Vừa kết thúc vào ngày thứ tư (được gọi là "Thứ tư tro bụi") tuần này để bắt đầu mùa chay 40 ngày trước lễ Phục sinh, không khí carnival vẫn đọng lại khiến người ta ngây ngất.
|
Đường phố Radebeul (Đức) rộn rã và náo nhiệt - Ảnh: Nam Vinh
|
Được coi là mùa thứ năm trong năm, khắp nơi trên thế giới tưng bừng diễn ra lễ hội hóa trang vào trung tuần tháng 2 này. Hàng tấn giấy màu đã tung ra tạo thành những cơn mưa sặc sỡ trên đường phố, hàng tấn trái cây và hoa tươi được dùng để kết lên những xe diễu hành độc đáo, hàng triệu bộ trang phục và mặt nạ được bán hết.
Mùa carnival thật sự là một sự kiện lớn trong đời sống sinh hoạt nhiều nước khắp các châu lục.
Tưng bừng lễ hội hóa trang khắp nơi
Rực rỡ sắc màu và quy mô lớn nhất là lễ diễu hành ở thủ đô Rio de Janeiro của Brazil, trong khi đó carnival ở Venice (Ý) lại nổi tiếng về cuộc thi quần áo và mặt nạ hóa trang tinh xảo, cầu kỳ.
Ở nhiều nơi khác nhau, carnival lại có những nét độc đáo riêng, có thể kể đến carnival trắng ở đảo La Palma của Tây Ban Nha toàn dân mặc đồ trắng, đội mũ trắng, vãi tung hàng đám mây bột tan trắng; carnival tắm bùn ở Brazil; carnival điển hình mùa đông băng tuyết ở Quebec, Canada…
Người châu Âu đắm chìm trong không khí lễ hội vào tháng 2. Ở nhiều nơi còn được nghỉ lễ như thành phố Cologne, được coi là thủ phủ của carnival tại Đức.
Carnival trên đảo Santa Cruz de Tenerife (Tây Ban Nha) đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2011 vì lịch sử lâu đời, sự hoành tráng và mức độ cầu kỳ. Sự kiện lớn này thu hút cả triệu người kéo về đây ăn mừng. Người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mang truyền thống carnival đến châu Mỹ Latin kết hợp với văn hóa bản địa đã tạo thành những lễ hội hóa trang rực rỡ nhất thế giới.
Dân Đức bắt đầu mùa carnival từ... ngày 11-11, lúc 11g11, kéo dài đến tận ngày "thứ tư tro bụi" (nhằm 22-2 năm nay). Tiệc tùng trong gia đình, các câu lạc bộ, show diễn lớn nhỏ, những chương trình truyền hình hằng tối đều náo nức màu sắc carnival.
Ngày "thứ tư tro bụi" theo truyền thống còn là ngày các chính trị gia Đức uống bia đăng đàn diễn thuyết, tranh luận trong các lều bạt lớn - điều chỉ xảy ra vào ngày này!
|
Các nhân vật trong cổ tích và thần thoại - Ảnh: Đoàn Thu Hiền
|
|
Những bộ trang phục cầu kỳ, tinh xảo ở Venice trong lễ hội hóa trang carnival - Ảnh: Đoàn Thu Hiền |
|
Chụp ảnh kỷ niệm với bộ trang phục lễ hội - Ảnh: Đoàn Thu Hiền |
Carnival - nguồn gốc và tên gọi
Hình thức lễ hội hóa trang đã có từ 5.000 năm trước ở vùng Lưỡng Hà (vịnh Persich), nơi có nền văn minh đô thị đầu tiên trên thế giới. Những bản khắc cổ có niên đại vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên ở thành Babylon cho thấy có một lễ hội 7 ngày tổ chức vào đầu năm như là ăn mừng đám cưới biểu tượng của một vị thần. Vào những ngày này, nô lệ không phải lao động. Tầng lớp thấp và cao đều bình đẳng, phục sức đẹp, nhảy múa và ăn uống no nê.
