VĨNH LONGTrên cánh đồng xanh rì trong nắng trưa, người nông dân Vũng Liêm thu hoạch và phơi cói như những nghệ sĩ thực thụ.
Cánh đồng cói xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, được trồng ngay ngắn khi nhìn từ trên cao. Phía xa là ruộng lúa chín vàng, sắp vào vụ thu hoạch.
Bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Lương Nguyễn Anh Trung thực hiện vào tháng 2/2020.
Cói hay lác là một trong những loại cây phổ biến ở vùng đất ngập nước ngọt. Từ lâu, cói đã được sử dụng rộng rãi, thân thiện với môi trường vì có thể làm chiếu, đồ thủ công mỹ nghệ, giỏ xách thay cho túi nilon.
Xã Trung Thành Đông được coi là "thủ phủ" cói của Vĩnh Liêm, với diện tích trồng hơn 200 ha trên 300 ha của cả huyện. Ngoài ra, loại cây này cũng được trồng tại các xã Thanh Bình, Trung Thành Tây, Trung Ngãi.
Theo anh Trung, cói được trồng quanh năm, dọc sông Cổ Chiên là những cánh đồng xanh ngắt, khung cảnh ấn tượng hơn khi hòa cùng màu vàng của lúa chín.
Giống cói ở đây có thân tròn, cứng và dài hơn cói mọc hoang. Tuy chỉ cần trồng một lần nhưng cói cũng được bón phân định kỳ, xịt thuốc như trồng lúa. Cách 4 - 5 tháng sẽ thu hoạch một lần, phụ thuộc vào độ cao của cây, thường là 1,8 m.
Những luống cói xanh, xen kẽ cùng luống dừa và lúa chín tạo nên bức tranh nhiều màu sắc khi nhìn từ trên cao. Hơn 20 năm trước, thay vì mọc hoang dại, cói chính thức được người nông dân trồng rộng rãi, thay cho lúa nước truyền thống tại huyện Vũng Liêm. Cây cói dễ trồng, không kén đất và có thể thích ứng với điều kiện hạn, mặn. Một năm, cói có thể thu hoạch 3 - 4 vụ.
Người dân thu hoạch cói tươi thường ra đồng từ rất sớm để kịp phơi khi trời nắng. Thu hoạch cói gồm nhiều công đoạn như cắt cói tươi, chẻ cói, chặt gốc, phơi và buộc nên cần nhiều nhân công. Người dân có thể giúp đỡ nhau làm cho từng hộ hoặc thuê nhân công. Mỗi mùa thu hoạch kéo dài khoảng một tháng, một công có năng suất trung bình 1,2 - 1,6 tấn mỗi vụ. Sau đó người dân tiến hành nhổ cỏ.
Những bó cói mềm uốn lượn theo từng nhịp tay uyển chuyển.
Sau khi buộc cói thành từng cọng, người dân giũ cói để rơi phần rác, những cọng ngắn và ngả vàng. Phát và giũ là công việc đòi hỏi sức khỏe tốt, nên thường do nam giới làm.
Một người dùng rựa chuyên dụng để cắt gốc cói, trước khi khi chẻ nhỏ.
Những cọng cói bung xòe như những dải quạt xanh.
Cói sau khi chẻ nhỏ được phơi luôn trên ruộng. Phơi cói khô ngọn là công đoạn quan trọng, thường mất một đến 2 ngày nắng. Cói sau khi phơi khô sẽ được vận chuyển về nhà hoặc có thương lái mua tận nơi. Cói khô loại I được bán với giá 15.000 - 16.000 đồng một kg. Cói loại II, III có giá 9.000 - 11.000 đồng.
Những "bông hoa" cói được phơi bên cạnh đồng rực rỡ trong nắng trưa. Tác giả chia sẻ, để thực hiện bộ ảnh, anh phải dậy sớm từ 2 - 3 giờ sáng rồi dầm nắng giữa trưa để chụp được ảnh phơi cói khi mặt trời mọc trên đỉnh đầu.
Trẻ em theo cha mẹ ra đồng cói.
Không chỉ những cánh đồng xanh mướt, nhịp sống yên bình nơi làng quê và sự chất phác của người nông dân miền tây là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhiếp ảnh gia.
Cuối tháng 12/2019, Sở VHTTDL tổ chức khảo sát về tiềm năng du lịch huyện Vĩnh Liêm và thống nhất nơi đây có đầy đủ điều kiện để làm điểm đến mới, hấp dẫn trên địa bàn tỉnh. Ngoài du lịch sinh thái sông, thăm quan các vườn cây trái, làng nghề ở cù lao Dài, du khách có thể tham quan những di tích văn hóa, lịch sử như chùa Hạnh Phúc Tăng, đền thờ Chu Văn Tiếp...
Phút nghỉ ngơi của người nông dân trên đồng cói.
Cói được chẻ ngay khi còn tươi vì khi héo sẽ khó làm. Công đoạn này cần sử dụng máy chuyên dụng và 2 người làm. Những chiếc máy thô sơ, tự chế cho năng suất gấp 5 lần so với làm bằng tay.
Sau chuyến đi, điều anh Trung ấn tượng nhất về con người nơi đây là sự thân thiện, mến khách. Khi chụp, người dân luôn hỗ trợ và hỏi thăm anh. "Dù công việc cực khổ, dãi nắng dầm sương nhưng trên môi họ luôn nở nụ cười. Họ trò chuyện với tôi rằng, chụp ảnh để bà con thành phố biết tụi anh cực lắm nhưng lúc nào cũng vui", anh nói.
Lan Hương
Ảnh: Lương Nguyễn Anh Trung