Tạp chí du lịch có uy tín thế giới Condé Nast Traveler số tháng 8-2009 đã chọn hồ Inle của Myanmar là một trong năm điểm đến mới của châu Á mà du khách năm châu nên khám phá. Còn người dân bản xứ thì tự hào gọi Inle là “biển xanh vùng đồi núi bang Shan”.
|
Chùa Phaung Daw Oo lộng lẫy trên hồ Inle |
|
Những làng nổi ven hồ Inle - cảnh quan hiền hòa và gần gũi |
Trên bản đồ Myanmar, hồ Inle là một mảng xanh thoai thoải với đường viền quanh uốn lượn. Bắt nguồn từ đây, các dòng sông chảy dọc theo cả hai hướng bắc và nam tựa một dòng sông lớn len lỏi khắp đất nước này. Inle là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ nhì của Myanmar, với diện tích mặt hồ lên đến 250km2, nằm trên độ cao khoảng 800m so với mặt biển. Với cảnh quan tuyệt mỹ và đời sống văn hóa của người dân Intha sống ven hồ hầu như còn nguyên vẹn bản sắc, Inle là một vùng du lịch quan trọng của Myanmar.
Hồ Inle thuộc bang Shan rộng lớn ở miền trung Myanmar. Từ thành phố Mandalay, chúng tôi đón chuyến bay sớm nhất lúc 8g45 và chỉ mất khoảng 30 phút để đến Heho, thủ phủ của Shan. Từ sân bay, mất hơn một giờ nữa vượt đường đèo khoảng 50km để đến với bến thuyền Nyaungshwe, bắt đầu hành trình tham quan hồ. Ngập trong nắng, con đường đèo bám vào triền núi, lượn những đường vòng ngoạn mục quanh các ngọn núi, phía trên là màu xanh của những tán cây già nua ngất ngưởng in lên nền trời, bên dưới là vực sâu thăm thẳm, bất chợt làm tôi nhớ những chuyến đi khám phá vùng cao Tây Bắc đất nước mình.
Bến thuyền Nyaungshwe buổi sáng khá nhộn nhịp nhưng không ồn ào, xô bồ, với nét bình dị, nhẹ nhàng mà bạn gặp ở bất cứ nơi nào khi đến Myanmar. Trên bến, những chiếc thuyền gỗ dài màu sắc rực rỡ đang neo đợi khách, khi đủ 4-5 người thì lặng lẽ rời bến. Thuyền không có mái nên mọi người phải nép dưới những tán dù xòe rộng để tránh cái nắng hè chói chang. Lòng hồ dần rộng mở, tầm mắt khách cũng rộng và xa dần ra cho đến khi không còn thấy được những đường ven hồ nữa.
|
Nông sản của người dân sống bên hồ được bày bán ở chợ phiên Ywama, năm ngày họp một lần vào buổi sáng. Chợ như một bức tranh đầy màu sắc |
Sau gần một giờ rưỡi lênh đênh trên lòng hồ, nơi chúng tôi dừng chân là chùa Phaung Daw Oo có từ thế kỷ 18. Mái chùa màu đỏ và vàng in lên nền trời xanh. Ở sân chùa, phụ nữ và trẻ em trên mặt phủ một lớp phấn mỏng từ cây thanaka truyền thống, bán vài sản vật địa phương. Chùa nổi tiếng với năm tượng Phật được dát vàng, tương truyền mang lại sự may mắn và bình yên cho cư dân sống quanh hồ.
Rời chùa, chiếc thuyền nhỏ đưa chúng tôi khi thì đi giữa mênh mông mặt hồ, khi len vào những kênh nhỏ để đến những làng nghề đã có mặt nơi đây từ hơn 100 năm trước. Những chiếc thuyền mũi vuông truyền thống ngược xuôi hối hả đưa nông sản đi về phía chợ. Những người đàn ông mặc chiếc longyi truyền thống đứng trên mũi thuyền, thong thả dùng chân khua chèo đẩy thuyền đi như một nghệ sĩ. Dân chài lưới miệt mài với công việc, chẳng màng đến thế giới xung quanh, chân cặp vào mái chèo đẩy thuyền đi, tay thoăn thoắt với những tấm lưới hoặc chiếc đó lớn làm bằng tre...
Vì sao lại có cách chèo thuyền bằng chân như thế? Hla Aye, anh bạn Myanmar đồng hành, giải thích rằng hàng trăm năm trước khi người dân bắt đầu mưu sinh trên hồ, do lòng hồ rộng và khó quan sát nên họ phải đứng trên mũi thuyền để định hướng đi rồi từ đó chèo thuyền cũng bằng chân.
Những làng cổ ven hồ là khám phá thú vị nhất. Ở làng dệt lotus (sen), người dân không dệt vải bằng tơ tằm mà có cách lấy sợi tuyệt vời từ những ngó sen. Tỉ mẩn và kiên nhẫn, họ kéo những sợi tơ rút ra từ ngó sen, xe thành sợi để dệt nên những tấm vải sắc màu và kiểu dáng độc đáo. Làng nghề cuốn thuốc lá theo kiểu cổ truyền thu hút quý ông hơn. Khách có thể thử những điếu thuốc dài được quấn bằng thứ lá mọc tự nhiên trên núi cao tẩm hương vị quế, cam thảo hoặc mật ong. Nhưng coi chừng, hút nhiều có thể bạn sẽ say và quên mất lối về!
|
Người Intha mặc longyi và chèo thuyền bằng chân |
Sản phẩm của các làng rèn là những món đồ gia dụng tinh xảo, kể cả kiếm và đao bén nhọn. Theo giải thích, do vùng đất này còn hoang dã nên người dân dùng vũ khí để phòng vệ khi cần.
Gây ấn tượng mạnh hơn cả là ngôi làng của người dân tộc Paduanj với những phụ nữ cổ dài mang nhiều vòng đồng. Cả làng hiện còn khoảng 200 người có chiếc cổ dài, người già nhất đã gần 70 tuổi.
Bà Tawmusu lấy chiếc đàn gỗ treo trên vách nhà xuống, hát tặng du khách phương xa một điệu hát lãng du. Bà đã 61 tuổi, bắt đầu đeo những vòng đồng quanh cổ từ lúc lên 5 tuổi và số vòng tăng dần theo thời gian. Người Paduanj dệt vải và trồng lúa, làm đồ thủ công mỹ nghệ bán cho du khách. Họ sống hiền lành, lặng lẽ và tách biệt ở vùng mây nước mênh mông này.
Chiều buông, chúng tôi tìm đến tự viện Nga Phe Kyaung được làm hoàn toàn bằng gỗ teck vào giữa thế kỷ 19 với màu gỗ đen tuyền trông thật huyền bí và lôi cuốn. Trong chùa là hàng trăm bức tượng Phật do các vị vua và hoàng gia Myanmar hiến tặng.
Hoàng hôn tàn dần, trên hồ chỉ còn một vài chiếc thuyền về muộn, bầy chim trắng chao lượn trên mặt nước rồi bay vút đi. Màu khói lam bủa vây khiến mặt hồ trở nên hiu quạnh và trầm tư. Một cơn mưa đến vội, sau mưa xuất hiện quầng sáng cầu vồng in vào bóng núi khiến chuyến ngao du sơn thủy của chúng tôi thêm phần đáng nhớ...
Nguồn : Tuổi Trẻ