Trong các nền văn hóa Địa Trung Hải, lễ hội đầu năm báo hiệu sự thức tỉnh của tự nhiên vào mùa xuân: ở Ai Cập tổ chức lễ ăn mừng náo nhiệt để tôn vinh nữ thần Isis và với người Hi Lạp là thần Dionysus. Lễ hội của người La Mã tôn vinh thần biển Saturn. Các cuộc hành quyết được hoãn lại, nô lệ và quý tộc ngồi cùng bàn ăn, những cánh hoa hồng rải trên đầu. Hình thức tung hoa giấy confetti ngày nay chắc bắt nguồn từ tục rắc cánh hoa hồng đó.
Các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa đã tìm ra mối liên hệ giữa lễ hội truyền thống tôn thờ các vị thần và đánh dấu sự chuyển mùa với nghi lễ của Công giáo sau này. Người tham dự mặc quần áo và đeo mặt nạ giả làm bóng ma, yêu tinh, các hình dạng kỳ lạ của tự nhiên cùng với những vật dụng tạo ra tiếng kêu như gậy gộc, lục lạc. Mọi thứ giả trang đều phải kết thúc trước đêm của ngày "thứ tư tro bụi".
Vào thời trung cổ ở châu Âu, lễ hội hóa trang rất thịnh hành và gắn liền với mùa chay. Người ta trang hoàng nhà cửa, phố xá đẹp mắt, ăn uống linh đình và cao điểm là các cuộc diễu hành với hàng nghìn người hóa trang trong ngày "thứ hai hoa hồng". Khắp nơi mở hội ăn mừng, ôn lại lịch sử đất nước, khích lệ tinh thần yêu nước của dân chúng và vui chơi thỏa thích trước khi bắt đầu 40 ngày chay tịnh cho đến lễ Phục sinh.
Chính vì vậy tên gọi carnival (tiếng Ý: carnevale, tiếng Đức: Karneval) có nguồn gốc Latin là carne vale có nghĩa là “tạm biệt thịt”. Nhưng cũng có những học giả cho rằng lễ hội hóa trang nguồn gốc là tôn thờ thần Isis. Đoàn người giả trang đeo mặt nạ rước mô hình thuyền của thần Isis (Navigium Isidis) tới bờ biển để cầu cho một mùa đi biển bình yên, nghĩa là carrus navalis, và tên gọi carnival xuất xứ từ tục lệ này.
Carnival thời hiện đại mang một ý nghĩa khác, không còn gắn liền với tôn giáo hay tín ngưỡng như trước nữa và đã trở thành sự kiện văn hóa quan trọng ở nhiều nước.
|
Lễ diễu hành rộn ràng trong mùa carnival ở Radeburg, Đức - Ảnh: Nam Vinh
|
|
Du khách hào hứng tham gia lễ hội - Ảnh: Nam Vinh |
Không phải ai cũng ưa carnival
Hàng triệu người hâm mộ carnival, họ thảy đều ưa tiệc tùng. Các cơ sở kinh doanh đồ giả trang tất nhiên luôn cổ vũ carnival để bán được hàng. Nhưng cũng có hàng triệu người (tuy số này ít hơn) thở phào khi đêm "thứ tư tro bụi" buông xuống, kết thúc những tuần lễ ồn ào.
Giấy vụn, vỏ chai, rác vứt lung tung trên phố, nhất là những nơi đoàn diễu hành đi qua. Tục lệ đốt các hình nộm khổng lồ sau lễ diễu hành tạo ra tro bụi bẩn và có nguy cơ hỏa hoạn rất cao. Hàng triệu lít đồ uống chứa cồn được tiêu thụ, những đám đông thanh niên tụ tập rất dễ hành động quá khích. Lực lượng cảnh sát được huy động tối đa để đảm bảo trật tự và an ninh trong những ngày lễ hội.
Một số người lại lo lắng về chuyện tăng cân do chế độ ăn uống thừa đạm, nhiều đồ ngọt. Hậu quả là lại kiêng khem quá mức trong những tuần chay, dẫn đến sức khỏe sút giảm.
Dọn dẹp hậu quả sau carnival và kiếm tiền bù lại chi phí đã bỏ ra vui chơi, tiệc tùng trong lễ hội là điều đau đầu chẳng ai muốn nghĩ đến nhưng vẫn phải đối mặt. Tạm biệt carnival, hẹn gặp lại mùa năm sau!
Nguồn : Tuổi trẻ