(Dân Việt) Với những thạch nhũ tự nhiên hình thành từ thời khủng long - kỷ Jura cách đây hàng trăm triệu năm trước, động Thiên Đường ở Quảng Bình đã xác lập kỷ lục châu Á.
Khu vực “Giếng trời” bên trong động Thiên Đường. (Ảnh: Paradise Cave)
Động Thiên Đường từ lâu đã là cái tên quen thuộc với khách du lịch trong và ngoài nước. Động thuộc vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nằm trong khu rừng nguyên sinh ở độ cao 360m so với mực nước biển, cách thành phố Đồng Hới khoảng 60km về phía tây bắc. Hang động này dài 31,4km, được phát hiện lần đầu tiên bởi Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh vào năm 2005. Năm 2011, khu khu lịch sinh thái động Thiên Đường chính thức được khai thác và đi vào hoạt động.
Cùng năm 2011, động Thiên Đường đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao bằng xác lập hai kỷ lục là “Động khô dài có hệ thống thách nhũ độc đáo nhất Việt Nam” và “Động có cầu gỗ dài nhất Việt Nam”. Đến giữa năm 2019, động Thiên Đường một lần nữa được cả thế giới chú ý khi được Hội đồng Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục là “Hang động có hệ thống thạch nhũ, măng đá độc đáo và tráng lệ nhất châu Á”.
Hệ thống thạch nhũ hình thành từ thời khủng long, ước tính cách đây hàng trăm triệu năm trước. (Ảnh: Paradise Cave)
Theo nhiều tài liệu khoa học, mỗi cm thạch nhũ phải mất 10.000 năm để hình thành. Với động Thiên Đường, các nhà khoa học nhận định hang động này có lịch sử từ 4 - 5 triệu năm trước. Riêng những cột đá, thạch nhũ bên trong có niên đại lên tới hàng trăm triệu năm tuổi.
“Hệ thống thạch nhũ này tồn tại rất lâu trước cả thời kỳ khủng long - kỷ Jura. Phần lớn được hình thành từ xương của những sinh vật biển như san hô, cá,… khi nơi đây còn là đáy biển. Không chỉ riêng động Thiên Đường, các hang động trong quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung đều được hình thành từ xác của những sinh vật biển chồng chất từ năm này qua năm khác, và theo thời gian chúng trở thành những kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp ngày nay”, trích tài liệu viết về động Thiên Đường của ban quản lý hang động này.
Nhiều sinh vật đang sinh sống bên trong động Thiên Đường. (Ảnh: Paradise Cave)
Theo ban quản lý động Thiên Đường, động Thiên Đường được chia làm nhiều khoang, khoang rộng nhất có chiều rộng lên đến 150m, chiều cao 100m. Hệ hống thạch nhũ trong động vô cùng đa dạng và phong phú về giá trị địa chất cũng như hình hài, được gọi với những cái tên mỹ miều như: Thạch Hoa Viên, Tháp Liên Hoa, Thỏ Ngọc, Cung Giao Trì, Cung Quảng Hàn, Quần Tiên Hội Tụ,…
Bước vào hang động kỳ vĩ nhất châu Á này, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng, thán phục trước vẻ đẹp tráng lệ của kỳ quan thiên nhiên được tạo hoá khéo léo kiến tạo từ hàng trăm triệu năm về trước. Càng đi sâu vào trong, không gian càng được mở rộng và tráng lệ, xua tan cảm giác ngột ngạt, oi bức bên ngoài bởi không khí mát lạnh trong lòng hang.
Điều kỳ diệu là trong bóng tối của hang động Thiên Đường đang tồn tại sự sống của nhiều loài sinh vật như cá, dơi, nhện,… Theo dự đoán của các chuyên gia hang động Hoàng gia Anh trước đó, ở đây có cửa thông ra với thế giới bên ngoài. Quả đúng như thế, cách hang Dơi chừng 200m là ngã ba của hai dòng suối cạn mở ra một khu tiên cảnh.
Trần hang động phẳng như có bàn tay tác động của con người, càng đến gần bờ suối càng thấp dần. Khi tham gia các chuyến thám hiểm hang Thiên Đường, du khách có thể được chèo thuyền vượt suối, luồn qua khe suối cạn. Khoảng cách giữa mặt nước và trần động rất hẹp, do đó du khách phải gập người để không chạm trần động.
Theo mô tả của đơn vị đang khai thác kỳ quan thiên nhiên này, cả hành trình du khách sẽ có dịp thử lòng can đảm của bản thân khi phải vượt qua những chặng đường cheo leo, hiểm trở, có những nơi lối đi hẹp chỉ vừa đủ cho một người luồn qua. Đặc biệt ở đoạn đường cuối cùng sẽ có rất nhiều địa hình đá gập ghềnh, trơn trượt tạo cảm giác mạo hiểm lý thú.