Nhà Thánh Hoành Sơn - nơi hiện diện quán văn chỉ Hoành Sơn đồ sộ, mà người dân địa phương gọi nôm na là nhà Thánh làng Ngang, thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền.
Làng Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn không chỉ nổi tiếng là vùng quê có nhiều nhà khoa bảng làm rạng danh đất học, mà nơi đây còn lưu giữ được nhiều công trình cổ độc đáo, trong đó có nhà thánh Hoành Sơn.
Nhà thánh Hoành Sơn thuộc xóm 5, xã Khánh Sơn 2, nay là xóm
7 xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, được xây dựng cuối thời Lê và trùng tu vào thời
Nguyễn, trên vùng đất văn vật theo hướng Đông Nam, quần tụ giữa khu dân cư trù
mật nơi có nhiều di tích quan trọng, trong đó có di tích cấp Quốc gia đặc biệt
Đình Hoành Sơn.
Để thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo và cổ vũ tinh thần
học tập của con em trong vùng, nhân dân làng Hoành Sơn đã lập Nhà Thánh để thờ
Khổng tử và phối thờ các vị Tiên Hiền, Tiên Nho như Tiến sỹ Nguyễn Thiện
Chương, Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Tiến sỹ Nguyễn Đức Quý, Phó bảng Nguyễn Đức Vận..
Dưới 2 lối đi có 4 tấm bia đá, khắc chữ Hán 2 mặt, đặt đối xứng
nhau qua sân lộ thiên, ghi danh gần 20 người con ưu tú của làng đậu đại khoa và
trung khoa Hán học (hoàng giáp, thám hoa, tiến sỹ, cử nhân…). Nơi đây, hàng năm
đã từng diễn ra những ngày tế Thánh do Hội Tư văn chủ trì, nhằm tôn vinh đạo
Nho và truyền thống hiếu học của làng.
Nhà thánh Hoành Sơn tọa lạc trên khuôn viên có tổng diện
tích 673,3m2, công trình được xây dựng theo kiến trúc chữ “ Khẩu” bao gồm các hạng
mục: Bái đường, Tả vu, Hữu vu, Sân lộ thiên, Hậu cung… Trải qua hàng trăm năm
trường tồn, nhà thánh Hoành Sơn luôn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa của nhân dân
trong vùng, là biểu tượng hồn cốt của làng khoa bảng, là nơi tụ linh khí, phúc
lớn của làng cũng như biểu tượng của sự học từ bao đời nay của người dân nơi
đây.
Làng Hoành Sơn từ bao đời nay đã là quê hương của những “ông nghè, ông cử” thơm danh, rạng ngời sử sách. Làng đã xây dựng nhà thánh vào thời Lê để thờ Khổng Tử, các bậc tiên hiền và những nho sinh đậu đạt của làng. Ảnh: Huy Thư
Hiện nhà thánh tọa lạc trên khuôn viên có diện tích 673m2, công trình được xây dựng theo kiến trúc chữ “khẩu”. Bái đường và hậu cung chỉ cách nhau vài mét. Mỗi công trình là 1 ngôi nhà 5 gian (3 gian chính, 2 gian phụ) với 6 dãy cột, gồm 4 dãy cột cái, 2 dãy cột hồi. Ảnh: Huy Thư
Lúc đầu nhà thánh được thưng ván bao quanh, sau ván bị dỡ, chỉ còn lại 2 tòa nhà trống. Năm 2000, người dân địa phương đã xây dựng thêm bờ lan can hoa xuyên (cao từ 1m - 1,2m) bao bọc xung quanh, các đuôi kẻ đều được đắp cột nâng, ngoài cửa chính còn mở thêm các cửa nách. Trong ảnh: Nhà thánh Hoành Sơn nhìn từ phía đầu hồi. Ảnh: Huy Thư
Điều đặc biệt trong kiến trúc nhà thánh Hoành Sơn là 4 dãy cột ở 2 đầu hồi của bái đường và hậu cung đã liên kết với nhau tạo thành các lối đi 2 bên, giống như nhà hữu vu và tả vu. Ảnh: Huy Thư
Nhờ mối liên kết đặc biệt này đã tạo nên 1 quần thể kiến trúc khép kín, cân xứng, hài hòa, xung quanh là nhà, ở giữa là sân lộ thiên. Ảnh: Huy Thư
Đối xứng nhau qua sân lộ thiên nhỏ hình chữ nhật là 4 tấm bia đá cao khoảng 0,8m, rộng 0,5 m, khắc chữ Hán 2 mặt, ghi danh gần 20 người con ưu tú của làng, đậu đại khoa và trung khoa Hán học (hoàng giáp, thám hoa, tiến sĩ, cử nhân…) Ảnh: Huy Thư
Rất tiếc là trong những năm chiến tranh, 1 tấm bia đã bị gãy vỡ 1 phần. Ảnh: Huy Thư
Các tấm bia đều được điêu khắc, chạm trổ công phu hình ảnh “lưỡng long triều nguyệt” và các hoa văn truyền thống. Ảnh: Huy Thư
Ngày trước, tại nhà thánh này, hàng năm vào những ngày lễ trọng, đặc biệt là dịp lễ thánh, hội tư văn sẽ chủ trì lễ tế thánh một cách trang trọng, nhằm tôn vinh đạo Nho và truyền thống hiếu học của làng. Hiện nay, nhà thánh Hoành Sơn là một trong số ít nhà thánh cổ xưa có kiến trúc độc đáo còn tồn tại ở tỉnh ta. Ảnh: Huy Thư
Cùng với đình Hoành Sơn - Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, nhà thánh Hoành Sơn không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, đề cao, cổ vũ sự học, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của người dân địa phương, mà còn là chứng tích, biểu tượng, khẳng định bề dày văn hóa đầy tự hào của một vùng quê địa linh nhân kiệt, có truyền thống khoa bảng nổi tiếng ở xứ Nghệ. Ảnh: Huy Thư
Huy Thư