Đền Vua Bà thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, thờ phụng nữ thần là Bạch Vân Tiên tử, hạ phàm ở đất Xuân Lai. Hội đền Bà được tổ chức vào mùng 4 tháng Giêng hàng năm. Hội chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng việc chuẩn bị thường tiến hành từ trong năm.
Nghi lễ và trò chơi kéo co được thực hành rộng rãi trong văn
hóa trồng lúa ở Đông và Đông Nam Á, với mong ước cho mưa thuận, gió hòa, mùa
màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ
lực trồng cấy. “Nghi lễ và trò chơi kéo co” được tổ chức trên toàn quốc hoặc
trong các vùng nhất định tùy vào mỗi quốc gia thành viên.
Ở Campuchia, di sản được thực hành thường xuyên bởi các cộng
đồng trồng lúa nằm xung quanh Hồ lớn (Great Lake) của Biển Hồ Tonle Sap và khu
vực phía bắc Angkor, di sản thế giới được nhiều người biết đến.
Ở Philippines, có Hapao Proper, Nungulunan và Baang nằm ở
trung tâm thị trấn Hungduan, thành phố của Ifugao (có ranh giới phía tây bắc là
tỉnh Mountain và phía tây nam là Benguet) thực hành kéo co. Ba barangays này của
Hungduan nổi bật với những ruộng bậc thang rộng ngút ngàn, được ngăn bằng các vỉa
đá.
Ở Hàn Quốc, hầu hết các thị trấn ở các vùng nông nghiệp đều
tổ chức Nghi lễ và trò chơi kéo co, đặc biệt phổ biến ở các vùng đồng bằng rộng
và bằng phẳng ở phía tây nam của bán đảo Hàn Quốc.
Các địa bàn nổi tiếng về Nghi lễ và trò chơi kéo co gồm có:
các khu vực nông nghiệp của Dangjin, Namhae, Milyang, và Uiryeong, Changnyeong
cũng như các khu vực nửa nông nghiệp và nửa ngư nghiệp ở Samcheok.
Ở Việt Nam, “Nghi lễ và trò chơi kéo co” tập trung hầu hết ở
vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ - đây là vùng đất tụ cư lâu
đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước, với trung tâm là
thành phố Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.
Di sản cũng được thực hành thường xuyên ở miền núi phía Bắc
Việt Nam trong các nghi lễ của như người Tày, người Thái và người Giáy tỉnh Lào
Cai, vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử.
Ngày 19/12/2014, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Hà Nội đã được
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc
gia tại quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL với 02 di sản tiêu biểu là:
- Kéo co ngồi, đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long
Biên.
- Kéo mỏ, đền Vua Bà, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc
Sơn
Kéo mỏ là một trong bốn trò chơi mang tính nghi lễ đặc sắc
trong lễ hội đền Vua Bà ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, thành phố
Hà Nội. Hội được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Giêng âm lịch. Sau các nghi thức
tế lễ có 4 trò trình diễn luôn được thực hành gồm: Chạy thi lấy nước nấu cơm;
Chạy cờ, Kéo mỏ và Vật thờ.
Đền Vua Bà được xây dựng cách đây khoảng 600 năm. Ngày xưa
khi xây dựng đền dân cư còn ít và nghèo nên đền chỉ được làm nhỏ, sau này được
dân làng tôn tạo nên đền rộng hơn, lớn hơn lên. Trước đây đền được xây dựng
quay ra hướng Đông Bắc, là ngôi đền rất thiêng nên khi đến tai Mạc Đăng Dung,
nhà vua đã sai quân về quay lại hướng đền thành hướng Đông Nam.
Ngôi đền đã được sửa chữa nhiều lần và lần cuối cùng được sửa
là vào thời “giặc Biều” đi qua vùng đất Xuân Lai, hương lý ở thôn không lo được
bữa ăn cho quân nên ông đã đốt đền. Sau khi đền bị đốt toàn dân Xuân Lai đóng
góp xây dựng lại ngôi đền, đền gồm 5 gian, lợp ngói[1].
Về nhân vật được thờ trong đền thì người trong làng không
còn nhớ được, chỉ biết rằng trong các bài văn tế của đền đều viết là thờ đức
Vua Bà. Có người cho rằng Vua Bà có tên là Bạch Vân tiên nữ giáng xuống vùng đất
Xuân Lai nên người dân Xuân Lai lập đền thờ, cũng có người cho rằng Vua Bà tên
là Hòa là vợ của một vị vua vì có công với nước nên được dân làng thờ, chính vì
vậy mà đến bây giờ khi ra đền mọi người đều tránh nhắc đến từ “Hòa”[2].
Đền Vua Bà thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn
Hội đền Bà được tổ chức vào mùng 4 tháng Giêng hàng năm. Hội
chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng công tác chuẩn bị thường tiến hành từ trong năm.
Ngày xưa khi còn gọi là làng Sải thì làng chia thành 4 xôn:
xôn Hậu, xôn Trung, xôn Bi, xôn Tuyền, trong đó xôn Hậu là xôn thường trực[3].
