Đây là một vùng đất giàu có và yên bình vốn được người Thái mệnh danh là Tam giác ngọc để đối lại với khu Tam giác vàng phía biên giới Lào-Myamar nổi tiếng thuốc phiện và sự bất an trong quá khứ...
Từ Mục Đa Hãn về thủ đô Bangkok trên đất Thái Lan bằng VIP bus hai tầng, trong khoảng cách 642 km, chúng tôi từng đi qua và dừng lại ở nhiều tỉnh: Royet, Ubon Ratchathani, Sarakham, Nakhon Ratchasima và Savatburi.
Tam giác ngọc nổi tiếng với những di sản quốc gia, vườn sinh thái, tài nguyên phong phú, những đồng lúa, cây công nghiệp, khu chế xuất. Chẳng hạn, tỉnh Royet có giống lúa Mali xuất khẩu nổi tiếng thơm ngon của người Thái, chùa Vat Buraphah Ram (Thiên Thanh tự) có tượng Phật bằng đồng cao 101 mét được xây dựng cách đây trên 60 năm và luôn nhộn nhịp du khách. Royet theo tiếng Thái là 101- “Bách chiến bách thắng” trong truyền thống chống giặc ngoại xâm của người dân tỉnh này, do vậy tượng Phật cao 101 mét là một biểu tượng không chỉ của đạo Phật mà còn là một sắc thái tinh thần của địa phương. Ở tỉnh Sarakham có 900.000 nhân khẩu, một bác bán hàng rong khi biết chúng tôi từ Hội An đến, đã nói ngay: “Hội An - chẳn rát thờ - Hội An, anh yêu em”, tên một cuốn phim do người Thái làm về đề tài đô thị cổ Hội An trong nỗ lực quảng bá du lịch Đông Dương của họ. Ông bảo ông biết Việt Nam, biết Hội An qua phim ảnh và rất thích nếu có dịp đến thăm vì người Việt hiền lành, hiếu khách, biển Việt Nam đẹp mà vùng Tam giác ngọc không có. Chúng tôi xúc động khi nghe ông nói và bắt chước chắp tay cúi đầu khop khun (cám ơn) một cách rất tình cảm.
Chùa Vat Buraphah Ram ở Royet - Ảnh: Trương Điện Thắng |
Từ Rarakham đi Nakhon để vào Bangkok, thỉnh thoảng là các xa lộ cắt ngang dẫn vào tỉnh Khon Kean, một địa điểm quan trọng thuộc tuyến hành lang kinh tế Đông Tây dẫn đi Myanmar với những con đường từ 4 đến 8 làn xe. Nhiều chiếc xe loại Pickup của nông dân Thái đang đi làm đồng về. “Nông dân ở đây nhà nào cũng có một đến hai chiếc ô tô. Chiếc Pickup để chở vật tư, chở người đi làm, còn xe 4 chỗ dành để đi chơi. Nông dân Thái ngày nay thu nhập cao nên cơ hội đi du lịch sang Việt Nam đã tăng lên đáng kể từ khi cầu Hữu nghị số 2 thông tuyến hồi cuối năm 2006.
Ấn tượng của nhiều du khách từ Việt Nam khi đi qua vùng Tam giác ngọc là những khu du lịch sinh thái, những vựa trái cây, cây kiểng, trường đua ngựa, các trang trại mênh mông và các làng nghề điêu khắc đá với những quầy trưng bày và bán sản phẩm dọc đường, như một thành quả của chính sách phát triển làng nghề của chính phủ Thái... Đó là một “ấn tượng xanh”, kéo dài từ Ubon Ratchathani đến hồ Paksong (tỉnh Nakhon), qua đèo Ban Don và tiếp nối đến khu công nghiệp Siem City Ciment thuộc tỉnh Sararatburi chỉ cách Bangkok 140 km.
Trong vùng đất rộng lớn này, Ubon Ratchathani là cửa ngõ của khu Tam giác ngọc. Đây một trong những tỉnh lớn nhất của Thái Lan với diện tích 20.312 km2, cách Bangkok 500km về phía Đông Bắc. Là vùng đất định cư của người Lào từ thế kỷ 18 với những mối quan hệ thân thuộc với bà con họ ở phía đông sông Mê Kông. Từ Tam giác ngọc, nếu chọn đường về Việt Nam theo hướng Ngọc Hồi, Kon Tum, ta có thể rẽ sang cửa khẩu Chong Mek giáp giới với Champassac ở Nam Lào. Cửa khẩu này gần đây phát triển mạnh mẽ với những hàng hóa và đồ thủ công từ Lào, Việt Nam chở sang. Ubon nằm trên bờ sông Mun với những khu phố bình dị. Sự hấp dẫn của Ubon là ở chỗ con sông Mun chảy vào sông Mê Kông và được gọi là dòng sông hai màu (two colored river). Tại đây, có nhiều loại thuyền du ngoạn ven sông để du khách có thể đến thăm những buôn làng bên phía Lào. Gần đó là công viên quốc gia Pha Team National Park với phong cảnh đẹp và những vách đá như tranh vẽ có từ hơn 3.000 năm trước.
Một người bạn Thái nói, gần đây, nhiều sinh viên Việt Nam chọn Ubon để du học vì vừa gần nhà vừa ít tốn kém.
Nguồn : Thanh Niên