Dọc theo dải đất hình chữ S, tạo hóa ban cho cảnh đẹp từ bắc chí nam, nào núi nào thác, chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần bạn rong ruổi đôi ba dịp cũng đủ khám phá hết 7 điểm đến đệ nhất Việt Nam dưới đây rồi.
Khám phá 7 điểm đến đệ nhất Việt Nam
1. Nam Thiên đệ nhất thác - Thác Pongour
Thác Pongour là một trong 7 điểm đến đệ nhất Việt Nam, còn có tên khác là Nam Thiên, tọa lạc tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng. Nơi này cách thành phố Đà Lạt khoảng 50 km về hướng nam.
Thác là điểm đến được nhiều bạn trẻ ưa thích bởi cảnh quan hùng vỹ, nên thơ. Do khai thác thủy điện nên hiện nay thác không còn nhiều nước như xưa, dù vậy cảnh quan đẹp đẽ của vùng thung lũng hạ lưu vẫn thu hút rất đông du khách đến cắm trại.
Thác Pongour là một trong 7 điểm đến đệ nhất Việt Nam. Ảnh: zingnew
Thác Pongour Đà Lạt cao khoảng 50 m, gồm 7 tầng thác đổ, tạo từng bậc thang lớn bằng các tảng đá to, nhìn từ xa tựa như mái tóc của tiên nữ. Thác có độ dốc lớn nên nước đổ xuống rất mạnh, đủ làm bọt tung trắng xóa và gầm gì suốt ngày đêm. Bên dưới thác có một mặt hồ rộng thênh thang, là nơi du khách có thể ngâm mình thưởng cảnh.
Thác Pongour cao khoảng 50 m, gồm 7 tầng thác đổ. Ảnh: checkinvietnam
Mỗi ngọn thác trên đất Tây Nguyên đều gắn liền với một câu chuyện dân gian, Pongour cũng không ngoại lệ. Theo truyền thuyết của dân tộc K’ho, ngày xưa, vùng đất này do nữ tù trường Kanai cai quản.
Nàng có tài thuần phục thú dữ, có 4 con tế giác luôn tuân lệnh nàng, giúp muôn dân dời non, ngăn suối, khai phá đất đai, bảo vệ dân làng. Sau khi Kanai mất, 4 con tê giác quanh quẩn bên nàng ngày đêm không rời, không ăn không uống cho đến chết.
Nơi nàng yên nghỉ đột nhiên mọc lên một ngọn thác. Người ta tin đó là do nàng cùng những con tê giác hóa thành.
Vẻ đẹp của thác Pongour. Ảnh: checkinvietnam
Hiện nay, khu vực thác Pongour đã được đưa vào khai thác du lịch. Khu du lịch mở cửa từ 7h30 đến 17h hàng ngày. Du khách có thể đến đây vào lúc sáng sớm, khi thời tiết mát mẻ để ngắm cảnh quan đẹp đẽ của thác nước.
Giá vé vào cổng không đắt, chỉ từ 20.000 đồng/người. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, thác Pongour còn được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh, là ngôi nhà chung của nhiều loại động thực vật quý hiếm.
Người Pháp từng đánh giá đây là ngọn thác hùng vỹ nhất tại Đông Dương. Cái tên Nam Thiên đệ nhất thác cũng là do vua Bảo Đại đặt.
Cái tên Nam Thiên đệ nhất thác cũng là do vua Bảo Đại đặt. Ảnh: checkinvietnam
Đường đến Nam Thiên đệ nhất thác không quá khó, nhưng du khách cần cẩn thận vì có nhiều đoạn đổ dốc, ôm cua nguy hiểm. Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, du khách hãy lái xe theo dọc quốc lộ 20 về hướng Nam, đến khu vực núi Chai, đi thêm 8 km thì rẽ phải sẽ đến thác.
