Đến Mondulkiri (Campuchia), nhiều người sẽ có cảm giác gần giống với Đà Lạt. Càng lên cao càng lạnh dần. Rừng nguyên sinh ở đây được gìn giữ cẩn thận, ở độ cao 800 mét, các loài cây lá kim như thông, tùng, hoa ôn đới điểm xuyết thêm cho không gian càng thêm xanh mát.
Mùa
này, hoa dã quỳ ở Mondulkiri đã lác đác nở vàng, điểm tô cùng màu đỏ
của đất bazan. Trên điểm cao nhất của thành phố, hòa cùng nhiều dòng du
khách chầm chậm viếng Đền Ông Tasor, nơi được người Khmer ở Campuchia và
người Ph’Nông bản địa xem như vị thánh ban cho mưa thuận gió hòa. Sau
tuần hương ấm áp trong bảng lảng sương chiều, phóng tầm mắt bao trùm
thành phố thơ mộng cứ ngỡ đang ở một điểm nào đó rất quen thuộc ở Đà Lạt
của Việt Nam với hoa hồng, đỗ quyên, cẩm tú cầu, xác pháo, hải đường
hòa quyện. Bữa cơm tối là những món ăn quen thuộc như heo luộc chấm mắm
bò hóc, đọt su su xào tỏi, sườn heo nướng than hồng, gà nướng cơm lam,
măng rừng xào… quanh điệu cồng chiêng của người Ph’Nông cùng chút bia
Angkor đủ làm du khách xua tan cảm giác mỏi mệt, chìm vào giấc ngủ trong
chút se lạnh của cao nguyên.
Sớm
hôm sau, đoàn du khách Việt tỏa ra tìm hiểu các hoạt động thường nhật
của cư dân trong vùng. Các loại mỹ phẩm, vải, khăn choàng xuất xứ từ
Thái-lan hay khô cá, khô bò, trái cây đặc sản của Campuchia đều có bán
tại chợ Sen Monodom. Dạo qua vài ngôi chùa, ai cũng ấn tượng với phong
tục mỗi thiếu niên trong vùng phải đi tù ba năm (một năm trả hiếu cha,
một năm trả hiếu mẹ, một năm để thành người) mới được xem là trưởng
thành. Ở đất nước Phật giáo này hiếm có cảnh sát sinh nên chim, sóc, hoa
lá cỏ cây cứ quyện vào nhau, bày ra trước mắt du khách nào khỉ, nào sáo
sậu, cu gáy, cu đất... bay chấp chới. Chúng tôi ghé thăm ngọn thác Hai
Tầng ở cách thành phố 32 km. Ngọn thác nằm giữa rừng nguyên sinh, đẹp
như tranh vẽ với lượng nước lạnh khổng lồ đồ xuống ầm ào. Leo lên khu
vực gọi là “biển rừng” ngắm nhìn trùng điệp cây xanh tiếp nối nhau mới
thấy Mondulkiri là vùng đất quá thanh mát, an lành./.
Theo báo Nhân Dân