Từ chỗ vắng lặng không một bóng người, nhiều điểm tham quan nổi tiếng thế giới bắt đầu đông trở lại khi vừa mở cửa đón khách.
Vào 1/5, các công viên, bảo tàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, bao gồm Tử Cấm Thành mở cửa trở lại sau nhiều tháng đóng cửa. Tử Cấm Thành giới hạn số lượng du khách mỗi ngày là 5.000 thay vì 80.000 người như trước kia.
Tử Cấm Thành hay Bảo tàng Cung điện Trung Quốc là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất của quốc gia này. Năm 2019, ước tính có khoảng 19 triệu du khách tham quan nơi đây. Ảnh: AP/Mark Schiefelbein.
Du khách đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách khi tham quan. Ảnh: AP/Mark Schiefelbein.
Đám đông trở lại Nhà thờ Chúa Giáng sinh, thành phố Bethlehem, Palestine sau khi địa điểm này mở cửa cho người hành hương vào 26/5. Giám mục Theophylactos mở lại nhà thờ sau hơn 2 tháng tạm dừng hoạt động, khi chính quyền nới lỏng lệnh phong tỏa.
Nhà thờ Chúa Giáng sinh là một trong những nhà thờ cổ vẫn duy trì hoạt động trên thế giới. Công trình xây dựng tại một hang đá, được cho là nơi Chúa Jesus ra đời. Ảnh: Ahmad GHARABLI.
Trước đó, ngày 28/4, bãi biển mang tính biểu tượng của Australia, Bondi đã được mở cửa trở lại, cho phép người dân tắm biển và lướt sóng. Thời gian mở cửa quy định từ 7h đến 17h các ngày trong tuần. Nhiều người dân tới đây xếp hàng từ sáng sớm để được tắm biển. Người lướt sóng phải xếp hàng và đi theo một đường thẳng, được đánh dấu bởi những dây phân cách. Ảnh: Loren Elliott/Reuters.
Thành phố cổ nổi tiếng thế giới Pompeii, Italy, chính thức mở cửa đón khách du lịch nội địa từ 26/5. Quốc gia này vẫn chưa đón khách quốc tế cho đến tháng 6.
Thành phố Pompeii của La Mã bị phá hủy bởi vụ núi lửa phun trào năm 79 và được bảo tồn trong nhiều thế kỷ. Năm 2019, địa điểm khảo cổ này thu hút hơn 4 triệu du khách tham quan.
Ngoại trưởng Italy, Luigi di Maio cho biết, ông đang thảo luận cùng các thành viên Liên minh Châu Âu để thống nhất ngày 15/6 cùng mở cửa lại biên giới và các khu du lịch. Ảnh: AFP.
Khách du lịch đeo khẩu trang, tham quan quảng trường Thánh Mark, Italy. Cho đến nay, Italy ghi nhận hơn 232.000 người nhiễm Covid-19 với 33.000 người tử vong.
Đấu trường La Mã sẽ mở cửa trở lại từ 1/6. Ảnh: Reuters.
Đức Giáo hoàng Francis vẫy tay chào mọi người tại Quảng trường St Peter, Vantican sau lễ cầu nguyện Regina Coeli vào ngày 24/5. Ảnh: Vatican Media/Reuters.
Vương cung Thánh đường và quảng trường mở cửa trở lại từ 18/5. Các du khách tới đây tuân thủ xếp hàng, giữ khoảng cách an toàn và kiểm tra thân nhiệt trước khi vào tham quan. Ảnh: AFP.
Người dân đeo khẩu trang đi bộ trên quảng trường Trocadero gần tháp Eiffel, khi Pháp nới lỏng phong tỏa toàn quốc từ 11/5. Người dân nước này được phép di chuyển 100 km từ nhà nhưng không tụ tập nhóm lớn hơn 10 người. Các công viên được mở cửa trở lại, trừ Paris và vùng ngoại ô. Ảnh: Reuters.
Những bức tượng ở đây được mang khẩu trang như lời nhắc về "trận chiến" chưa kết thúc với Covid-19. Ảnh: Christophe Ena/Associated Press.
Di tích lịch sử Thành cổ Acropolis ở thành phố Athens, Hy Lạp, mở cửa đón khách trở lại. Đây là một trong số nhiều điểm du lịch trên cả nước đóng cửa kể từ tháng 3, trong nỗ lực ngăn chặn Covid-19.
Du khách tới tham quan cần thực hiện giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 1,5 m, rửa tay, đeo khẩu trang. Nơi đây không đón khách theo đoàn.
Thành cổ là một trong những địa điểm hút khách và mang tính biểu tượng nhất của Hy Lạp. Nơi đây đón hơn 14,5 triệu lượt khách, kể từ lần đầu tiên mở cửa tham quan năm 2009.
Cho tới nay Hy Lạp ghi nhận 2.900 ca nhiễm Covid-19, với 173 trường hợp tử vong. Quốc gia này bắt đầu mở cửa trở lại từ 4/5 sau phong tỏa 2 tháng. Trung tâm mua sắm, sở thú, cơ sở thể thao cũng hoạt động trở lại. Ảnh: AFP.
Ngày 12/5, Chính phủ Peru thông báo mở cửa trở lại Di sản Thế giới Machu Picchu và 54 địa điểm khảo cổ khác. Vé vào cửa được miễn phí cho người dân, nên du khách bắt đầu tìm tới nhiều hơn.
Năm 2019, địa điểm này thu hút hơn 1,5 triệu khách du lịch, chủ yếu là du khách quốc tế. Covid-19 khiến du lịch nước này mất khoảng 4 tỉ USD trong năm 2020. Ảnh: AFP.
Lan Hương (Theo Gulfnews)