Nhà tắm công cộng với lối kiến trúc đặc biệt, được các thợ thủ công lành nghề xây dựng từ thế kỷ 16. Tới đây, du khách dễ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp nghệ thuật tinh tế với kiến trúc mái vòm đặc trưng.
Sultan Amir Ahmad là nhà tắm công cộng ở Kashan, Iran, được xây dựng từ thế kỷ 16 trong suốt giai đoạn của Đế quốc Safavid. Đây cũng là Đế quốc cai trị Iran cùng một phần của Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia từ thế kỷ 16 tới thế kỷ 18. Sultan Amir Ahmad là khu nhà tắm công cộng đặc biệt, đặc trưng với kiến trúc mái vòm, khảm tinh tế với những chạm trổ trên gạch, thảm, tạo nên không gian mang đậm màu sắc văn hóa độc đáo của Iran.
Không gian bên trong nhà tắm công cộng được xây dựng từ thế kỷ 16 ở Iran
Kiến trúc lộng lẫy bên trong
Đây cũng là một trong những nhà tắm lịch sử đẹp nhất, còn bảo tồn tốt nhất cho tới ngày nay. Sultan Amir Ahmad được công nhận là Di sản Quốc gia do Cục di sản Văn hóa Iran trao tặng vào năm 1956.
Lối kiến trúc in đậm văn hóa người Iran
Lớp mái vòm mang kiểu kiến trúc đặc trưng
Khu vực tắm chính của Sultan Amir Ahmad chứa nhiều phòng tắm nóng. Nội thất của nhà tắm được trang trí bằng màu ngọc lam với phiến đá vàng, gạch men cùng những bức tranh nghệ thuật. Trong khi đó, phần mái nhà tắm hình mái vòm, được thiết kế với kính lồi, cung cấp đủ lượng ánh sáng cho nhà tắm.
Bên ngoài các nhà tắm công cộng
Công trình nhà tắm công cộng tồn tại ở Iran hàng trăm năm nay. Người dân theo đạo Hồi sẽ có nghi thức gột rửa sạch sẽ thân thể. Đây là một trong những yêu cầu trong tôn giáo. Trước đó, Iran tồn tại hàng nghìn nhà tắm công cộng trên khắp cả nước. Đến nay, mức độ phổ biến của chúng giảm xuống khoảng một nửa. Hầu hết, các căn nhà hiện đại đều trang bị bồn tắm và vòi hoa sen. Bởi vậy, những nhà tắm công cộng còn tồn tại ở Iran ngày nay đa phần chỉ dành cho người dân lao động và khách du lịch bụi.
Theo TP