Cầm trên tay danh sách 100 danh lam thắng cảnh được yêu thích nhất trên thế giới của Tripadvisor tôi thấy có tên Bruges, Bỉ. Thành phố nhỏ xinh có hình quả trứng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới này còn có một tên gọi khác: "Venice phương Bắc”.
Chúng tôi đặt chân đến Bruges vào một buổi sáng mùa hè. Mới 10g sáng không khí đã rất nhộn nhịp. Tiếng người cười nói xôn xao. Tiếng vó ngựa gõ lộp cộp trên nền gạch như gợi nhắc quá khứ vàng son khi Bruges còn là trung tâm thương mại của châu Âu và cả thế giới.
|
Kênh đào ở Bruges có làm bạn nhớ đến Venice? |
|
Trung tâm Bruges |
Khi nói đến bia người ta hay nhắc đến Đức, nhưng thật ra Bỉ mới là vô địch về số lượng các loại bia khác nhau với hơn 400 loại (có tài liệu ghi 650) và bia Bỉ thường có nồng độ cồn rất cao, thậm chí hơn 10%. Đặc biệt, v
ới người Bỉ, khoai tây chiên được coi là "quốc hồn quốc túy" và thường xuyên có mặt trong các bữa ăn ở đây.
Bỉ nằm ở Bắc Âu, chung biên giới với Hà Lan, Đức, Luxembourg và Pháp, với dân số hơn 10 triệu người. Bỉ chia làm hai vùng, phía bắc nói tiếng Hà Lan (Flanders) và ở phía nam nói tiếng Pháp (Wallonia). Sự khác nhau về ngôn ngữ này cũng gây ra những bất hòa không nhỏ trong nội bộ chính trị của Bỉ. Bruges (hay còn gọi là Brugge) thuộc vùng nói tiếng Hà Lan. Cụm từ "Venice phương Bắc" được dành không chỉ Bruges mà còn cho một số thành phố của Bắc Âu, điển hình là Amsterdam (Hà Lan) hay Stockholm (Thụy Điển). Sở dĩ các thành phố này có tên gọi trên vì tất cả đều có hệ thống kênh đào chằng chịt như Venice. |
Bruges là một thành phố mà dấu ấn huy hoàng thời trung cổ vẫn còn rất đậm nét, thể hiện rõ nhất ở kiến trúc nhà. Đi quanh thành phố bạn có thể dễ dàng nhìn thấy khá nhiều tòa nhà được trang trí bằng vô số họa tiết điêu khắc tỉ mỉ và có những bức tượng mạ vàng nho nhỏ ở đỉnh.
Từ thế kỷ 12, Bruges đã là trung tâm thương mại lớn của châu Âu nhờ vị trí chiến lược mở thông trực tiếp ra biển. Lịch sử của Bruges trải qua nhiều sóng gió thắng trầm, từ một trung tâm thương mại phồn thịnh tiếng tăm khắp châu Âu suốt những thế kỷ 12-15, Bruges trở thành thành phố nghèo nhất Bỉ vào thế kỷ 18.
Tuy nhiên vào thế kỷ 20, Bruges đã có cú "lội ngược dòng" ngoạn mục khi biết tận dụng quá khứ vàng son để biến nơi này trở thành một trong những địa điểm du lịch được yêu thích nhất châu Âu.
Có thể bạn sẽ hỏi nguyên nhân nào dẫn đến những biến cố lớn như vậy ở Bruges. Có nhiều lý do dẫn đến sự suy sụp của Bruges, nhưng bi hài thay nguyên nhân chính lại bắt nguồn từ sự kiện nữ công tước Maria, người đứng đầu triều đại Burgendy qua đời ở tuổi 25 sau một tai nạn ngã ngựa vào thế kỷ 15.
