Nằm ven bờ nam sông Đuống, bên triền đê uốn lượn. Làng Lạc Thổ là một trong những làng cổ thuộc trung tâm Văn hóa, Tôn giáo và Tín ngưỡng vùng Dâu - Luy Lâu xưa và cũng là làng quê của trung tâm huyện lỵ Thuận Thành - Thị Trấn Hồ ngày nay. Những người từng đến với Lạc Thổ, đều có những cảm nhận về những nét đặc trưng của một làng quê Văn hiến, đằm thắm, ân tình của miền quê “Bên kia Sông Đuống” !
Làng khoa bảng Lạc Thổ - nơi có 7 vị Tiến sĩ, từng được vua
ban lời khen mỹ tục khả phong mang trong mình nhiều câu chuyện về thời thế - thế
thời.
Làng Lạc Thổ tên nôm là làng Hồ - xưa vốn là đất tổng Lạc Thổ,
huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, sau thuộc phủ Thuận Thành (nay là
hai thôn Lạc Thổ Bắc và Lạc Thổ Nam, thuộc thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh).
Làng có 7 người đỗ đại khoa, trên 50 cử nhân, tú tài…
Lạc Thổ đất vui
Đình làng Lạc Thổ
Có lẽ trong sử Việt, Lạc Thổ là một trong những làng khoa bảng
độc đáo nhất nước ta. Làng được vua Tự Đức ban khen danh hiệu “Mỹ tục khả
phong”, song trong quá khứ - vào thời nhà Lê, làng Lạc Thổ từng bị triều đình
triệt hạ xóa tên. Chính tên làng Lạc Thổ cũng từ ấy mà ra, và người làng vẫn
còn truyền nhau một sự tích có thật.
Chuyện kể rằng: Ngày xưa, như thường lệ dân làng tưng bừng mở
hội vui Xuân. Giữa lúc muôn người đang vui hội, bỗng xuất hiện một thanh niên
cưỡi ngựa vào làng. Người thanh niên nọ dừng ngựa rồi buông những lời chọc ghẹo
các thôn nữ đang cùng dân làng vui hội.
Mặc dù rất bực bội, nhưng để cuộc vui không bị đứt đoạn, mọi
người đã hết sức kìm lòng, dùng những lời nhã nhặn khuyên ngăn chàng trai kia
không tiếp tục khiếm nhã. Chàng trai lạ càng tỏ thái độ coi thường dân làng,
nói ra những lời tục tĩu, thách thức.
Tức thì, đám thanh niên trai tráng xúm vào giáng cho hắn một
trận. Đòn quá tay, tên thanh niên ngỗ ngược kia tắt thở lúc nào chẳng rõ. Xác của
hắn được mọi người ném ra cánh đồng. Nào ngờ, kẻ bị dân làng đánh chết lại là một
hoàng tử.
Tin hoàng tử bị đánh chết nhanh chóng báo triều đình, nhà
vua vô cùng tức giận, ra lệnh: “Triều đình vô hữu Lạc Thổ” (triều đình không có
làng Lạc Thổ), rồi cho quan quân kéo về đốt phá, xóa sổ ngôi làng. Tai họa ập đến,
dân làng phải phiêu dạt khắp nơi.
Trong số dân làng phiêu tán, có người con gái họ Tá may mắn
được nên duyên chồng vợ với một viên quan Quận công là người ở làng Quế Ổ. Dù
là phu nhân của quan Quận, cuộc sống khá đủ đầy, nhưng người con gái họ Tá chẳng
mấy lúc được vui, chiều chiều bà lên lầu ngóng về quê hương.
Sau nhiều lần gặng hỏi, bà kể cho chồng nghe câu chuyện về sự
biến của làng. Quan Quận bèn đem chuyện này tâu lên đức vua và bày tỏ rằng, nếu
hoàng tử không ngỗ ngược, thì đâu xảy ra chuyện dữ.
Có lẽ, từ những tâu bày đó, đức vua đã ngộ ra nỗi oan khuất
của dân làng Lạc Thổ và xem lại phán quyết nhiều phần bất nhẫn của mình. Vua liền
cho phép vợ viên quan Quận trở về nơi đất làng xưa, dựng lên “Cầu Chiêu” làm chốn
tạm, rồi loan tin mời đón dân làng trở về.
Chẳng bao lâu, làng Lạc Thổ đã được lập lại, thành chốn đông
vui, như đúng tên gọi Lạc Thổ, tức là “đất vui”. Theo người địa phương, Cầu
Chiêu xưa được dựng lên như một quán nhỏ ở khoảng giữa làng, nhưng đã bị phá hủy
từ xa xưa.
