Là thủ phủ vùng Ivanovskaya, Ivanovo nằm ngay trung tâm nước Nga, bên dòng sông Uvodi hiền hòa nhưng người Nga vẫn quen gọi là “thành phố cô dâu”. Đó là cái tên ghi dấu một thời phát triển vàng son của “thủ đô dệt”, nơi tập trung hàng chục nhà máy dệt vải, sản xuất sợi thời kỳ Xô viết.
|
Các thí sinh tham dự cuộc thi “Người đẹp Ivanovo” 2011 - Ảnh: Sở Thông tin thuộc Duma thành phố Ivanovo
|
1 Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Ivanovo là vào mùa thu. Bước ra khỏi sân bay ở Matxcơva trời đã tối đen. Bụng đói và mệt, cộng thêm cái lạnh buốt giá của mùa thu Nga dù đã được cảnh báo trước nhưng vẫn bất ngờ khi gặp phải, tôi và các bạn co ro lên xe trường đón về thành phố.
Cảm xúc lẫn lộn. Thành phố xa lạ “gây ác cảm” với tôi bằng cái lạnh tê tái của tiết thu lúc tờ mờ sáng, bằng hành trình tưởng không có điểm dừng... nhưng lại vỗ về, trấn an bằng hơi ấm tình người nơi viễn xứ. Đó là tấm áo dạ của thầy giáo người Nga khoác lên người tôi suốt chuyến đi, là bờ vai của những người bạn mới quen thay nhau cho tôi tựa trên chuyến xe về ký túc xá... Quá nhiều cảm xúc cho lần đầu gặp mặt, tôi gắn bó với Ivanovo từ ngày ấy.
|
Những cô dâu xinh đẹp - Ảnh: Marina Suslova
|
2 Đến tận bây giờ, người Nga vẫn gọi Ivanovo là “thành phố cô dâu”, cái tên ghi dấu một thời phát triển vàng son của thành phố suốt thời kỳ Xô viết.
Lúc bấy giờ, ngành công nghiệp dệt may phát triển rực rỡ kéo theo một lượng lớn lao động nữ chuyển đến thành phố làm việc trong các nhà máy, công xưởng. Không chỉ nổi bật về số lượng, phụ nữ ở đây có tiếng đẹp hơn những vùng khác. Họ đẹp không phải ở phong cách thời trang mỗi người mỗi vẻ mà còn bởi nét mặt tự nhiên dịu dàng, thanh thoát ẩn sau lớp phấn trang điểm. Chẳng thế mà có lần đi đến Siberia, cách Ivanovo gần 4.000km, tôi rất bất ngờ khi nghe một phụ nữ địa phương trầm trồ khen con gái “thành phố tôi” đẹp. Quả thật, không chỉ với du khách một lần viếng thăm, ở đây cũng khá lâu thế mà chúng tôi vẫn thường xuyên bị hút hồn bởi những cô gái, nói đơn giản là... quá đẹp, bắt gặp nơi cổng trường hay trên đại lộ! Và tôi thường có ý nghĩ Ivanovo là một nàng thiếu nữ xinh đẹp, có khuôn mặt đượm buồn giữa tiết thu mơ màng, đôi chút kiêu kỳ lúc đông sang, nhưng rộn ràng, tươi vui lúc xuân qua hạ về. Rất ấn tượng!
Ivanovo được công nhận là thành phố từ ngày 21-7-1871 do chính hoàng đế Alexander II phê chuẩn. So với các thành phố khác, Ivanovo nổi bật là trung tâm công nghiệp với số lượng đáng kể các xí nghiệp, nhà máy, công xưởng, nguồn thu chủ yếu từ các sản phẩm công nghiệp dệt, chế tạo cơ khí, công nghiệp thực phẩm và thương mại dịch vụ.
Mùa hè là mùa lễ hội sôi động nhất của thành phố với rất nhiều sự kiện trọng đại như liên hoan phim quốc tế mang tên đạo diễn và là nhà biên kịch tài ba Andrey Tarkovski, kỷ niệm ngày thành lập thành phố, lễ hội “Ivanovo - thành phố cô dâu”, “Cô dâu của năm”, “Người đẹp Ivanovo” hay gần đây nhất là “Cô dâu chạy trốn”... Đó chính là lực hút khách du lịch đến với thành phố.
Với khoảng 150 phim trình chiếu, hơn 50 buổi gặp gỡ sáng tác, chỉ riêng liên hoan phim quốc tế hằng năm đã thu hút khoảng 25.000 lượt khách tham quan.
|
Ivanovo xưa và nay vẫn luôn dành sự ưu ái cho phái nữ. Có lẽ vì thế mà năm 1996, Duma thành phố đã quyết định thay đổi hình ảnh huy hiệu và lá cờ Ivanovo bằng biểu tượng thiếu nữ ngồi kéo sợi. Hơn thế, để tôn vinh và quảng bá thương hiệu “thành phố cô dâu”, hằng năm nhiều sự kiện được tổ chức như cuộc thi “Cô dâu của năm”, lễ hội “Ivanovo - thành phố cô dâu” hay gần đây nhất là “Cô dâu chạy trốn” dựa trên ý tưởng của tạp chí Cosmopolitan.
3 Theo dòng chảy thời gian, những nhà máy xưa hầu như không còn nữa, thay vào đó là các trung tâm mua sắm, những khu vui chơi giải trí. Câu chuyện kể về quá khứ lẫy lừng của “vùng gấm hoa” chỉ còn nằm trong các viện bảo tàng, trong những bộ phim thập niên 1980... Tuy nhiên, mỗi lần ghé qua khu chợ dệt sầm uất, nhộn nhịp, siêu thị chuyên bán các sản phẩm dệt ở Ivanovo, tôi vẫn có cảm nghĩ “thời vàng son” vẫn chưa mất hẳn. Hằng hà sa số mặt hàng bày bán từ khăn quàng, áo quần, găng tay đến tấm vải trải giường, rèm, chăn, thảm... đều được làm kỳ công và giá cả rất phải chăng, không phải mặc cả.
Đặc biệt, không thể không kể đến tranh vải - “đặc sản số 1” của Ivanovo. Khách du lịch hoặc người ở những thành phố khác tới rất thích những sản phẩm du lịch này. Sinh viên trước khi về nghỉ hè luôn tranh thủ thời gian tìm mua một vài tấm tranh vải về làm quà. Đề tài, kích thước, kiểu dáng tranh vải rất phong phú, đa dạng, tha hồ lựa chọn. Nếu vẫn chưa ưng ý, bạn có thể tự chọn kiểu và đặt hàng trước mà không phải đặt cọc.
Thích thì mua, không mua thì ngắm, người bán hàng ở đây không giành giật khách, không chào hàng cũng chẳng “chém giá” khách nước ngoài, họ cởi mở và nhiệt tình vừa phải. Tại siêu thị Textile-pro Ivanovo, tổ hợp công nghiệp dệt may lớn nhất nước Nga với 6.000-16.000 lượt khách mỗi ngày, ngoài các sản phẩm nội địa còn có đầy đủ sản phẩm công nghiệp dệt may từ các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Iran, Pakistan.
Không giống những thành phố khác nổi tiếng nhờ danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, Ivanovo tạo tiếng tăm cho mình bởi con người đẹp đẽ và đầy tài năng, sự sáng tạo. Với chúng tôi, Ivanovo là tuổi trẻ, là tình bạn, tình yêu... Nơi đây gần gũi cũng như quê hương vậy.
Nguồn : Tuổi trẻ