Từ trung tâm thành phố Việt Trì chỉ mất khoảng 10-15 phút chạy xe là tới làng cổ Hùng Lô, vùng đất thơ mộng mênh mang huyền thoại nằm bên dòng Lô giang với nhiều di tích gắn liền với thời kỳ Hùng Vương. Đến đây, mỗi người sẽ tìm được những trải nghiệm yên bình, cảm nhận truyền thống văn hóa lâu đời mang đậm chất quê, hồn Việt qua những lễ hội, loại hình văn nghệ dân gian, nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, nếp sống… đã trở thành hồn cốt, bản sắc đặc trưng đời sống văn hóa cũng như
Quần thể di tích Đình Hùng Lô.
Đất xưa, đình cổ…
Hùng Lô là vùng đất trù phú nằm bên dòng Lô giang trong địa hạt kinh đô Văn Lang, xưa có tên gọi là Khả Lãm Trang, sau đổi thành làng An Lão. Qua nhiều thời kỳ, làng có tên: Trang Khả Lãm, Làng Xốm, Làng An Lãm, Làng An Lão, rồi sau Cách mạng Tháng tám năm 1945 đổi tên thành xã Hùng Lô cho đến nay. Tương truyền, đây vốn là nơi Vua Hùng cùng công chúa và các quần thần dừng chân nghỉ ngơi trong một chuyến du ngoạn. Vua thấy nơi này trù phú, cây cối tốt tươi, lại có khí thiêng từ lòng đất bốc lên nên cho đây là chốn địa linh. Sau này, dân làng đã dựng Miếu thờ Vua Hùng để đời đời nhớ ơn Vương tổ. Đến thời vua Lê Hy Tông, đình bắt đầu được xây dựng, hướng về núi Nghĩa Lĩnh.
Có vị trí địa lý thuận lợi, Kẻ Xốm xưa sớm đã hình thành trung tâm buôn bán sầm uất. Dấu ấn văn hoá của thời kỳ dựng nước còn lưu lại trên mảnh đất này qua các di sản từ những giai đoạn đồ đá, thời kỳ đồ đồng như cuốc đá, rìu đá, mũi tên đồng, búa đồng… Trải qua nhiều thế kỷ, dâu bể thời gian, những tập tục, nếp làng từ xưa đến nay vẫn luôn được người dân Hùng Lô gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đến nay, mái Đình Hùng Lô vẫn bề thế, vững chãi, mái ngói rêu phong nhuốm màu thời gian. Với sự giàu có về giá trị kiến trúc và ý nghĩa lịch sử, quần thể Di tích Đình Hùng Lô khiến cho mỗi du khách đều trầm trồ, thích thú mỗi khi có dịp về thăm quan, trải nghiệm. Đặc biệt hơn nữa, nếu đến với Đình Hùng Lô trong những dịp lễ hội, du khách sẽ được chứng kiến lễ rước kiệu quy mô rất hoành tráng của trên 200 nam trung đồng phục thống nhất, gọn gàng, mỗi người đều mang theo biểu tượng vũ khí đi đến đâu trống giong cờ mở, tiền hô hậu ủng náo động cả một vùng. Lễ hội làng Xốm đã có truyền thống lâu đời, mỗi năm tổ chức hai lần vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch và lễ tiệc Thánh hóa vào ngày 12/9 âm lịch. Nhưng lớn nhất vẫn là lễ rước kiệu, dâng lễ vật về Đền Hùng vào ngày Giỗ Tổ. Với nghi lễ rước kiệu của xã Hùng Lô cùng với sự lưu giữ các đồ thờ, cúng tại đình làng thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, nhất là di sản gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đầu năm 2022, Lễ hội truyền thống Đình Hùng Lô được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Học sinh thành phố Việt Trì trải nghiệm hát Xoan tại Đình Hùng Lô.
Làm nên vẻ cổ kính kỳ diệu của làng cổ Hùng Lô, ngoài đình cổ còn phải kể đến những ngôi nhà cổ. Hiện nay trên địa bàn xã còn lưu giữ được khoảng 50 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại từ 100 năm tuổi trở lên, với kiến trúc độc đáo mang nét đẹp văn hoá của nền văn minh nông nghiệp, cùng với cảnh quan ven sông, đời sống sinh hoạt chợ quê, hoạt động làng nghề… là những điều kiện thuận lợi phát triển sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng phục vụ khách tham quan du lịch trải nghiệm.
