Gần 4 năm mới trở lại cùng đoàn Famtrip gồm 15 nhà báo và doanh nghiệp du lịch theo lời mời của hãng hàng không quốc gia Brunei, tôi thấy xứ sở lạ lùng này vẫn có sức quyến rũ riêng và nhiều điều mới mẻ.
1. Ngạc nhiên đầu tiên là cô tiếp viên của hàng không Brunei trả lời bằng tiếng Việt khi tôi hỏi mượn headphone nghe nhạc. Hỏi ra mới biết Tú Như là người Sài Gòn, một trong 8 tiếp viên người Việt đang làm việc ở đây. Vậy mà nhìn bề ngoài cứ ngỡ phụ nữ Hồi giáo thứ thiệt. Cũng khăn trùm đầu, cũng váy áo y chang. Ở Brunei trước chỉ có 4 - 5 người Việt, giờ đã hơn 100. Có cả bác sĩ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật nhưng đa phần là công nhân xây dựng. Công ty Freme Travel - đơn vị tổ chức tour cho đoàn Famtrip đang cần tuyển một nhân viên điều hành kiêm hướng dẫn viên thông thạo tiếng Anh làm việc tại Brunei. Công ty sẽ cấp ngay một biệt thự và xe hơi, còn lương cũng phải 3.000 USD trở lên! Trong chuyến bay từ Sài Gòn đi Brunei hôm ấy có khá đông người Việt, họ đi Free easy tour hưởng tuần trăng mật hoặc đi chơi theo nhóm bạn, nhóm gia đình. Các khách sạn sẽ nhận booking, đưa đón khách và phục vụ theo yêu cầu mà không cần hướng dẫn viên từ VN đi cùng. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí cho khách vừa phù hợp với các nhóm nhỏ, 1-2 khách cũng tổ chức được với điều kiện khách phải biết tiếng Anh kha khá. Cả Brunei chỉ có 42 chiếc taxi và vài chục xe bus nên không thể đi du lịch bụi! Trong khi làng nổi Kampong Ayer có tới hơn 550 watertaxi, chưa kể các xuồng gia đình cho hơn 30.000 dân cư. Ở trên sông nhưng nhà nào cũng có xe hơi gửi trên bờ.
2. Trên ô tô đón đoàn từ sân bay, anh Sugumaran - Trưởng phòng Inbound kiêm hướng dẫn viên Freme Travel - từng đến Sài Gòn vài lần, giới thiệu: “Ở Brunei đường phố toàn xe hơi, không thấy người đi bộ hay xe gắn máy, không ai bóp kèn xe, cũng không thấy ăn xin hay bán hàng rong đeo bám. Mỗi lần đến bệnh viện dù nhẹ hay nặng cũng chỉ trả tương đương 1 đô la Brunei”… Đến khách sạn Empire lần này tôi được thăm thú nhiều chỗ, đặc biệt là Kingroom - nơi nhà vua Bokiah vẫn thường xuyên đến nghỉ ngơi. Phòng rộng như kiểu biệt thư cao cấp, có cả hồ bơi và nhiều thiết bị đắt tiền, các vòi nước và cả thùng rác đều làm bằng vàng! Đây cũng là nơi ở của các nguyên thủ quốc gia như Bill Clinton, Tony Blair, Hồ Cẩm Đào... khi đến thăm Brunei. Trước đây giá Kingroom là 25.000 USD/đêm - giờ khuyến mãi chỉ còn 14.000 USD. Khách sạn Empire là nơi lý tưởng để hưởng tuần trăng mật, phòng standard cũng chỉ cỡ Park Hyatt ở Sài Gòn.
|
Ở Brunei đường phố toàn xe hơi, không thấy người đi bộ hay xe gắn máy, không ai bóp kèn xe, cũng không thấy ăn xin hay bán hàng rong đeo bám. Mỗi lần đến bệnh viện dù nhẹ hay nặng cũng chỉ trả tương đương 1 đô la Brunei”… |
|
|
3. Đang tháng ăn chay Ramadan nên phố phường cũng bớt nhộn nhịp. Người Hồi giáo nhịn cả ăn và uống từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Cả ngày không ăn uống sẽ rất khổ sở với người Việt nhưng ở đây điều đó đã trở thành niềm tin tín ngưỡng và thói quen văn hóa. Họ ăn sáng trước 5 giờ và ăn tối lúc 19 giờ. Lúc đó các nhà hàng, khách sạn mở cửa phục vụ tối đa cho người Hồi giáo... ăn bù. Khác với trước đây, hiện nay trong mùa chay các nhà hàng vẫn phục vụ du khách bình thường, trong các bữa ăn còn có cả nước mắm dành cho du khách Việt. Kết thúc tháng Ramadan là lễ hội Hari Raya, Tết của người Hồi giáo. Sau thời gian ăn uống khắc nghiệt theo luật tục, đây là thời điểm để tổ chức ăn uống và vui chơi bù lại suốt 3 ngày liền. Hari Raya năm nay diễn ra các ngày 11, 12, 13.9. Cùng lúc tại cung điện Istana Nurul (có nghĩa là Ánh sáng của Đức tin) gồm 1.788 phòng cực kỳ tráng lệ; toàn bộ hoàng gia sẽ dành trọn 3 ngày để tiếp dân và du khách đến viếng. Nhà vua và các hoàng tử tiếp nam, hoàng hậu và các công chúa tiếp nữ; bắt tay, chào hỏi, chúc mừng và tặng quà cho hàng ngàn người đã xếp hàng rồng rắn đến diện kiến và nhận lời chúc của họ. Nếu là trẻ em, ngoài chocolate còn được lì xì thêm 5 đô la.