Đường đến Nam Thiên đệ nhất thác không quá khó. Ảnh: checkinvietnam
2. Thiên hạ đệ nhất hùng quan – Hải Vân Quan
Một điểm đến đệ nhất Việt Nam khác chính là Hải Vân Quan - ranh giới tự nhiên giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế. Năm 2017, công trình này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Thiên hạ đệ nhất hùng quan – Hải Vân Quan. Ảnh: langthangdanang
Đèo Hải Vân có tổng chiều dài khoảng 20 km, bao gồm nhiều khúc cua uốn lượn đẹp mắt giữa một bên là núi rừng và một bên là biển. Điểm cao nhất của đèo các mực nước biển 500 m, dù nguy hiểm nhưng vẫn thu hút rất đông du khách, đặc biệt là các phượt thủ lái mô tô.
Đèo Hải Vân được khai phá từ thời thực dân Pháp nhằm làm tuyến đường nối 2 miền Bắc Nam, cho xe vận chuyển vũ khí và lương thực lưu thông phục vụ chiến tranh.
Đèo Hải Vân. Ảnh: checkinvietnam
Hải Vân Quan là công trình quân sự do triều đình Nhà Nguyễn xây dựng từ năm 1826, tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân để làm nơi giám sát các hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng.
Công trình được xây bằng gạch đỏ, cao khoảng 6 m, bên dưới có cổng vòm lớn, bên trên là một tầng riêng có cửa sổ quan sát. Tường dày, bề mặt kiên cố, mặt cửa trông về Huế đề chữ Hải Vân Quan, mặt cửa hướng về Đà Nẵng đề chữ “thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Hải Vân Quan là công trình quân sự do triều đình Nhà Nguyễn xây dựng từ năm 1826. Ảnh: baodanang
Đứng trên Hải Vân Quan, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của đèo Hải Vân dưới lớp mây trắng phủ mờ, ngắm nhìn con đường uốn lượn ngoạn mục, thảm rừng xanh trùng điệp và biển xanh thơ mộng. Đây cũng là điểm check-in mà du khách không thể bỏ qua khi đi du lịch Đà Nẵng – Huế.
Checkin Hải Vân Quan. Ảnh: langthangdanang
3. Đệ nhất cù lao – Cù lao Giêng
Cù lao Giêng nằm ở giữa sông Tiền, thuộc huyện Bình Phước Xuân, tỉnh An Giang. Cù lao này có tuổi đời đã 300 năm, từng là cơ sở của cán bộ cách mạng hoạt động bí mật từ năm 1930.
Cù lao Giêng có khí hậu mát mẻ quanh năm, cây trái sum suê và nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng lâu đời. Tại đây có chùa Phước Thành, Nhà thờ cù lao Giêng, Đình thần xã Tấn Mỹ… các công trình tâm linh từ Phật giáo, Thiên chúa giáo đến đạo Cao Đài đều có đủ.
Chùa Phước Thành. Ảnh: thamhiemmekong
Du khách đến Cù lao Giêng có thể ghé thăm Thánh đường họ Đầu Nước – công trình được xây dựng cuối thế kỷ 19. Thánh đường mang phong cách kiến trúc Roman, sức chứa khoảng 300 người.
Một điểm đến khác trên cù lao Giêng – một trong 3 công trình giá trị nhất là Tu viện Chúa Quan Phòng. Nơi này mang vẻ đẹp hoài cổ rất riêng, trồng nhiều hoa cỏ trong khuôn viên, rất thích hợp cho những tâm hồn lãng mạn.
Thánh đường họ Đầu Nước. Ảnh: checkinvietnam
Tu viện Phanxico với phong cách kiến trúc Gothic, rộng 71.000 m2 cũng là một điểm đến tham quan ấn tượng. Ngoài ra trên Cù lao Giêng còn có Thánh thất Mỹ Hưng, vườn xoài Chích Chòe Đất, làng nghề mộc Tấn Mỹ, di tích lịch sử Cột Dây Thép… là những nơi du khách có thể ghé thăm khi đi du lịch An Giang nói chung.
