BÀ RỊA - VŨNG TÀUKhối san hô trắng tinh, cao khoảng 8 m và rộng gần 6 m thuộc khu vực bảo tồn nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Côn Đảo.
Trong chuyến đi Côn Đảo cuối tháng 6, blogger Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử) được tham gia hành trình lặn biển, khám phá cột san hô khổng lồ ở khu vực Hòn Cau. Đây là cột san hô nguyên khối, có chiều ngang rộng khoảng 6 m, cao gần 8 m.
Hải An chia sẻ, cột san hô nằm sâu dưới mặt nước khoảng 4 m, có thể nhìn thấy một vầng trắng từ cano. Ngay sau khi lặn xuống nước, anh cảm thấy choáng ngợp khi lần đầu trông thấy cột san hô có kích thước lớn như vậy. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Cột san hô có màu trắng, trên bề mặt sần sùi như có hàng triệu mảnh vẩy cá. Vào ban ngày, ánh nắng chiếu xuống tạo những vệt lấp lánh trên bề mặt, càng làm khối san hô nổi bật giữa làn nước xanh thẳm.
Đây là cột san hô trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Côn Đảo. Vì vậy chưa khai thác du lịch và rất ít người biết tới. Hải An cho biết, trước khi muốn tham quan, anh phải xin phép và có sự đồng ý của chính quyền địa phương. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Cột san hô lớn nhất được phát hiện, nằm tại vịnh Côn Sơn, cách cầu tàu 914 khoảng 1.000 m. Tháng 6/2019, cột san hô này có hiện tượng tẩy trắng (hay còn gọi là hiện tượng phá hủy san hô do các đợt sóng ấm). Tuy nhiên, đến nay đã được phục hồi về nguyên trạng.
Anh Nguyễn Văn Vững, hiện công tác tại Phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết, ở đây còn có nhiều cột san hô khác, nằm ở khu vực Hòn Tre, vịnh Côn Sơn... Ảnh: Nguyễn Văn Vững.
Các khối san hô chưa được nghiên cứu và xác định tuổi chính xác. Tuy nhiên dựa trên tốc độ tăng trưởng khoảng 1 - 2 cm mỗi năm, khối san hô có tuổi hàng trăm năm. Ảnh: Nguyễn Văn Vững.
Vườn quốc gia Côn Đảo có tổng diện tích tự nhiên 19.883 ha. Trong đó, phần bảo tồn rừng rộng 5.883 ha và bảo tồn biển 14.000 ha. Đây là một trong những vùng biển có hệ sinh vật phong phú bậc nhất Việt Nam với các rạn san hô nguyên thủy, thực vật ngập mặn, rong biển, cỏ biển, cá rạn san hô, giáp xác...
Hiện vườn quốc gia bảo tồn nghiêm ngặt san hô, các loài sinh vật biển khác như rùa, cá heo... Ảnh: Nguyễn Văn Vững.
Hệ sinh thái san hô ở đây rất phát triển với 342 loài, 61 giống, 17 họ, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa, cân bằng oxy trong nước biển. Các rạn san hô là nơi ở, sinh cảnh đẻ trứng, kiếm ăn của nhiều loài thủy sinh vật khác. Ngoài ra, chúng có nhiệm vụ quan trọng, như một vùng đệm chống bão, sóng, bảo vệ Côn Đảo. Ảnh: Nguyễn Văn Vững.
Lặn biển ngắm san hô hiện là một trong những hoạt động được yêu thích nhất ở Côn Đảo. Một số khu vực có khai thác du lịch là Hòn Sao, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tài, vịnh Côn Sơn...
Giá vé để lặn ngắm san hô 60.000 đồng một người. Ngoài ra là chi phí thuê cano khoảng 2,5 - 3 triệu đồng. Mỗi cano chở khoảng 10 khách. Ảnh: Nguyễn Văn Vững.
Rạn san hô với nhiều hình thù dưới đáy đại dương.
Cá hề thường sống trong những rạn san hô hoặc các dải đá ngầm.
Để bảo vệ rạn san hô, du khách lưu ý khi lặn không sờ, bẻ, dẫm hay có những tác động trực tiếp lên chúng. Ngoài ra, không nên vứt rác bừa bãi để bảo vệ cảnh quan xung quanh. Video: Nguyễn Văn Vững.
Lan Hương