4. Với hơn 75% diện tích rừng, Brunei là đất nước bạt ngàn xanh. Phố cạnh rừng và rừng cạnh phố. Cây và nhà quấn quít giao thoa. Rừng và cây ở đây cũng không khốn khổ như các nước kém phát triển, rừng không bị đốt cháy nham nhở, núi không lở lói vì đã xóa sạch rừng. Cứ xót xa cho rừng Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc và dọc đường Hồ Chí Minh, nhiều nơi từng ngút ngàn sung mãn giờ trơ trọi tan hoang. Vườn quốc gia Ulu Temburong rộng hơn 50.000 ha nằm trong khu bảo tồn rừng Batu Apol là điểm hẹn lý tưởng cho các hoạt động huấn luyện ngoài trời. Từ các gameshow, team work đến team building. Nên nhớ Brunei chỉ rộng 5.756 km2 và Temburong là một trong 3 vườn quốc gia ở đây. Từ bến tàu tại trung tâm thủ đô Bandar Seri Begawan, ca-nô cao tốc mất 45 phút để đến vườn quốc gia Temburong. Trước khi xuất bến, cảnh sát đường thủy xuống ca-nô kiểm tra việc mặc áo phao của từng du khách. Họ quan tâm đến an toàn giao thông từ việc nhỏ. Chẳng bù cho Việt Nam, thuyền bè cũ kỹ, áo phao thuyền có thuyền không, có áo cũng không mặc mà chẳng ai nhắc nhở. Thỉnh thoảng gặp các xuồng cắm câu, ca-nô lại tắt máy để giảm sóng, một việc làm nhỏ thể hiện sự tôn trọng người lao động.
Ngồi trên ca-nô đến Temburong cứ ngỡ đang đi Cần Giờ. Vẫn là các loại cây của rừng ngập mặn: đước, bần, mắm và chủ yếu là dừa nước nhưng không xanh tốt bằng. Đến Temburong phải đổi xe nhỏ tới vườn quốc gia. Vượt qua vùng đệm để vào vườn chỉ còn đường độc đạo đi bằng thuyền. Loại thuyền Temuai (thuyền dài) dài khoảng 8m, ngang 1m, chở từ 5 - 7 người. Dọc 2 mép trong của mạn thuyền có thanh gỗ chạy suốt để khách làm tay vịn, rất an toàn. Bỏ lại sau lưng mọi ồn ào phố thị, thuyền ngược dòng Temburong. Nước trong, mát và ngỡ như không có dấu chân người.
Ulu Temburong là rừng mưa nhiệt đới, xanh vĩnh viễn (Ever Green) thường có 5 tầng: cỏ - bụi cây - dưới tán - tán - vượt tán. Các tầng đều có sự cộng hưởng, trao đổi năng lượng từ mùn, tạo ra các loại vi sinh cung cấp dinh dưỡng cho cây. Thỉnh thoảng các resort sinh thái đúng nghĩa nép mình duyên dáng ven sông, cạnh rừng như cố chứng tỏ sự có mặt của con người. Để có cái nhìn khái quát về Temburong phải vượt quãng đường 7 km với 1.262 bậc thang gỗ, chưa kể các đoạn dốc lởm chởm để lên đỉnh Pukit Patol cao 1.607m. Ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển có 5 đài thưởng ngoạn (Canopy Walkway). Đài làm bằng hợp kim nhôm giống giàn giáo xây dựng hình vuông, mỗi cạnh gần 2m, thẳng, được giữ bởi nhiều sợi cáp cân bằng, cao từ 40 - 45m được nối với nhau bằng hành lang từ đài 1 đến đài 5 dài 80m. Mỗi lần lên xuống được 2 người nhưng có thể đón cùng lúc 40 người để thỏa thích ngắm toàn cảnh rừng. Có cảm giác như đang bay giữa màu xanh vô tận. Nếu đủ sức thì theo đường mòn đi tiếp lên đỉnh, tìm gặp loài khỉ mũi dài to lớn hay xem các loại cây ăn thịt hoặc loài hoa chuyên bẫy côn trùng... Việc bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm ngặt. Sau mỗi nhóm khách đều có nhân viên đi theo vừa bảo vệ khách, vừa xử phạt các hành vi như hút thuốc, bẻ cây, hái hoa, xả rác… Các vi phạm có thể bị phạt tới 100 triệu đồng tiền VN!
Khi về, nếu chân đã mỏi nhừ thì thay thuyền Temuai bằng thuyền phao chèo tay kiểu Rafting xuôi dòng Temburong để ra khỏi rừng. Bạn sẽ hiểu thế nào là teamwork, team building, là tinh thần đồng đội, là sự cần thiết của thủ lĩnh nhóm khi có từ 2 người trở lên… Tạm biệt Brunei bằng chuyến bay sáng sớm, đoàn điểm tâm lúc 4 giờ 30. Ở VN, chẳng khách sạn nhà hàng nào chịu phục vụ giờ đó. Hỏi ra mới biết việc hợp tác, hỗ trợ giữa các ngành, các địa phương để tạo điều kiện tốt nhất cho du khách là điều rất bình thường ở Brunei. Nhưng tại Việt Nam, đó là điều anh em trong nghề du lịch từng mơ ước.
Nguồn : Thanh Niên