Sau này, làng đã phục dựng lại ngôi nhà 3 gian trên chính
khu đất ấy. Người con gái họ Tá trong câu chuyện được kể có tên là Tá Thị Hoa -
cũng là người được thờ tại đây.
Hệ thống Văn bia làng Lạc Thổ, nơi lưu dẫu các vị khoa bảng.
Đất thiêng sinh nhân kiệt
Người làng Lạc Thổ vẫn tự hào ngôi làng nằm trên thế đất mắt
rồng, bởi vậy mà sinh nhiều nhân tài tuấn kiệt cho đất nước. Ngày nay, tại đình
làng vẫn còn đôi câu đối do cụ Cử nhân - Tiên chỉ làng Nguyễn Xuân Điềm phụng
soạn:
別佔中區,有亭有寺,有四達龍衢,君子停車應眼括
儼然方面,之市之江,之重堤地險,姦雄到處亦魂消
“Biệt chiếm trung
khu, hữu đình hữu tự, hữu tứ đạt Long cù, quân tử đình xa ưng nhãn quát/ Nghiễm
nhiên phương diện, chi thị chi giang, chi trùng đê địa hiểm, gian hùng đáo xứ
diệc hồn tiêu”.
Nghĩa là: Riêng một cõi trời, có đình có chùa, bốn phương
khoáng đạt thế rồng, quân tử dừng xe thỏa nguyện phóng tầm mắt/ Uy nghi một
phương, đây chợ đây sông, đê quai ôm đê chính địa thế hiểm trở, gian hùng đến
đây hồn xiêu phách lạc.
Theo bia văn chỉ của làng, Lạc Thổ có 7 vị Tiến sĩ. Trong đó
có cụ Dương Như Châu đỗ đầu kỳ thi Đình thời Lê Thánh Tông. Trong khoa thi năm
1505 thời Lê Uy Mục lại có 2 người cùng đỗ đồng Tiến sĩ, đến khoa thi năm 1535
lại có 3 người đỗ đại khoa.
Lần giở lịch sử để tìm hiểu về người khai khoa của làng - Tiến
sĩ Dương Như Châu, được rõ ông sinh năm 1448, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng.
Trong khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận 7 (1466) đời Lê Thánh Tông, ông thi
đỗ Hoàng giáp khi vừa tròn 18 tuổi và làm quan đến chức Chi chế cáo.
Đề thi Đình năm ấy, vua hỏi về vấn đề bang giao giữa hai nước
Việt - Trung. Đây là một đề thi hiếm có trong lịch sử khoa cử nước nhà. Với đề
thi này, Dương Như Châu dâng kế: “Bề tôi không dám dâng kế cùng binh độc vũ, cậy
vào quân lính để đánh nhau hoài, cũng không dám dâng kế sách buông lơi việc võ
mà chú trọng việc văn. Chỉ mong sửa sang điều nhân, thực hành điều nghĩa, chọn
người giỏi văn giỏi võ, trao trách nhiệm cho tướng soái răn bảo việc luyện tập
quân sĩ, chăm việc võ bị.
Trong khi rành việc cày bừa không quên việc giảng duyệt
(...) Như thế là đạt tới chỗ dùng văn, dùng võ đúng lúc có thể tiêu trừ họa loạn
lúc chưa thành, giữ nền cực trị đến mãi mãi. Nước ta vững như bàn thạch, sáng
như lửa hồng hễ giặc đụng đến đâu là nát tan, chạm đến đâu là thui cháy.
Điều lành về nhân chính nhờ vậy mà mở rộng mãi ra (...) Thế
tất, quân sĩ đều vui vẻ ra lệnh, một người có thể địch trăm người, dựa vào đấy
đã tiến là đánh, đã đánh là diệt. Tức thời bốn phương có thể yên ổn, còn có lo
gì đến việc gây hấn ở biên thùy”.
Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hai vị Tiến sĩ đỗ khoa Ất Sửu
niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505) đời vua Lê Uy Mục, gồm Nguyễn Tiếu Tượng - đỗ
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, làm quan với nhà Mạc đến chức Tả Thị lang bộ Lại,
Nhập thị Kinh diên. Nguyễn Đình Lại đỗ Hội nguyên, Điện thí đỗ Đệ tam giáp đồng
Tiến sĩ xuất thân, ông là em Nguyễn Tiếu Tượng.
