Gân đây, hồ Tà Đùng (ở Đắk Nông) trở thành địa điểm check-in mới nổi tiếng của dân mê xê dịch. Cảnh sắc tuyệt đẹp nơi đây được ví như ‘vịnh Hạ Long’ của núi rừng Tây nguyên.
Hồ Tà Đùng được ví như một tuyệt tác đẹp đến ngỡ ngàng. Giữa mênh mông biển nước là những quả đồi sừng sững như những hòn đảo nhỏ được kiến tạo từ đất đỏ bazan. Nhìn bao quát, du khách dễ ngỡ mình lạc giữa chốn mê cung trên cao nguyên với khung cảnh nên thơ.
Nên đi Tà Đùng khi nào?
Hiện nay, các tour được các công ty du lịch tổ chức đến hồ Tà Đùng – “vịnh Hạ Long” của núi rừng Tây nguyên khởi hành từ TP.HCM chủ yếu di chuyển bằng ô tô, vì trên đường đi thường ghé lại Madagui 1 ngày.
Nơi đây, mỗi năm được chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tùy theo mục đích đi du lịch mà bạn có thể sắp xếp thời gian đi vào thời điểm nào trong năm.
Tuyệt sắc của thiên nhiên
Nói vậy không có nghĩa trong mùa mưa bạn không thể đến Đắk Nông vì đặc điểm thời tiết, mưa thường xuất hiện vào buổi chiều tối. Mùa mưa nhưng ban ngày vẫn có nhiều ngày nắng, tiết trời mát mẻ, dễ chịu.
Đại diện Công ty Vietravel cho hay từ Tà Đùng Topview (một homestay có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp hùng vĩ của hồ Tà Đùng), du khách có thể thưởng thức bữa trưa cạnh hồ bơi vô cực, phóng tầm nhìn ôm trọn cảnh sắc tuyệt đẹp của cao nguyên hùng vĩ.
Điểm check-in nổi tiếng thời gian gần đây của giới mê xê dịch
“Hồ Tà Đùng mang một nét đẹp nguyên sơ hòa với sự hùng vĩ của thiên nhiên làm thoả mãn cả những khách lữ hành khó tính. Nơi đây không có gì tuyệt mỹ hơn với cảnh trời mây, sông nước, núi non, thiên nhiên hòa quyện, làm nền cho nhau tạo thành một bức tranh như thực như mơ. Các tour đi Đắk Nông 2 ngày của công ty với điểm dừng chân kèm theo là Khu du lịch rừng Madagui và thác Dambri thường được khởi hành vào dịp cuối tuần”, đại diện công ty chia sẻ.
Tham quan gì ở Đắk Nông?
Ngoài Tà Đùng, đến Đắk Nông du khách có thể tham quan làng nghề truyền thống Đắk Nia nằm cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa chưa đầy 10km. Đây là công trình lớn nhất và là làng nghề được xây dựng đầu tiên tại các tỉnh Tây nguyên.
Làng nghề được xây dựng với mục đích bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống, tạo công ăn việc làm cho con em các đồng bào dân tộc. Đồng thời, làng nghề cũng sẽ kết hợp tham quan du lịch, bán hàng lưu niệm và có thêm các hoạt động trải nghiệm như ngồi dệt thổ cẩm, đan lát... Qua đó, góp phần gìn giữ, giới thiệu, quảng bá hình ảnh bản sắc văn hóa địa phương và tạo ấn tượng đối với du khách.
Trên đường từ TP.HCM đi hồ Tà Đùng, du khách có thể ghé tham quan tại khu du lịch rừng Madagui
Ngoài ra, còn nhiều nghề truyền thống được lưu truyền đến ngày nay mà du khách có thể vừa tham quan vừa trải nghiệm như nghề: dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần ở Đắk Nông.
Từ lâu, người Mạ ở Đắk Nông đã biết tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong rừng như mây, tre, lồ ô, dây rừng để đan lát các vật dụng trong gia đình như gùi, nong nia, giỏ bắt cá, rổ rá, lồng nhốt gà... phục vụ đời sống sinh hoạt.
Ghé thăm khu du lịch Thác Dambri dọc đường đi
Với nghề làm rượu cần, du khách có thể tham quan tại khu vực xã Đắk Nia (TX.Gia Nghĩa). Điều đặc biệt là các sản phẩm chế biến hoàn toàn tự nhiên, từ việc làm men sử dụng vỏ, củ, rễ cây rừng đến dùng nguyên liệu chính là lúa, gạo, nếp, khoai mì, bắp... thu hoạch từ ruộng lúa, nương rẫy của đồng bào.
Các tour từ TP.HCM đi Tà Đùng của Công ty Vietravel thường là tour 2 ngày, 1 đêm có giá từ 890.000 đồng
Với sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ kết hợp với bí quyết riêng của mỗi gia đình đã tạo nên các hương vị đặc trưng góp phần tạo nên một sản phẩm văn hóa đầy sức hấp dẫn lạ kỳ của núi rừng Tây Nguyên. Chính vì vậy, rượu cần là thứ đồ uống quý thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội buôn làng, đám cưới và dành đãi khách.
Khám phá ẩm thực
Khi đi du lịch theo tour của các công ty, du khách thường được sắp xếp để dùng bữa ở những nhà hàng với món ăn đặc trưng vùng miền hoặc tại quán ăn có view đẹp.
Tuy nhiên, nếu bạn đi tự túc hoặc theo nhóm gia đình thì hãy tham khảo các món ăn dân dã mang đậm hương vị của núi rừng cũng chính là nét ẩm thực nổi bật của người bản địa như: rượu cần, cơm lam, thịt nướng và các món ăn được chế biến từ đặc sản của núi rừng như lẩu lá rừng, măng chua rừng, canh thụt, cà đắng, rượu cần...
Khác với thịt nướng ở miền xuôi, thịt nướng tại đây được cắt thành từng miếng to, nhỏ tùy ý, dùng tre nhọn xiên rồi nướng, đặc biệt thịt nướng không ướp gia vị, đồng bào cho rằng nướng không gia vị mới giữ được hương vị thơm ngon nguyên thủy của thịt.
Cách nướng này khá phổ biến và phù hợp với điều kiện sống cũng như sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người M’Nông ở Đắk Nông. Thưởng thức thịt nướng bằng cách chấm với các thức chấm dân dã làm từ muối, ớt giã với lá, củ nén hay ngò gai, sả.