Tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có diện tích lớn hơn cả VN. Vân Nam có đường biên giáp với VN (Lào Cai), Lào và Myanmar - với nhiều danh thắng nổi tiếng như Thạch Lâm, Cửu Hương, Côn Minh… Nhưng độc đáo hơn cả là hai thành cổ: Đại Lý và Lệ Giang.
1. Nằm ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển, thành cổ Đại Lý thuộc châu Đại Lý, cách Côn Minh 380 km về Tây Nam. Khu tự trị dân tộc Bạch này rộng 28.000 km2, dân số khoảng 4 triệu người. Đại Lý vốn là vương quốc Dali - do Đoàn Tư Bình sáng lập từ 937 - 1253 với 22 đời vua - bị quân Mông Cổ tiêu diệt và lập ra tỉnh Vân Nam ngày nay. Dali là vương quốc theo Phật Giáo Mật Tông, các vua trị vì sau đó đều xuất cung tu hành. Ai đã từng mê Kim Dung - đọc Thiên Long bát bộ mà không từng ao ước một lần đặt chân lên đến lãnh thổ Nam Chiếu của Đoàn Dự - Doãn Vương.
Thành cổ Đại Lý có chu vi 8 km gồm 9 đường lớn, 18 đường nhỏ và 4 cổng chính: Đông - Tây - Nam - Bắc xây theo kiểu tam quan, có tháp cao, thành rộng. Cửa Tây (còn gọi là Sướng Sơn) dựa lưng vào núi Thương hùng vĩ. Cửa Đông (Nhĩ Hải) mở ra hồ Nhĩ Hải mênh mông. Hồ dài 45 km, rộng 6-9 km.
Cửa Nam - cổng thành uy nghi, sừng sững, kiên cố, rêu phong cổ kính. Bước vào là bỏ lại mọi xô bồ phố thị. Những mái nhà xưa hiền hòa niềm nở. Do ở cạnh núi nên vật liệu chủ yếu là đá và gỗ. Đá dựng tường thành, đá kết vách nhà, đá lát nền đường, làm cầu làm kè… Tất cả cột, kèo, rui, mè, đòn tay, cửa lớn, cửa nhỏ đều làm bằng gỗ quý, trải qua mấy trăm năm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Trước nhà luôn có cây liễu hoặc cây hạnh nhân rủ bóng xuống những con suối nhỏ chảy róc rách, vừa đảm bảo thuật phong thủy trong kiến trúc, vừa làm nhiệm vụ thoát nước.
Phim trường Thiên Long bát bộ cách đó 5 km luôn náo nhiệt. Đầu mỗi buổi sáng - chiều, nhạc thiết triều rộn rã với các nghi thức đại lễ. Lính thú mở đường, quan đọc chiếu chỉ, rồi cung tần và hoàng đế mở cổng đón dân chúng vào cung Trường Thọ. Đây là hoàng thành thu nhỏ. Có khu dân cư với những sinh hoạt đời thường. Có khu cung cấm phép tắc nghiêm ngặt… Du khách được nghinh đón trọng thị, tha hồ thưởng ngoạn xiếc, tạp kỹ, ca nhạc, mua hàng lưu niệm… và chiêm bái các hoạt động chốn cung đình. Đặc biệt là mục "Ném tú cầu chọn phò mã". Hoàng hậu và công chúa lộng lẫy trên ban công. Dưới thềm quần thần và thứ dân chen chúc. Mọi người hồi hộp đợi công chúa ném tú cầu để chụp. Ai chụp được - bất kể già trẻ sang hèn đều trở thành phò mã với nghi thức sang trọng và vui nhộn. Khá khen cho nghệ thuật kinh doanh dịch vụ này của người Trung Quốc. Bỏ hơn 1 tỉ nhân dân tệ xây phim trường hoành tráng. Quay phim xong lại tái hiện lịch sử, bán vé cho du khách gần xa nườm nượp. Mỗi vé gần trăm tệ. Chả mấy năm thu hồi vốn. Khi cần vẫn cho thuê làm phim, "nhất cử lưỡng tiện".
Từ thành cổ Đại Lý, du khách đi cáp treo lên lưng chừng núi Thương, rồi dừng lại ở Trung Hòa Phong để ngắm toàn cảnh kỳ vĩ của Đại Lý. Hay xuống hồ Điệp Tuyền, nước trong như không có nước, khám phá vườn sưu tập bướm và hồ Pha Lê. Hoặc đến tham quan Tam Tháp sừng sững với tháp chính cao 70m; 2 tháp phụ cao 42m được xây dựng từ năm 937. Tương truyền Tam Tháp vĩnh viễn trấn giữ núi Thương, không cho thủy quái hồ Nhĩ Hải gây lũ lụt cho con người. Ngoài ra, du khách có thể du ngoạn bằng thuyền trên hồ Nhĩ Hải, nghe ca nhạc dân tộc, thưởng thức ẩm thực đặc sắc, nghệ thuật trà độc đáo của người Bạch.