...chuyển mình vươn lên
Luôn mang lại trải nghiệm mới lạ trong không gian cổ kính, yên bình quen thuộc, về Hùng Lô trong những ngày này, ai ai cũng phấn khởi bởi không khí sôi động, rộn ràng của những ngày cận kề Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng- Giỗ Tổ trải khắp không gian làng cổ. Điều đặc biệt hấp dẫn là ngoài vẻ đẹp cổ kính cùng các giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, Hùng Lô hiện nay còn là một trong những xã đi đầu của thành phố Việt Trì trong việc phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống lâu đời để vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều năm nay, phát huy thế mạnh vị trí đất ven đô, giao thương thuận lợi, người dân nơi đây đã mở mang, phát triển ngành nghề, tạo cho người kẻ Xốm có phong cách năng động, sáng tạo, mở rộng giao lưu, hình thành các nghề truyền thống làm bánh đa, bánh đúc, bánh chưng, bánh gai, mì miến, kẹo lạc, kẹo vừng... Qua bàn tay khéo léo của người dân quê, nông sản làm ra đã trở thành hàng hoá có giá trị kinh tế cao, một phần bày bán ở chợ quê, phần nhiều được xuất bán tới các địa phương trong và ngoài tỉnh. Để phát huy lợi thế vốn có, địa phương duy trì phát triển nông nghiệp đô thị, cận đô thị. Trong đó, chú trọng duy trì và phát triển mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như cá lồng, dưa lưới, thanh long và tiếp tục phối hợp triển khai mô hình nông nghiệp trải nghiệm tại xã Hùng Lô. UBND xã tiếp tục chỉ đạo HTX Mì gạo Hùng Lô hoạt động hiệu quả trên cơ sở làng nghề chế biến nông sản thực phẩm của địa phương. Đến nay, mỗi ngày trung bình HTX sản xuất và tiêu thụ gần một tấn mì, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 14 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 28 lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề bánh chưng, bánh giầy tiếp tục phát triển, tạo được uy tín trong thị trường đem lại thu nhập và tạo việc làm cho nhân dân trên địa bàn. Tháng 12 năm 2022, sản phẩm mì dinh dưỡng vị rau ngót Tuyết Lan và Du lịch cộng đồng Hùng Lô đạt sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Phú Thọ, từng bước tạo dựng uy tín trên thị trường.
HTX Mì gạo Hùng Lô hoạt động hiệu quả trên cơ sở làng nghề chế biến nông sản thực phẩm của địa phương.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự chỉ đạo của Đảng ủy, sự hỗ trợ của chính quyền, sự phối hợp vào cuộc của các Ban, ngành, đoàn thể và nhân dân xã Hùng Lô, Du lịch cộng đồng và trải nghiệm xã Hùng Lô đã có những bước phát triển nhanh, trở thành một trong những điểm du lịch trọng tâm của thành phố và của tỉnh với tiềm năng, thế mạnh của quần thể di tích Đình Hùng Lô, các làng nghề truyền thống và tiềm năng thế mạnh về nhà cổ. Chỉ tính riêng quý I năm 2023, điểm du lịch xã Hùng Lô đón 108 đoàn khách trong nước với 5.462 lượt khách, 6 đoàn khách quốc tế với 109 lượt khách.
Đồng chí Nguyễn Hữu Ích- Chủ tịch UBND xã Hùng Lô cho biết: Để dịch vụ du lịch trên địa bàn xã phát triển, xã tập trung tăng cường tuyên truyền quảng bá thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư nghiên cứu xây dựng loại hình du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng, du lịch homestay, du lịch cộng đồng. Nâng cao nhận thức của nhân dân về việc phát triển du lịch; duy trì Lễ hội rước kiệu, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; đồng thời tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng, các trò chơi dân gian, hát Xoan làng cổ tại Đình Hùng Lô; kết hợp với các hoạt động trải nghiệm các làng nghề thủ công truyền thống, tham quan nhà cổ và trải nghiệm ẩm thực đặc sắc của địa phương... Nhờ đó, kinh tế ở địa phương ngày càng phát triển. Tổng thu ngân sách trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025 đạt 48,111 tỷ đồng, đạt 96,2% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,5%.
Kinh tế phát triển, làng lẫn trong phố, phố xen giữa làng nhưng Hùng Lô vẫn giữ được nền nếp ông cha xưa với những phong tục thuần hậu, nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Phong cách sống, lối ứng xử hòa nhã, văn minh, ấm áp đặc trưng của người dân địa phương, tạo cho du khách thập phương ấn tượng đẹp, thêm cảm mến, yêu con người, yêu mảnh đất nơi đây. Làng cổ xưa đang vươn mình trong diện mạo mới, tự hào với trách nhiệm là nơi gắn kết cộng đồng hướng về nguồn cội, góp phần xây dựng, lan toả giá trị di sản văn hóa “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” trường tồn với thời gian.
Theo Báo Phú Thọ