Tu viện Phanxico với phong cách kiến trúc Gothic, cũng là một điểm đến tham quan ấn tượng. Ảnh: checkinvietnam
4. Hoan Châu đệ nhất danh lam – Chùa Hương Tích
Chùa Hương Tích nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh, là một trong 21 thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất nước Nam. Chùa nằm trên độ cao 650 m so với mực nước biển, tên đầy đủ là Hương Tích Cổ Tự, còn người bản địa gọi thân thuộc là chùa Thơm.
Chùa Hương Tích nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh. Ảnh: baohatinh
Chùa có kiến trúc độc đáo, ấn tượng, được xây dựng từ hàng nghìn năm trước. Chùa thờ Phật Quan Âm Bồ Tát, theo hệ phải Phật giáo Bắc Tông. Chùa Hương Tích gắn liền với sự tích công chúa Diệu Thiện – con gái Trang Vương nước Sở tu hành hóa Phật.
Khi vua cha định gả nàng cho một viên quan võ độc ác, nàng đã trốn đi quy y cửa phật, sau đó lập am tu hành tại động Hương Tích. Sau này, khi nghe tin cha bệnh, nàng đã hiến dân cả tròng mắt và bàn tay để cứu cha. Đức Phật cảm động đã hóa phép cho nàng mọc tay và thêm mắt sáng. Nàng tu hành đắc đạo, hóa thành Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay.
Chiêm bái cầu an ở chùa Hương Tích Hà Tĩnh. Ảnh: baohatinh
Quần thể di tích văn hóa tôn giáo chùa Hương Tích Hà Tĩnh bao gồm nhiều công trình và hạng mục. Du khách có thể đến tham quan Cung Tam Bảo – nơi đặt 54 pho tượng Phật cổ làm bằng gỗ quý có niên đại đã hàng nghìn năm.
Chùa Hương Tích có cảnh quan tuyệt đẹp, được bao quanh bởi núi non hùng vỹ. Đường lên chùa thoai thoải, có bậc thang nên du khách có thể vừa dạo chơi vừa ngắm cảnh, để tâm hồn trở nên thư thái và bình yên.
Vãn cảnh chùa. Ảnh: checkinvietnam
Mùa xuân là lúc chùa Hương Tích đón nhiều du khách nhất. Sau Tết Nguyên đán, chùa bắt đầu khai hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Ngày hội chính diễn ra vào 18/2, ngày công chúa Diệu Thiện hóa Phật. Dịp này, du khách đến đây có thể trải nghiệm các hoạt động văn hóa dân gian của người Việt xưa.
5. Nam Thiên đệ nhất động – Động Hương Tích
Động Hương Tích được mệnh danh là động đẹp nhất trời Nam, cách trung tâm thành phố Hà Hội khoảng 70 km về phía tây nam, thuộc huyện Mỹ Đức. Du khách có thể vào động Hương Tích bằng cách đi bộ xuống hơn 100 bậc đá, ở đây còn bút tích của chúa Trịnh Sâm trên vách núi cao, đề 5 chữ “nam thiên đệ nhất động” từ năm 1770 khi chúa đi tuần du Sơn Nam.
Động Hương Tích được mệnh danh là động đẹp nhất trời Nam. Ảnh: baodulich
Đi sâu vào bên trong, du khách sẽ nhìn thấy muôn vàn nhũ đá rũ xuống từ trần nhà và nhô lên từ mặt nước tuyệt đẹp, đặc biệt nhất là đụn Gạo. Hòn thạch nhũ này nằm chính giữa động, giống như lưỡi trong miệng rồng vậy.
Động Hương Tích có đường lên trời và lối xuống ấm phủ. Đường lên trời là một sườn dốc cao, lối xuống âm phủ thì giống một cái khe, càng đi càng xuống sâu lòng đất. Trong động mát mẻ quanh năm. Trước động có suối Yến, bến Đục, khung cảnh bình yên và thơ mộng.
