COSTA RICATù trưởng Romero nhận ra rằng, virus sớm muộn cũng sẽ lan tới lãnh thổ của những bộ tộc trong rừng rậm xa xôi.
Levi Sucre Romero nhớ như in khoảnh khắc nghe tin tức hồi tháng 1 về nCoV đang lây nhiễm tại Trung Quốc. "Thực lòng tôi không nghĩ mọi chuyện lại đến mức này. Khi ấy tôi đã thực sự cảm thấy dịch bệnh còn rất xa xôi", ông nói.
Là tù trưởng của người Bribri - một trong những bộ tộc bản địa lớn nhất Costa Rica, Romero sống ở Talamanca, vùng núi xa xôi ở miền nam đất nước đầy những dòng sông uốn khúc, tán rừng rậm rạp và mưa phùn. Dù những căn nhà gỗ mái tranh của thổ dân Bribri khác xa những điểm du lịch nổi tiếng hút khách của đất nước, Romero sớm nhận ra chuyện virus sẽ lây lan tới đây chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thổ dân trước những dịch bệnh lạ
"Theo tri thức văn hóa của chúng tôi, khi Sibö - vị thần của người Bribri, tạo ra Trái Đất, ngài đã nhốt những linh hồn xấu xa lại. Những linh hồn này sẽ thoát ra khi con người không tôn trọng tự nhiên và chung sống cùng nhau", Romero nói.
Ông cho rằng, chính lòng tham của con người và lối hành xử độc hại với hành tinh đã giải phóng virus. "Chúng ta đang làm mất cân bằng môi trường sống của các loài, chúng ta chặt cây, độc canh, lấp đầy thế giới bằng những thành phố bê tông và đường trải nhựa, lạm dụng chất hóa học", vị tù trưởng của người Bribri nhận định.
Levi Sucre Romero, tù trưởng của bộ tộc Bribri, cho rằng dịch bệnh lây lan là do những hoạt động tàn phá môi trường của con người. Ảnh: Joel Redman/If Not Us Then Who?.
Giống như Sars và Mers, Covid-19 là bệnh do động vật truyền sang người. Hiện có một số bằng chứng cho thấy virus có nguồn gốc từ dơi, nhiều khả năng truyền qua một loài trung gian - có thể là tê tê - trước khi lây sang người. Dù chưa thể chỉ ra đích xác nguồn gốc của Covid-19, nghiên cứu cho thấy nạn phá rừng và buôn bán động vật hoang dã tăng nguy cơ con người mắc các bệnh từ động vật - vật chủ tự nhiên của rất nhiều loại virus.
Hàng loạt nghiên cứu nghiêng về mối liên hệ giữa căn bệnh lạ mới xuất hiện và hoạt động tàn phá môi trường. Một bài viết năm 2017 của Nature Communications đã tiết lộ nguy cơ mắc bệnh mới từ động vật cao nhất trong các khu rừng nhiệt đới đang trải qua quá trình thay đổi chóng mặt về mục đích sử dụng đất - từ khai thác gỗ, khai thác mỏ, xây dựng đập cho đến phát triển đường bộ. Theo các tác giả, những hoạt động như vậy có nguy cơ phát sinh dịch bệnh lạ, do phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên và tăng tiếp xúc giữa con người, vật nuôi với động vật hoang dã.
Erin Mordecai, một nhà sinh vật học tại Đại học Stanford, đánh giá: "Đó là quá trình ngẫu nhiên. Nó xảy ra khi con người tiếp xúc với động vật mang theo mầm bệnh tự nhiên. Nạn phá rừng có xu hướng dẫn tới khả năng các loài không thường tiếp xúc lại gặp nhau - tạo cơ hội cho các mầm bệnh lây lan".
Bộ tộc Waiapi từng chịu tổn thất nặng nề khi lần đầu gặp một đoàn thám hiểm trong rừng 50 năm trước. Vài tháng sau, gần như phần lớn thành viên bộ tộc đều chết vì bệnh. Hiện bộ tộc này đang sống trong rừng thuộc bang Amapa, Brazil. Ảnh: AFP.
Nghiên cứu cũng hé lộ rằng, cả hoạt động buôn bán động vật hoang dã hợp pháp và bất hợp pháp đều tăng nguy cơ các căn bệnh mới lây lan, khi con người đẩy những con vật tự nhiên vào điều kiện căng thẳng, bẩn thỉu. Động vật hoang dã còn sống thường bị nhốt chung - môi trường để chúng lây nhiễm chéo các loại virus. Việc mua bán thường diễn ra tại những trung tâm đô thị - nơi con người tiếp xúc với động vật và với nhau - là điều kiện thuận lợi để dịch bùng phát.
