Cảnh sắc yên bình và nhịp sống mưu sinh trên đầm Thị Nại được khắc họa qua bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Quy Nhơn - Nguyễn Tiến Trình.
Vùng ven biển Bình Định có 3 đầm lớn là Trà Ổ (huyện Phù Mỹ), Đạm Thủy (huyện Phù Cát) và Thị Nại (TP Quy Nhơn), trong đó Thị Nại là đầm lớn nhất cũng là “vườn ươm” của các loài thủy sản. Thị Nại xưa có tên là đầm Biển Cạn do nước rút cạn để trơ lòng đầm. Đầm này đã có thời gian mang tên Hải Hạc Đàm nhưng người dân từ lâu vẫn gọi đầm Thị Nại.
“Bình Định có núi Vọng Phu. Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Tiến Trình (quê ở Bình Định) dùng câu ca dao để giới thiệu về đầm Thị Nại. Đầm có diện tích trên 5.000 ha, thuộc địa phận 4 phường, xã của TP Quy Nhơn và 4 xã của huyện Tuy Phước và đổ ra cửa Thị Nại.
Trên hình là quang cảnh đầm với các cụm dân cư, xen kẽ các thửa ruộng, hệ thống ao nuôi trồng thủy sản và điểm nhấn là cầu Thị Nại.
Cầu Thị Nại (còn gọi cầu Nhơn Hội) bắc qua đầm cùng tên, là niềm tự hào của người dân Bình Định. Cầu nằm cách trung tâm Quy Nhơn khoảng 3 km, thuộc hệ thống cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội có chiều dài toàn tuyến hơn 7 km. Đường đi tiện nhất để đến các điểm tham quan nổi tiếng Quy Nhơn như Eo Gió, Kỳ Co, đồi cát Phương Mai hay Trung Lương đầu qua cầu.
“Ốc đảo dân cư” được quy hoạch xen kẽ những thửa ao nuôi trồng thủy sản trên đầm Thị Nại, địa phận phường Đống Đa, TP Quy Nhơn.
Nếp nhà yên bình trên mặt đầm Thị Nại mênh mang nước ở cồn Chim, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, cách Quy Nhơn khoảng 15 km. Nơi đây có trên 100 hộ dân sinh sống qua nhiều thế hệ, tập trung theo cụm dân cư hoặc nằm rải rác.
Mảng rừng ngập mặn xanh ngát trồng các loại đước, sú vẹt trong nhiều năm qua là nơi thu hút nhiều loài chim, cò về đây cư ngụ.
Các nhánh của sông Côn, con sông lớn nhất của tỉnh Bình Định và sông Hà Thanh đều chảy về đầm Thị Nại, tạo nguồn phù sa bồi tụ. Khi nước triều lên, mặt đầm loang loáng nước. Vào những ngày triều cạn (ảnh), đáy đầm hiện ra và phong cảnh trên đầm qua góc nhìn nhiếp ảnh trở thành một bức tranh trừu tượng.
Bóng đổ của người dân bắt ốc khi đầm cạn nước. Đầm Thị Nại có nguồn lợi thủy sản phong phú, các số liệu khảo sát mới nhất năm 2020 ghi nhận được 684 loài động vật, thực vật tại đầm, gồm nhiều loài cá, tôm, ghẹ, cua, động vật thân mềm và rong biển.
Các thuyền khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại.
Tác giả "mách" với du khách có dịp nhất định phải thử cảm giác lênh đênh trên thuyền nhỏ, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên, các khoảnh khắc hừng đông, chiều buông và trải nghiệm nhịp sống bình dị trên đầm.
Ngư dân mưu sinh bằng rớ chồ - một công cụ được cố định để đánh bắt tôm, cá trên đầm Thị Nại. Nhà tác giả Tiến Trình ở khá gần đầm Thị Nại nên khi có thời gian là anh lại đi chụp quang cảnh đầm, chủ yếu qua góc nhìn từ trên cao.
Rớ truyền thống này được dựng đứng bởi bốn cây sào tre dài, ở giữa chùng xuống hình lòng chảo. Khi rớ được kéo lên, ngư dân đội nón đứng trên thuyền thúng ra giữa, dùng tay quét để dồn các loại cá vào chỗ rún của rớ, sau đó mở dây rún để trút cá.
“Hừng đông trên đầm Thị Nại và người dân lại bắt đầu lênh đênh mưu sinh trên sông nước, là nơi tôi muốn tận hưởng đến trọn vẹn cảm giác bình yên. Nhịp sống trên đầm cũng chính là chất xúc tác để tôi ghi lại khoảnh khắc ấn tượng theo cách của riêng mình”, anh Tiến Trình chia sẻ.
Huỳnh Phương
Ảnh: Nguyễn Tiến Trình