Trước khi tổ chức hội, xôn Hậu phải cử quan đám đi mời 3 xôn còn lại.
Nếu là công việc của làng thì quan đám (quan đám là người
gánh vác công việc của đình) phải đi mời, còn nếu là hội ở đền Bà thì cụ từ phải
đến từng xôn để mời, trước khi đến các xôn phải chuẩn bị cỗ đưa thư (cỗ này gồm
có bỏng và hoa quả). Tục lệ đi mời các xôn hay đi mời các thôn dưới có từ ngày
xưa, đây được coi là nguyên tắc không thể bỏ.
Trong dịp lễ hội, ở đền treo một lá cờ mà các cụ thường gọi
là “cờ đầu”. Tương truyền đây là lá cờ do nhà vua ban cho làng Xuân Lai. Lá cờ
có hình bình hành, màu trắng, được thêu rồng và nhạn. Lá cờ qua thời gian đã bị
hỏng nên dân làng đã may lại một lá cờ giống như cũ để treo vào dịp hội đền. Hiện
nay do người dân cung tiến nên ở đình và đền đều có lá cờ này.
Thường thì 25 tháng Chạp khi các cụ làm lễ bao sái ở đền
xong sẽ làm lễ trình xin với Thánh để được treo cờ lên. Sau khi hết hội (ngày
mùng 4) các cụ tiến hành hạ cờ, khi hạ cờ thì phải làm lễ tạ. Lá cờ hạ xuống
không phải giặt, thường được các cụ gập lại cất vào tủ của nhà đền.
Hiện nay, Xuân Lai có 24 xóm. Đến ngày hội, cả 24 xóm đều rước
kiệu lên đền. Trên kiệu là những lễ vật dâng lên Vua Bà. Lễ vật không thay đổi
qua năm, thường là xôi, gà, hoa quả, hương, trầu cau, vàng mã. Người khiêng kiệu
là những thanh niên trong xóm chưa vợ, gia đình êm ấm, bố mẹ song toàn.
Xóm Khởi Đông trong hội đền có vị trí quan trọng đặc biệt,
là xóm đầu tiên dâng lễ vật lên thánh. Quy định của làng là mọi công to việc lớn
xóm Khởi Đông đều được làm trước.
Sáng mùng 4 tháng Giêng các cụ sở tại tập trung đón các cụ ở
đình dưới lên, sau đó mở hội, tiến hành dâng lễ và họp để bầu ra Chủ tế và Đài
cái cho đội tế buổi chiều. Buổi chiều ngày mùng 4, vào lúc 2 giờ các cụ hương
lão tiến hành tế thần. Lễ vật để dâng lên tế phải có rượu, 3 bát cơm và 3 con
cá chép rán.
Sau các nghi lễ thì bắt đầu tổ chức trò diễn. Đầu tiên là
Thi lấy nước nấu cơm. Người thi phải chạy một quãng đường khoảng 100m (trước là
800m) để lấy 1 chai nước mưa. Những người
tham gia trò chơi này đều là thanh niên, chạy giỏi, khỏe mạnh.
Nước lấy về phải đem về trình trước hương án rồi dùng nước
đó để nấu cơm. Gạo sử dụng trong việc nấu cơm thi là gạo do người dân trong
làng góp vào, mỗi gia đình thường góp khoảng 1 bát. Một đội nấu cơm thường có 5
người (1 người kéo lửa, 3 người cầm đuốc để nấu cơm và 1 người quan sát) do xóm
bầu ra. Cơm sau khi nấu chín được dâng lên trình ngài, sau đó ban tổ chức sẽ chấm
điểm.
Sau trò nấu cơm sẽ diễn ra trò Cướp cờ. Phần thi này thường
chọn ra 5 thanh niên trai tráng trong làng, khỏe mạnh, chạy giỏi, bố mẹ song
toàn. Cây cờ được cắm ở ngoài, có 1 lá cờ cắm ở đầu và ở dưới có 4 thẻ, ai chạy
đến trước sẽ lấy được cờ, người đến sau chỉ lấy được thẻ.
Kéo mỏ là trò diễn thứ ba. Việc kéo mỏ từ trước đến nay đều
diễn ra ở sân đền. Ý nghĩa của việc kéo mỏ là để cầu mong mùa màng thắng lợi.
Trò diễn cuối cùng diễn ra trong lễ hội là trò Vật thờ. Vật
thờ gồm có 8 động tác. Người biểu diễn thường được đào tạo từ năm 14 tuổi, đến
năm 19 tuổi. Làng thường đào tạo 3 cặp để có thể thay đổi khi cần thiết. Những
người được chọn làm đô vật phải là những thanh niên khỏe mạnh, bố mẹ song toàn,
không vướng tang, và phải là những người trong thôn.
Mỏ được làm từ tre. Tre thường do các gia đình cung tiến.