Động Hương Tích có đường lên trời và lối xuống ấm phủ. Ảnh: baodulich
Trong quần thể du lịch này có chùa Hương, khai hội từ mùng 6 Tết hàng năm đến tận tháng 3 âm lịch nên vô cùng sôi động và đông đúc. Du khách đến đây không chỉ để vãn cảnh chùa, cầu an mà còn để ngắm nhìn vẻ đẹp tựa như tranh thủy mặc của hệ thống chùa và động.
Động Hương Tích đón đông du khách nhất là vào mùa xuân. Ảnh: baodulich
6. Vùng đệ nhất danh trà – Thái Nguyên
Nói đến trà Việt, người ta sẽ nghĩ ngay đến Thái Nguyên. Đây là vùng chè lâu đời của Việt Nam, nơi trồng ra được sản phẩm chè có hương vị đặc trưng không nơi nào có được. Do đó, người ta mới gọi đây là vùng đất “đệ nhất danh trà”.
Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên đi thêm 10 km theo tỉnh lộ Đán – Núi Cốc, du khách sẽ đến được những đồi chè xanh mướt. Vùng trà Tân Cương – Thái Nguyên là một trong số đó, thơm ngon và nổi tiếng nhất.
Trà Tân Cương thơm hương cốm, ngọt chát thanh tao. Chè La Bằng có màu vàng óng như mật ong, mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm đà, uống rất sảng khoái. Trà Trại Cài nước xanh, vị chát nhẹ nhàng. Ngoài ra còn có vùng chè khe Cốc cũng có chất lượng hảo hạn không kém. Đây là 4 vùng chè ngon nhất – tứ đại danh trà của Thái Nguyên.
Người dân nơi đây tạo ra trà bằng các phương pháp truyền thống, giữ được hương vị thơm ngon đậm đà, phù hợp với gu thưởng thức trà của người Việt. Các dòng sản phẩm trà Thái Nguyên được xuất khẩu đi khắp mọi tỉnh thành, trở thành món quà lưu niệm được nhiều người lựa chọn dành tặng bạn bè và người thân sau mỗi chuyến du lịch.
7. Đệ nhất đèo – Mã Pí Lèng
Một trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc – nơi được gọi đệ nhất đèo – Mã Pí Lèng là điểm du lịch ấn tượng thu hút đông đảo phượt thủ Việt Nam và quốc tế. Đèo nằm trên độ cao 1200 m so với mực nước biển, dài khaongr 20 km, đi qua 3 xã thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đây là cũng đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam.
Mã Pí Lèng là một trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc. Ảnh: checkinvietnam
Đường đèo Mã Pí Lèng được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Một bên là núi non hùng vỹ, vách núi dựng đứng, một bên là sông Nho Quế xanh ngọc bích và vực sâu tạo ra cảnh đẹp ngoạn mục cho cung đường đèo này. Đèo Mã Pí Lèng được báo chí quốc tế ca ngợi là điểm đến nhất định không thể bỏ qua nếu đi du lịch bụi.
Đường đèo Mã Pí Lèng được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Ảnh: zingnews
Cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc, trong đó có 9 khoanh đèo dài 20 km được ví von như vạn lý trường thành của Việt Nam. Nhìn từ trên cao, khung cảnh đẹp ngoạn mục này tưởng chừng như không thuộc về nước Việt.
Năm 2009, khu vực đèo Mã Pí Lèng đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Bao gồm đèo, đỉnh đèo, hẻm vực sông Nho Quế. Du khách đi du lịch Hà Giang nhất định đừng bỏ qua khung cảnh tuyệt vời nơi đây.
Sông Nho Quế dưới chân đèo. Ảnh: checkinvietnam
Trên đây là 7 điểm đến đệ nhất Việt Nam mà mỗi tín đồ du lịch đều ao ước được đặt chân đến một lần trong đời. Sau khi hết dịch Covid-19, du khách có thể tiếp tục ghé thăm những địa danh này.
Cẩm Luyến
(Theo Báo Thể thao Việt Nam)