Đình Phả Trúc Lâm 40 phố Hàng Hành, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, nằm trong khu phố cổ Hà Nội thờ phụng ông tổ nghề da giầy ở Thăng Long.
Thăng Long - Hà Nội từ lâu có một nơi thờ tổ nghề da giày,
đó là đình Phả Trúc Lâm. Di tích đình Phả Trúc Lâm hiện ở 40 phố Hàng Hành, phường
Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, nằm trong khu phố cổ Hà Nội, rất gần với hồ Hoàn Kiếm.
Di tích với tên đình Phả Trúc Lâm với chữ “Phả” có nghĩa là “gốc”, còn Trúc Lâm
là để ghi nhận về chốn tổ của nghề da giày.
Trúc Lâm hiện nay là tên một thôn, thuộc xã Hoàng Diệu, huyện
Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Trúc Lâm có tên nôm là làng Trám (hay Chám), có lúc được
gọi là Phong Lâm, Tam Lâm - một địa phương có nhiều thế hệ thợ da giày nổi tiếng.
Những người thợ da giày đã mang nghề tổ truyền làm ăn sinh sống
ở nhiều nơi. Khi đến Thăng Long thợ da giày đã quần tụ, lập phường thợ và xây dựng
đình Phả Trúc Lâm để thờ Tổ nghề của mình.
Các vị Tổ của nghề da giày được tôn thờ là Tiến sĩ Nguyễn Thời
Trung và ba vị khác là Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính và Nguyễn Sĩ Bân. Nguyễn
Thời Trung đỗ tiến sĩ khoa thi Ất Sửu, niên hiệu Thuần Phúc nguyên niên, thời
Lê - Mạc (năm 1565), làm quan cho triều Mạc đến chức Thừa chánh sứ.
Ông Nguyễn Thời Trung đã đoàn sứ bộ nước ta qua Trung Quốc để
hoà đàm. Trong đoàn sứ có ba người cùng quê ở làng Phong Lâm là: ông Chánh, ông
Chính, ông Bân.
Trên đường đoàn sứ bộ đi qua Hàng Châu, các ông đã chú ý đến
nghề thuộc da, đóng giày mà lúc đó ở nước ta, nghề này chưa phát triển và tinh
xảo bằng người Trung Quốc. Hoàn thành công việc sứ bộ, Tiến sĩ Nguyễn Thời
Trung cùng ba người bạn cùng quê quay lại Hàng Châu học nghề da giày. Trải bao
gian nan vất vả, các ông đã học thuộc nghề, nắm vững các bí quyết về thuộc da,
đóng giày, khi về nước truyền dạy nghề ở quê hương Trúc Lâm.
Từ đó, nghề thuộc da, đóng giày ngày càng phát đạt. Bốn ông
đã được triều đình ban phong chức quan “Thượng y” ở Quốc Tử Giám. Sau này, khi
các ngài qua đời, làng nghề da giày đã tôn vinh thờ cúng làm Tổ của nghề.
Di tích đình Phả Trúc Lâm được xây dựng vào thời gian nào? Nội
dung văn bia còn lưu giữ ở đình đã cho biết: ngôi đình đầu tiên được dựng bằng
tre nứa đơn giản, sau đó được tu bổ và nâng cấp thêm vào đầu thế kỷ XX. Như vậy,
đình được khởi dựng sớm hơn thời điểm mà văn bia đã nêu.
Đình thờ Tổ nghề da giày có một kiến trúc khiêm tốn, quy mô
vừa phải. Trải qua năm tháng và ảnh hưởng của chiến tranh, ngôi đình đã ít nhiều
có sự đổi thay nhưng vẫn giữ được phong cách của kiến trúc truyền thống.
Đình Phả Trúc Lâm từ xa xưa đã luôn được sự quan tâm của những
người thợ da giày sinh sống ở Hà Nội cũng như ở các địa phương khác. Di tích
càng đông vui và sầm uất hơn vào dịp tháng hai và tháng tám âm lịch là ngày giỗ
tổ. Trong những ngày này, thế hệ thợ da giày ở Hà Nội và các địa phương tụ họp
về làm lễ tế tổ, thăm hỏi và trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.
Đình Phả Trúc Lâm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận
xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01
Nguồn: Người Hà Nội