở lại thật lâu.
Theo Nhandan