2. Lệ Giang, tức Lijiang (còn gọi là Đại Nghiên cổ trấn), nằm ở độ cao trên 2.400m thuộc cao nguyên Vân Quí, cách Đại Lý 180 km. Thành cổ có diện tích 3,8 km2, nằm hai bên dòng Ngọc Hà và một phần của Hổ Khiêu Hiệp (hẻm của sông Hổ nhảy). Khác với thành cổ Đại Lý, Lệ Giang không có tường thành bao bọc. Tương truyền rằng từ 800 năm trước, thủ lĩnh họ Mộc không cho xây thành vì như thế là tự giam hãm và cô lập mình(!?).
|
" Bỏ hơn 1 tỉ nhân dân tệ xây phim trường hoành tráng. Quay phim xong lại tái hiện lịch sử, bán vé cho du khách gần xa nườm nượp. Mỗi vé gần trăm tệ. Chả mấy năm thu hồi vốn. Khi cần vẫn cho thuê làm phim, nhất cử lưỡng tiện". |
|
|
Ngoài sông Ngọc, Lệ Giang còn có nhiều kênh mương nhỏ nối các khu phố trong thành cổ. Người ta đếm được có 354 chiếc cầu lớn nhỏ trong thành. Trung tâm là phố Tứ Phương, lúc nào cũng sặc sỡ màu sắc của các cô gái Bạch, Nạp Tây (Naxi), Tạng… Phủ Mộc, Lầu Ngũ Phượng nổi bật giữa những kiến trúc cổ kính trang nghiêm. Nhà cửa đều được làm 2 bên bờ suối nhỏ, cây rủ bóng soi gương và từng đàn cá lách tách đùa giỡn. Dân Lệ Giang không ăn cá ở suối nên chúng tha hồ sinh sôi. Đá ở Lệ Giang cũng có hồn với nhiều họa tiết sinh động , còn nhà ở thì cổ kính mà không già nua, lúc nào cũng rực rỡ sắc màu như các cô Naxi xinh đẹp. Các làng thủ công ở đây gồm: Chạm bạc, đúc đồng, điêu khắc, thuộc da, long thú, dệt, cất rượu…
Rất nhiều người đã ví von "Lệ Giang là Venice của Phương Đông". Thật tội nghiệp cho Lệ Giang - Venice và cả người viết. Tôi dám cược là mấy người ví von như vậy chưa hề tới Venice ở Ý. Venice là thành phố trên mặt biển, không có xe cộ, chỉ có thuyền làm sao so với được cổ thành ở độ cao 2.400m! Có thể họ bị ám ảnh bởi chữ Giang nên nói đại, người sau cứ thế nói theo.
Lệ Giang có nhiều cảnh đẹp nhưng tuyệt vời hơn cả là Ngọc Long Tuyết Sơn. Ngọn núi cao 5.595m, từ thành cổ ngước mắt lên là thấy. Ngọn núi quanh năm tuyết phủ kể cả mùa hè, mới nhìn cứ ngỡ như Mont Blanc của Pháp. Dưới chân núi có thác nước Bạch Thủy Hà được tạo thành bởi băng tan từ Ngọc Long Tuyết Sơn. Thác và hồ đẹp sững sờ; nước xanh - trong đến rợn người và lạnh tê tay. Bạn có thể cưỡi trâu Mura dọc quanh thác hay dùng cáp treo lên độ cao khoảng 2.800m. Trekking dưới rừng thông, rừng tùng đại thụ, khám phá những loài hoa ở lưng chừng núi cũng rất tuyệt. Nếu đủ sức thì đi tiếp cáp treo dài và cao nhất châu Á lên độ cao 4.506m để chiêm ngưỡng dòng sông băng tuyệt mỹ, vục tay chân vào tuyết giữa trời hè là khoái cảm chỉ ở đây mới có. Cũng có thể đi ngựa men theo những vách núi cheo leo, ngoằn ngoèo, hiểm trở. Cáp treo ở Trung Quốc cứ như ghế xích đu với mấy thanh gỗ để ngồi và dựa lưng. Tấm chắn là cây sắt lớn làm tay cầm. Không có kính che mưa, chắn lạnh. Lần đầu bước lên ai cũng sợ xanh mặt.
Cả thành cổ Đại Lý và Lệ Giang đều không bán vé. Du khách ra vào tự do bởi các công ty du lịch và dân trong thành đã nộp thuế theo quy định. Mỗi nhà dân trong thành cổ là một cửa hàng bán đồ lưu niệm đặc trưng, cả nhà hàng và nhà nghỉ - những khu ba lô cho khách nước ngoài. Nhà ở trong thành cổ, dân tự quản lý và sửa chữa vì đó là nguồn lực của mình. Ai không đủ khả năng, nhà nước sẽ hùn hoặc mua lại chứ không bao cấp như ở VN. Tất cả cố giữ lại nếp xưa; không ti vi, quạt máy, đường dây điện; xe cộ cũng cấm, trừ mấy chiếc xe đạp cà tàng leng keng thồ hàng. Bước vào thành cổ là không khí trong veo, tĩnh lặng và mát rượi dù là giữa mùa hè. Từng nhóm thiếu nữ dân tộc, trang phục rộn rã, má hồng đào, môi đỏ au, mắt lúc nào cũng lúng liếng sẵn sàng làm hướng dẫn viên và chụp hình lưu niệm với khách. Buổi tối thành cổ cứ như lạc vào cõi xưa mấy trăm năm trước. Mùa trăng, thành cổ càng trở nên mê hoặc quyến rũ. Buổi tối ở Lệ Giang lúc nào cũng như lễ hội. Đèn lồng đỏ rộn ràng trước cửa, lấp lánh in bóng trên dòng suối. Tiếng nhạc xa xăm, tiếng đàn réo rắt và những điệu múa dân gian tình tứ.
Nguồn : Thanh Niên