Dân gian Việt truyền tai nhau rằng ông Táo về chầu trời bằng cá chép nên hằng năm đến ngày này phải mua cá chép để đưa ông Táo về trời, nếu không mua được cá sống thì cũng phải có cá giấy. Vậy lễ cúng ông Công ông Táo và cách cúng ông Táo ngày thường sẽ như thế nào, vì sao lại như vậy?
Tục tiễn ông Táo, ông Công thường gắn liền với hình tượng cá chép đưa về trời
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với TS Trần Long, trưởng bộ môn Văn Hóa trường ĐHKHXH&NV về lễ cúng ông Công ông Táo và cách cúng ông Táo ngày thường. Theo TS Trần Long - Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, sở dĩ dân gian lưu truyền ông Công ông Táo cưỡi cá chép về chầu trời là do xuất phát từ truyền thuyết cá chép hóa rồng.
Truyện kể rằng, cá chép khi muốn trở thành con rồng phải qua 3 kỳ thi, mỗi kỳ là một đợt sóng, yêu cầu phải đủ tài, đủ sức mới vượt qua được cả 3 và cứ qua mỗi kỳ thi thì sẽ lên gần trời hơn một chút. Bài thứ nhất là phải búng đuôi qua một cái thác cao, hiểm trở.
Khi cá chép búng qua được thì đuôi thay đổi, có sức mạnh hơn. Qua bài thứ hai, sóng gió mưa dữ dội hơn nhưng cá chép vẫn vượt qua. Lúc này, một nửa mình cá chép đã hóa rồng. Sau khi búng qua được bài thi thứ ba thì toàn thân cá chép hóa thành rồng.
Giá cá chép đỏ trong ngày đưa ông Táo về trời dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/con
|
Dân gian ta tin rằng cá chép hóa rồng là biểu tượng của sự an lành và sung túc, thịnh vượng. Về đường công danh, cá chép hóa rồng cũng là biểu tượng của sự thăng tiến, may mắn.
Do đó, ông Táo cưỡi cá chép còn thể hiện mong ước của nhân dân về sự thay đổi, những điều tốt đẹp. Đó là mơ ước ngàn đời của con người, tất cả các truyện dân gian tốt đẹp đều được lên trời. Dân gian tin rằng cưỡi cá chép thì mọi chuyện mới thăng hoa, thăng tiến được.
“Ông Táo chăm chút chuyện bếp núc trong gia đình, biết hết mọi chuyện trong cả năm với gia đình. Nhưng dân gian ai cũng muốn ông Táo báo cáo cái tốt nên phải có bữa tiệc tiễn ông đi, đó là niềm tin tín ngưỡng của người Việt”, TS Trần Long chia sẻ.
Theo ông, ngày xưa ở các làng quê thường có cây cổ thụ là nơi để người dân gửi gắm bát nhang, tượng, tranh của các ông thần đã cũ. Người dân không dám để lung tung vì sợ ô uế, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống. Ngày nay, không còn hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, một số người khi đi thả cá chép lại quăng luôn cả lư hương, bàn thờ xuống sông, rạch gây ô nhiễm mỗi trường.
Mâm cúng ông Táo
Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo, trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho biết, trong gia đình Việt, bếp núc rất quan trọng. Nghi thức cúng ông Táo ngoài ý nghĩa tâm linh còn nhắc nhở chúng ta chăm sóc căn nhà, để giữ hơi ấm gia đình.
Về mâm cúng ông Táo, ông Lộc cho biết, mâm cúng thường có các món truyền thống của người Việt như: gà luộc, xôi gấc, chân giò, trầu rượu, vàng mã và con cá chép sống đặt trong chậu nước. Hiện nay một số nhà vẫn dùng cá chép giấy.
Tùy vào sự chuẩn bị, mỗi gia đình có một cách bày trí mâm cúng ngày ông Công ông Táo khác nhau
|
Việc cúng tiễn ông Táo về trời phải được thực hiện trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, giờ đẹp nhất là từ 9 - 11 giờ. Tuy nhiên, ngày nay không phải ai cũng ở nhà làm nông mà còn bận các công việc ở ngoài nên thay vì cúng tiễn ông Táo vào trưa 23 tháng Chạp, người ta cúng đưa ông Táo trước từ đêm 22 tháng Chạp.
“Nếu cúng cá chép sống thì sau khi thắp hương, người ta sẽ mang cá ra sông, ao, hồ gần nhà để thả. Việc thả cá chép sống vừa mang ý nghĩa đưa ông Táo về trời, vừa mang ý nghĩa cuối năm làm nhiều việc thiện, phóng sinh. Một số nơi, trong lễ vật cúng sẽ có mũ Táo Quân 3 chiếc: 2 chiếc mũ đàn ông và 1 chiếc mũ đàn bà”, TS Lộc thông tin.
Nhà nghiên cứu văn hóa, phong tục nổi tiếng Nhất Thanh trong công trình nghiên cứu về phong tục cũng có một phát hiện thú vị trong Đất lề quê thói được xuất bản ở miền Nam vào 1968 rằng: “Ngày 23 tháng Chạp, người ta mua vàng mũ hia mới về để thờ và đốt những thứ cũ từ năm trước khi. Như vậy, ông Công chỉ dùng toàn đồ cũ? Khác với các vị thần được người ta cũng vàng mũ mới, đốt ngay khi lễ xong. Đã có nhà văn làm thơ hài hước “Đội mũ đi hia chẳng mặc quần” vì đồ cúng ông Công không bao giờ có quần”.
Nguồn : Thanh Niên