Đến khoa thi Ất Mùi niên hiệu Đại Chính thứ 6 (1535) đời Mạc
Đăng Doanh có Dương Mậu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức
Thị lang bộ Lại. Nguyễn Kinh Tế đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, làm quan
đến chức Hiến sát sứ.
Lạc Thổ mỹ tục khả phong
Ngoài 7 vị Tiến sĩ được ghi danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám
cũng như tại bia đá văn chỉ, làng Thổ còn nhiều người đỗ Cử nhân, Tú tài. Với
truyền thống thi thư, sau này vua Tự Đức triều Nguyễn đã từng phong tặng Lạc Thổ
bốn chữ “Mỹ tục khả phong” chứng tỏ một ngôi làng nhỏ nhưng mang tầm ảnh hưởng
của cả vùng bờ Nam sông Đuống.
Tại Lạc Thổ năm xưa, có tướng quân họ Nguyễn Đức cùng thổ
hào và dân vùng Bắc Ninh liên kết với quân Trịnh chống lại Nguyễn Hữu Chỉnh và
xảy ra một trận đánh lớn ở Lạc Thổ - Đông Hồ.
Sử cũ ghi chép khá rõ về cuộc chiến giữa quân Nguyễn Hữu Chỉnh
với liên quân của Trịnh Bồng và những người thuộc dòng họ Nguyễn Đức. Cuộc chiến
ở đây diễn ra khá dài và rất quyết liệt.
Tuy cuối cùng lũy Đông Hồ cùng các xóm làng, trong đó có
làng Lạc Thổ bị triệt hạ, nhưng trong cuộc chiến này, quân của Nguyễn Hữu Chỉnh
cũng bị thiệt hại nặng nề.
Gia phả họ Dương ở Lạc Thổ chép rằng: Trong liên quân với
chúa Trịnh, ở làng Lạc Thổ có hai người là Nguyễn Hữu Đắc và Khúc Đình Quý đã tổ
chức đào hào, đắp lũy, chiến đấu chống quân Chỉnh. Trong trận chiến diễn ra vào
ngày 3 tháng Giêng năm 1787, em của Nguyễn Hữu Chỉnh đã bị giết tại lũy Đông Hồ.
Lễ hội làng Lạc Thổ
Làng Lạc Thổ chính là làng Hồ - nơi có nghề làm tranh dân
gian nổi tiếng.
Câu chuyện về người con gái họ Tá ở làng Lạc Thổ kết duyên
cùng viên Quận công người Quế Ổ chính là Hội Quận công - vị tổ đời 12, chi Giáp
của họ Nguyễn Đức. Một số nhà nghiên cứu, qua gia phả của dòng họ và đối chiếu
với các nguồn tư liệu khác, đã xác định Hội Quận công là một võ quan có tiểu sử,
hành trạng nửa cuối thế kỷ 18.
Không chỉ là làng khoa bảng, là nơi gắn với nhiều sự biến lịch
sử - Lạc Thổ còn là nơi giữ nhiều mỹ tục và các lễ hội độc đáo, như hội thi gà
Hồ, hội thi thả chim bồ câu. Trong đó, hội thi gà Hồ gắn liền với truyền thống
tranh dân gian: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng
trên giấy điệp” (Hoàng Cầm).
Gà Hồ có vóc dáng cao to, mào kép, da cổ đỏ, cánh hình vỏ
trai, vảy chân sáng mịn vàng trắng như hạt đậu nành, lưng vuông dài, đuôi đầy đặn
và úp như hình nơm, dáng đi uy nghi oai vệ, tiếng gáy vang dội, thân mình chắc
nịch...
Vì vậy, từ xưa gà Hồ đã được xem là biểu tượng cho người
quân tử với 5 đức tính: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Sách “Dư địa chí Bắc Ninh”
ghi: “Xã này thờ thần, lấy gà làm giống quý… con to nặng 12 đến 13 cân ta, con
bé không dưới 8 đến 9 cân ta”.
Cuối tháng 2/2023, làng Lạc Thổ đã hoàn tất việc tái thiết
Văn chỉ. Hệ thống Văn bia được làng coi như báu vật. Từ các Văn chỉ này đối chiếu
với hệ thống Văn bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám, giới nghiên cứu khẳng định Lạc
Thổ có 7 vị đại khoa, trên 50 người đỗ Cử nhân, Tú tài - xứng đáng là vùng đất
học tiêu biểu của xứ Kinh Bắc xưa.
Nguồn: Giáo dục và Thời đại