Bên cạnh đó, buôn bán động vật hoang dã còn liên quan tới nạn phá rừng, bởi những thợ săn và kẻ săn trộm thường vào rừng bằng đường bộ. Khi những vùng đất xa xôi ngày càng dễ tiếp cận nhờ hành lang giao thông phát triển, nạn buôn bán động vật hoang dã càng nở rộ.
Bảo vệ rừng là bảo vệ thổ dân
Một số lượng lớn những cộng đồng bản địa sống trong các khu rừng nhiệt đới - nơi có nguy cơ cao phát sinh bệnh mới. Đó cũng là nơi phải đối mặt với tỷ lệ phá rừng cao nhất - chiếm khoảng 90% tổng số vụ phá rừng trên thế giới và vẫn đang gia tăng.
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy, ít nhất 36% diện tích rừng còn nguyên vẹn trên thế giới - một nửa trong đó ở vùng nhiệt đới - thuộc đất của những bộ tộc bản địa sinh sống. Phần lớn lãnh thổ của người bản địa đều được bảo vệ hơn những khu vực khác. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy 40 vùng được bảo vệ và 33 khu rừng do cộng đồng thổ dân quản lý ít bị tàn phá hơn.
Rất nhiều bộ tộc đã sống trong rừng qua nhiều thế hệ, và coi không gian đó như một phần của cộng đồng. Vài tộc người tin rằng tổ tiên họ thuộc về rừng. Do đó, Menton chỉ ra rằng, bảo vệ tự nhiên không chỉ là bảo vệ hệ sinh thái, mà còn bảo tồn cuộc sống, lịch sử và văn hóa.
Khách du lịch có thể giúp người bản địa thế nào
Mô hình "du lịch bản địa" là cầu nối để những cộng đồng thổ dân chia sẻ về văn hóa và đất đai theo cách riêng của họ. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), "du lịch bản địa có thể thúc đẩy mối tương tác và phục hưng văn hóa, tăng việc làm, giảm nghèo, hạn chế tình trạng di cư ở nông thôn, trao quyền cho phụ nữ và thanh niên, khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm và nuôi dưỡng lòng tự hào giữa cộng đồng bản địa".
Để đảm bảo những thổ dân hưởng lợi trực tiếp từ chuyến đi của bạn, Liên minh Du lịch Bản địa Thế giới (WINTA) khuyến cáo du khách đặt dịch vụ trực tiếp với những đơn vị lữ hành do người bản địa sở hữu và điều hành. Những tour khám phá do người bản địa hướng dẫn gần đây nở rộ tại Australia, Canada và Mỹ.
Trong những năm gần đây, người Bribri đã lập ra công ty tour đầu tiên do thổ dân điều hành tại Costa Rica, với những tour giới thiệu cho du khách về cách nhìn của họ ra thế giới, mối liên kết tâm linh với đất mẹ. Và đặc biệt, cộng đồng thổ dân này chính là người hưởng lợi hoàn toàn từ doanh thu du lịch.
Người Brirbi biết kết hợp nông nghiệp với du lịch, phát triển những tour có hướng dẫn viên, đưa khách băng rừng vượt sông, thưởng thức ẩm thực truyền thống và nghỉ homestay cùng các gia đình bản địa. Ảnh: Time Travel Turtle.
Hiện nay, như phần lớn thế giới, người Bribri đang phong tỏa vì Covid-19. "Nhịp sống của chúng tôi đã bị cắt ngắn. Có rất nhiều tác động, tôi có thể kể mãi không hết", Romero nói.
Những chuyến đưa khách thăm già làng không còn được cho phép, doanh thu từ sản vật bán cho thị trường trong nước đã giảm khoảng 90%, và nỗ lực để phát triển du lịch văn hóa và sinh thái của người Bribri cũng phải tạm dừng.
Một khi thế giới phục hồi từ Covid-19, Romero mong mỏi sẽ có một tia hy vọng sau mọi đau thương, mất mát và khó khăn mà đại dịch đã gây ra. Anh hy vọng mọi người sẽ tiếp nhận những hiểu biết mà anh và những tù trưởng khác chia sẻ, và nhân loại sẽ bắt đầu nhìn nhận lại quan hệ với thiên nhiên.
"Tôi nghĩ chúng ta còn cả một chặng đường dài, tôi có niềm tin rằng Covid-19 sẽ mở ra một khoảng không mới với các chính phủ. Khi đại dịch qua đi, chính phủ các nước nên lắng nghe nhiều hơn", Romero nhìn nhận.
Bảo Ngọc (Theo BBC)