Ngày 23/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự buổi lễ khánh
thành tại Chu Hải, cùng các quan chức hàng đầu của Hong Kong và Macau.
"Tôi tuyên bố chính thức khánh thành cầu nối Chu Hải - Hong Kong và
Macau" - ông Tập trịnh trọng tuyên bố trong buổi lễ có sự chứng kiến của
hơn 700 quan khách. Phía sau lưng ông, trên một màn hình điện tử lớn,
pháo hoa bắt đầu "khai hỏa".
Nhà lãnh đạo Trung Quốc rời đi ngay
sau đó mà không đưa ra bất kỳ diễn văn nào như thường lệ, theo hãng
thông tấn AFP. Trong bài phát biểu ngắn gọn 5 phút, người đứng đầu chính
quyền Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đã ca ngợi sự xuất hiện của
ông Tập khiến sự kiện thêm phần trang trọng.
Giới chức Hong Kong
và Trung Quốc nhấn mạnh việc đưa vào sử dụng cây cầu sẽ giúp kết nối
Hong Kong - đại lục, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho cả khu vực xung
quanh. Trước đó, một dự án đường sắt cao tốc nối Hong Kong và đại lục
cũng đã được đưa vào sử dụng.
Chi phí chính xác cho việc xây dựng
không được công bố nhưng ước tính lên tới hàng tỉ USD. Trong 9 năm từ kể
từ ngày khởi công, công tác xây dựng đã bị tạm dừng một số lần do vấn
đề an toàn lao động. Ít nhất 18 công nhân đã tử vong khi làm việc tại dự
án này.
Cầu được thiết kế với cam kết trụ vững trong động đất và
giông bão, sử dụng đến 400.000 tấn thép, đủ để xây 60 cái tháp Eiffel
của Pháp.
Gần 30 km trong tổng chiều dài của cầu Chu Hải bắc qua
Biển Ngọc. Nhằm giúp tàu thuyền lưu thông dễ dàng, một đoạn dài 6,7km ở
giữa cầu được xây ngầm dưới biển, chạy giữa hai hòn đảo nhân tạo.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính cho biết, cây cầu mới sẽ tạo cơ
hội cho Hong Kong, Macau và Chu Hải thuận lợi trong các hoạt động kinh
tế và thương mại.
Tham dự lễ khánh thành, Chủ nhiệm Ủy ban Cải
cách và phát triển quốc gia Trung Quốc Hà Lập cho rằng, cây cầu có thể
chịu được các mối đe dọa từ thiên tai như động đất 8 độ richter, siêu
bão và các tàu chở hàng cỡ lớn. Cây cầu là biểu tượng cho giấc mơ của
người dân Hong Kong, Chu Hải và Macau.
Video mô phỏng về cây cầu. Nguồn:scmp
"Đây là kế hoạch được triển khai trong một thời gian dài và cung cấp các
cơ hội quan trọng cho người dân Quảng Đông, Hong Kong và Macau", chủ
nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc Hà Lập nói thêm.
Ảnh minh họa. Nguồn:Winson Wong
Cây
cầu dài 55 km có thể tạo điều kiện cho sự phát triển được ví như "một
quốc gia, hai hệ thống". Đây sẽ là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới,
tính đến thời điểm hiện tại: dài 55km, gấp 20 lần chiều dài Cầu Cổng
Vàng của San Francisco (Mỹ).
Theo phó Thủ tướng Hàn Chính, đây là
lần đầu tiên cả Hong Kong, Chu Hải và Macau có thể hợp sức xây dựng một
dự án cơ sở hạ tầng lớn.
"Đây là cầu nối cho quan hệ thương mại và kinh tế 3 bên đồng thời thúc đẩy cạnh tranh khu vực đồng bằng sông Châu Giang.
Dự án này là một phần kế hoạch của Trung Quốc nhằm phát triển khu vực
Greater Bay Area rộng 55km với 68 triệu người tại 11 thành phố, trong
đó có Hong Kong và Macau. Tổng chi phí xây dựng lên đến 20 tỷ USD, cao
hơn nhiều so với ước tính ban đầu là 15,3 tỷ USD.
Cây cầu mới sẽ
giúp cho thời gian di chuyển giữa 3 thành phố Hồng Kông, Chu Hải và
Macau sẽ được rút ngắn lại, chỉ còn khoảng 30 phút thay vì mất 3 giờ lái
xe như hiện tại.
Hồng Nhung