Tre phải là tre bánh tẻ, có màu xanh biếc, đủ ngọn đủ lá không được cộc, trong
thân cây tre không được có tổ kiến, thưa đốt, dài từ 7-8m. Gần ngày hội, gia
đình nào muốn cung tiến tre thì báo với cụ Từ hoặc Trưởng Ban Khánh tiết. Năm
nào có nhiều gia đình cung tiến thì chọn hai gia đình đến trước, mỗi gia đình lấy
một cây.
Ban Khánh tiết sẽ chọn người đi chặt tre. Hai cụ được chọn
đi chặt tre phải là người song toàn (còn cả ông cả bà). Tre chặt về sân đền được
đặt dọc trước cửa, ngọn hướng vào cửa đền, gốc quay ra ngoài, mọi người không
được bước qua cây tre. Cụ Từ làm lễ kính báo với Đức Thánh Bà gia đình đã cung
tiến tre, tre đã được chặt về và xin phép được làm mỏ kéo.
Thường khoảng ngày 29, 30 Tết mới tiến hành làm mỏ. 2 cây
tre dài được nối với nhau bằng cách đập dập 2 ngọn tre buộc ngoắc vào nhau, các
đốt tre được tính để vào chữ Thịnh hoặc chữ Thái theo chu kỳ Thịnh - Suy - Bựu
(Bĩ) - Thái.
Lạt để buộc ở phần móc giữa hai cây tre (mỗi bên 3 lạt) thường
lấy từ một nhánh nhỏ của cây tre khác, nhánh này phải mập, có màu trắng, có độ
dẻo. Sau hội, mỏ lại được các cụ treo lên trên hiên đền, sang năm mới, khi có mỏ
mới, mỏ cũ mới được đem đi dùng vào việc khác.
Trọng tài phát cờ lệnh bắt đầu thi đấu
Sau khi làm lễ trình Thánh, nghi lễ Kéo mỏ được tổ chức với
sự tham gia của các đội, mỗi đội 7 người hoặc 9 người tùy từng năm. Số người
trong đội luôn là số lẻ, không được là số chẵn.
Mỗi đội có một đội trưởng và một người hướng dẫn kỹ thuật -
thường là một người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm tham gia kéo mỏ trước đây, hướng
dẫn và hô hiệu lệnh cho đội trong quá trình tham gia kéo mỏ để đảm bảo thắng lợi.
Khi thi đấu Ban tổ chức thường kẻ 3 điểm vạch: 1 vạch trung
tâm và 2 vạch thắng thua, nếu bên này sang bên kia 50 phân là thua. Kéo mỏ thường
được kéo 3 hiệp, trong đó hiệp đầu gọi là kéo “Dẹp đám”, hai hiệp sau để người
dân xem rồi tự dự đoán mùa màng trong năm, ban tổ chức tuyên bố đồng giải,
không chấm thắng thua giữa các đội.
Thông thường đằng trong thắng thì đại đa số sẽ được mùa, mưa
thuận gió hòa. Đằng ngoài thắng thì chỉ được mùa đỗ trắng (cây đậu trắng), các
thứ khác đều kém[4].
Kéo mỏ trong hội đền Vua Bà ở Xuân Lai là một trò diễn nghi
lễ mang ý nghĩa tâm linh được người dân thực hiện một cách nghiêm túc và thành
kính, thể hiện tín ngưỡng của cộng đồng với vị Thánh mà họ phụng thờ, đồng thời
mong ước cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Kéo mỏ trong lễ hội đền Vua Bà
Năm 2015, hồ sơ đa quốc gia Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt
Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines trở thành Di sản văn hoá phi vật thể đại
diện của nhân loại (trong đó có Kéo mỏ tại lễ hội đền Vua Bà).
[1] “Ba Biều là một tướng của Đề Thám, sau khi bị giặc Pháp
tấn công ngày 22-7-1909, Ba Biều đã mở đường thoát bằng cách đem quân đánh chiếm
làng Xuân Lai”. Nguồn
http://leminhquoc.vn/lmq/van-xuoi/truyen-lich-su/759-tuong-quan-hoang-hoa-tham.html?start=13
[2] Theo băng phỏng vấn ông Nguyễn Văn Dong sinh năm 1934 ở
thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn.
[3] Sau này 4 xôn hợp lại thành làng Xuân Lai và chia thành
các xóm. Xôn Tuyền là 4 xóm (Đông, Cả Dưới, Cả Cây Đa, Ba Ngoài), Xôn Bi là 3
xóm (Cả Dưới Đê, Mọn, Ba), Xôn Trung là 3 xóm (Cây Hương, Cạnh, Cả Giữa) và Xôn
Hậu chia thành 3 xóm (Giữa, Cạnh, Đá).
[4] Các cụ quy định: đội đằng trong là đội đứng ở hướng Nam,
đội đằng ngoài đứng ở hướng Bắc. Để quyết định đội nào là đội đằng trong, đội
nào là đội đằng ngoài cần phải tiến hành bốc phiếu.