Trên nền cát nóng, trơ cằn sỏi đá, san hô, những rặng dừa xanh ngát mạnh mẽ vươn mình thi gan cùng gió bão, nắng mưa bám trụ kiên cường với những người lính giữ đảo.
Không quá khi gọi Nam Yết là “đảo dừa giữa Biển Đông”, bởi nhìn từ xa, đảo Nam Yết nổi bật trên mặt biển với những rặng dừa xanh vươn mình trong nắng gió, như khí chất của cán bộ, chiến sỹ nơi đảo tiền tiêu. Dường như thiên nhiên đã ưu ái cho hòn đảo này môi trường thuận lợi để cây dừa sinh sôi, phát triển. Trên đảo, khắp nơi đều là dừa.
Những hàng dừa thẳng tắp là niềm tự hào của cán bộ, chiến sỹ đảo Nam Yết.
Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh đảo, đồng chí Phạm Duy Hướng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân, người từng nhiều năm công tác trên các đảo ở Trường Sa, trong đó có đảo Nam Yết chia sẻ: Ở Trường Sa, không có hòn đảo nào dừa lại sinh sôi và phát triển nhanh như tại Nam Yết. Trên đảo có rất nhiều cây dừa cổ thụ, tuổi đời hàng chục năm, nhiều cây dừa cao quá, chúng tôi phải đốn hạ, trồng thay thế cây mới để tránh gây nguy hiểm cho cán bộ và người dân trong mùa mưa bão. Theo những ngư dân cao tuổi kể lại, dừa được mang từ đất liền ra trồng trên đảo. Cha ông đã trồng cây, trồng dừa để khẳng định chủ quyền đất nước đối với đảo này.
Khó có thể đếm được số lượng cây dừa ở đảo Nam Yết, bởi dừa mọc hết lớp này đến lớp khác, mỗi năm lại có hàng chục cây được cán bộ, chiến sỹ đảo Nam Yết trồng thêm. Những cây dừa được các chiến sỹ trồng thành vườn, thành hàng, lối rất đẹp. Những hàng dừa cao vút, thẳng tắp trở thành niềm tự hào của cán bộ, chiến sỹ trên đảo khi có khách ghé thăm.
Chiến sỹ Ngô Thanh Hùng cho biết: Ở đảo, quả dừa già, khô rụng xuống từ những cây dừa cổ thụ sẽ được cán bộ, chiến sỹ ươm trong cát cho nảy mầm. Khi mầm dừa mọc cao khoảng 40 cm sẽ đem trồng, chăm sóc trong khoảng 2 năm đầu đến khi cây cứng cáp, chịu được gió biển. Dù nước ngọt thiếu thốn nhưng cán bộ, chiến sỹ đều có ý thức chăm sóc cây. Nước sạch sau khi tắm rửa, sinh hoạt được thu gom lại để tưới cây.
Dừa trên đảo Nam Yết cho quả quanh năm.
Nhờ sự chăm sóc, nâng niu của cán bộ, chiến sỹ, dừa ở đảo Nam Yết luôn xanh tốt, cho quả quanh năm. Theo đồng chí Phạm Duy Hướng, những cây dừa ở Nam Yết tuy quả không sai và nhiều nước như ở đất liền, nhưng lại có vị ngọt đậm đà và cùi dày hơn. Chính vì thế, quả dừa được nâng niu, trân trọng và thường chỉ có dịp lễ, tết, khách phương xa tới thăm, sinh nhật đồng đội hoặc đồng chí nào mới ốm dậy mới được thưởng thức nước dừa của đảo.
Đặc biệt, mâm ngũ quả ngày Tết ở đảo Nam Yết không thể thiếu quả dừa. Phần cùi dừa được các chiến sỹ chế biến thành mứt thơm ngon. Bánh chưng trên đảo cũng rất đặc biệt khi được gói bằng lá bàng vuông kết hợp với lá dong và lớp ngoài cùng bao giờ cũng được trang trí bằng lá dừa cho thêm phần bắt mắt.
Cây dừa ở đảo Nam Yết là “cây đa năng”, bởi ngoài cho nước uống, chế biến món ăn ngon, lá dừa còn được tận dụng đan thành phên chắn sóng, chống gió mặn cho các vườn rau, chuồng gia súc, gia cầm; sọ dừa khô làm gáo múc nước hoặc gắn thêm ốc biển làm quà gửi tặng hậu phương…
Với lợi thế về chiều cao, hàng trăm cây dừa trên đảo Nam Yết làm “lá chắn” chở che cho những vườn rau xanh cũng như nhiều loại cây ăn quả khác được cán bộ, chiến sỹ dày công chăm bón không bị tác động trực tiếp của hơi muối và bão gió khắc nghiệt từ ngoài khơi xa.
Lần đầu đến đảo Nam Yết cũng là lần đầu tôi được thưởng thức nước dừa nơi đảo xa. Nước dừa Nam Yết ngọt đậm đà nhưng tôi vẫn cảm thấy đâu đó vị mặt mòi của biển cả, vị mặn từ những giọt mồ hôi của cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm ươm màu xanh cho những vườn quả. Trong nắng gió, hàng dừa vẫn mạnh mẽ vươn cao, song hành với những cán bộ, chiến sỹ đảo Nam Yết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo baolaocai.vn