Triều đại Burgundy đóng đô tại Bruges và là một trong những vương triều giàu nhất châu Âu lúc bấy giờ. Sau cái chết đột ngột của nữ công tước Maria, không có ai đứng ra hòa giải mâu thuẫn giữa chồng nữ công tước (vốn là người Áo) và người dân Bruges. Kết cục, ông cùng vương triều Burgundy rũ áo ra đi, mang theo những mối quan hệ làm ăn buôn bán của Bruges. Thêm vào đó Zwin, kênh đào chiến lược của Bruges, bị nghẽn bùn, kéo theo sự sụp đổ về thương mại không sao cứu vãn nổi của thành phố này.
|
Những tòa nhà được trang trí bằng vô số họa tiết điêu khắc tỉ mỉ và có những bức tượng vàng nho nhỏ ở đỉnh không phải là hiểm ở Bruges |
Buổi trưa chúng tôi quyết định ăn một bữa hoành tráng. Người ta bảo đến Brussel, thủ đô của Bỉ, thì phải ăn mussel, nghĩ chắc ở Bruges món này cũng ngon nên tôi gọi ngay món mussel hấp. Thịt mussel tươi, kèm theo nước luộc ngọt đậm đà (có cần tây và các gia vị thảo dược khác) nên chẳng mấy chốc tôi đã chén xong một bát to đùng. Cùng với tiền boa, 50 euro cho hai người đã vỗ cánh bay đi.
Chúng tôi thuê một chiếc xe đạp đôi đi lòng vòng quanh thành phố. Trên chiếc xe đạp đôi cao, chúng tôi lang thang trong không gian thanh bình yên tĩnh rợp bóng cây, chui vào cả những ngõ ngách nhỏ mà như thấy bóng dáng Hà Nội trong những buổi trưa hè.
Dân châu Á đến Bruges có lẽ chủ yếu là người Nhật bởi đi đâu trong thành phố chúng tôi cũng bị nhầm là... người Nhật? Được cái người Nhật lịch sự, tiêu tiền hào phóng, lại không ồn ào nên người dân ở đây có vẻ thích. Khi đang thăm thú tu viện Beguinage, một bà xơ đi qua vừa nhìn thấy chúng tôi đã mỉm cười tươi tắn: "Konnichiwa!" (xin chào trong tiếng Nhật).
Cũng với chiếc xe đạp đôi, chúng tôi du ngoạn đến tận hồ Minnewater, hay còn gọi là hồ Tình Yêu (minne nghĩa là “tình yêu” trong tiếng Hà Lan). Ngồi lặng yên trên thảm cỏ bên hồ ngắm thiên nga bơi lội trong nắng chiều lung linh mà nhớ tới chuyện xưa.
Thiên nga là một trong những biểu tượng của Bruges. Tương truyền vào năm 1488, người dân Bruges xử tử một vị quan thuộc phe Maximilian of Austria của chồng nữ công tước Maria. Vị quan này thuộc dòng họ Lanchals và biểu tượng của dòng họ này mang hình thiên nga. Về sau, phái Maximilian trừng phạt dân Bruges bằng cách bắt họ nuôi thiên nga ở hồ và kênh đào mãi mãi.
|
Hồ Minnewater, hay còn được gọi là hồ Tình Yêu |
|
Không gian tĩnh lặng ở tu viện nữ Beguine |
Lang thang mãi đến 19g, kiến bắt đầu bò trong bụng, chúng tôi tạt vào một nhà hàng ăn nhanh mua bánh kẹp, nước ngọt có gas, khoai tây rán mang ra quảng trường Burg ở trung tâm thành phố. Ăn đơn giản nên "tổng thiệt hại" chỉ vỏn vẹn 10 euro.
Ở quảng trường Burg, khách du lịch vãng lai đông vui đứng ngồi la liệt, có người còn chui dưới ghế nằm ngủ ngon lành. Chúng tôi trải giấy báo ngồi phệt xuống đất, gặm bánh kẹp và ngắm nhìn thành phố lúc chạng vạng hoàng hôn, ngắm người qua lại và ngắm những chú chim bồ câu quanh quẩn đòi được chia phần.
Cả không gian, thời gian như ngừng trôi...
Nguồn : Tuổi Trẻ