Ông Táo, ông Công là một phong tục tín ngưỡng lâu đời vẫn được duy trì cho đến hôm nay. Vậy có khi nào bạn thắc mắc nên đặt mâm cúng ông Công, ông Táo ở đâu hay chưa? Tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Theo nhân gian lưu truyền, ông Công, ông Táo hay gọi là Táo Quân thường được cúng vào ngày 23 tháng 12 âm lịch hằng năm. Đây là ngày ông Táo về chầu trời, báo cáo một năm ở nhân gian, gia đình gia chủ trong năm qua như thế nào.
1. Phong tục cúng ông Công, ông Táo
Ngày 23 tháng chạp là ngày đầu tiên trong chuỗi hoạt động chào mừng một mùa Tết nhộn nhịp tưng bừng cho đến rằm tháng giêng. Sau ngày cúng ông Công, ông Táo, nhà nhà sẽ dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng mọi thứ chuẩn bị đón Tết. Và theo quan niệm của người xưa, nhà có yên ổn, gia chủ có mạnh khỏe hay không là do cái bếp, bởi đó là nơi giữ lửa trong nhà. Ông Táo lúc nào cũng ở trong bếp nên sẽ biết hầu hết chuyện gia chủ. Khi ông Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng, do đó, ai cũng muốn ông Táo nói tốt về những việc làm trong năm để Ngọc Hoàng ban lộc và tránh quở trách.
2. Mâm cúng ông Táo, ông Công đặt ở đâu?
Tùy vào phong tục từng miền, cũng như quan niệm từng vùng nên mâm lễ cúng ông Táo, ông Công có phần khác nhau. Mâm cỗ cúng ông Táo luôn đầy ắp màu sắc, với mong muốn một năm sung túc. Ông Táo gắn liền với bếp lửa, do đó, theo TS. Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, “bàn thờ ông Táo đặt trong bếp có thể bên cạnh hoặc trên bếp thể hiện tín ngưỡng của dân gian thờ vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình với mong muốn giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình thuận hòa, sung túc”.
Bàn thờ ở bếp được xem như là nơi ngự của ông Công, ông Táo. Còn mâm cúng thì theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương và Mai Văn Sinh cho biết “Trong lễ cúng ông Công ông Táo, nếu nhà bạn có bàn thờ Táo quân thì thắp hương ở bàn thờ này. Nếu không có bàn thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở bàn thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp vì từ xưa đến nay, ban thờ luôn được coi là ăng ten để giao tiếp giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần thế và thần linh.”
Bếp được coi là nơi chế biến thực phẩm, nên khu vực này thường không trang trọng như bàn thờ gia tiên, rất không phù hợp với việc cúng tế. Do đó, bạn nên đặt mâm cỗ ở bàn thờ ông Táo hoặc bàn thờ gia tiên nhé!
Còn nữa, khi thắp hương cúng bạn nên lấy 1 cốc gạo và cắm nhang vào bên cạnh mâm cúng. Vậy liệu mâm cúng ông Công, ông Táo có gì?
Khi mọi thứ càng được đơn giản hóa, thì mâm cúng ông Công ông Táo cũng vậy, mâm cúng có thể là mâm mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hoặc mâm chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) Còn theo truyền thống ngày xưa mâm cúng bao gồm 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Hi vọng bài viết đã cung cấp thêm cho bạn các thông tin bổ ích cho giải đáp những thắc mắc của bạn về mâm cúng cũng như cách đặt mâm cúng ở đâu là hợp lý. Chúc bạn có một mùa Tết thật vui nhé!